Thành tựu xây dựng và phát triển, người dân thụ hưởng - Kỳ cuối

Cập nhật: 31-05-2021 | 07:34:45

Kỳ cuối : Lấy con người làm trọng tâm

 Với triết lý “lấy con người làm trọng tâm cho mọi chiến lược”, giai đoạn 2016-2020, Bình Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong chiến lược đột phá xây dựng và phát triển thành phố thông minh (TPTM) theo hướng đô thị hiện đại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích cộng đồng, nâng cao chất lượng đời sống để người dân được thụ hưởng, đưa tỉnh nhà lên một tầm cao mới.

 Bình Dương xây dựng nhà ở xã hội nhằm tạo nơi ở ổn định, giúp người lao động an cư lạc nghiệp. Trong ảnh: Khu nhà ở xã hội Định Hòa, phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một

 Người dân được phục vụ

Lấy con người làm trọng tâm cho mọi chiến lược, các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh luôn bám sát tính nhân văn đó để làm kim chỉ nam cho mọi hành động, kiến tạo một hệ sinh thái hoàn thiện về y tế, văn hóa, giáo dục, thương mại dịch vụ… phục vụ người dân, nhà đầu tư, người lao động. Từ chiến lược đề án TPTM, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hướng đến xây dựng một chính quyền trong sạch vì nhân dân phục vụ.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính góp phần tăng cường hiệu quả về dịch vụ, như phần mềm ứng dụng trong thẩm định Chỉ số cải cách hành chính đối với các sở, ban, ngành; phần mềm hệ thống một cửa liên thông cấp tỉnh; ứng dụng Binh Duong Smartcity trên Zalo, xây dựng ứng dụng dịch vụ công của tỉnh trên thiết bị di động để tăng cường tương tác với người dân; tích hợp dịch vụ bưu chính và dịch vụ công, cung cấp thanh toán trực tuyến qua ngân hàng đối với 100% thủ tục hành chính trực tuyến hướng đến nền hành chính thanh toán không dùng tiền mặt... Phong cách làm việc theo hướng phục vụ, thân thiện như tư vấn pháp luật miễn phí, các tiện ích như bưu điện, viễn thông, máy ATM, máy bán hàng tự động, xe điện chuyên chở khách từ nhà xe đến khu vực một cửa…

Là tỉnh đi đầu về hành chính một cửa, Bình Dương đã tạo điều kiện phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác thông tin giải quyết các vướng mắc để các dự án được triển khai nhanh, đi vào sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, một yếu tố góp phần làm nên thương hiệu Bình Dương là tỉnh nhà đã xây dựng phong cách làm việc theo hướng phục vụ, thân thiện được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao. Triển khai Tổng đài 1022 và hệ thống mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để người dân, doanh nghiệp kết nối trực tiếp với chính quyền 24/7, từ đó tạo được sự liên hệ mật thiết giữa các bên.

Đô thị đáng sống

Trong công tác quy hoạch, Bình Dương hình thành các khu công nghiệp xanh, đan xen với các khu đô thị, thương mại và dịch vụ... Điều này giúp hình thành mạng lưới các khu dân cư mới, vừa có tác dụng phát triển, thương mại, dịch vụ xung quanh các khu công nghiệp, đồng thời bảo đảm chất lượng cuộc sống cho nhà đầu tư, bảo đảm lợi ích cho những người dân nằm trong diện quy hoạch, cũng như người lao động. Đặc biệt, đối với dự án nhà ở xã hội Bình Dương đã xây dựng được 64.000 căn hộ phục vụ cho 164.000 người và 30.000 căn nhà ở công nhân phục vụ cho 90.000 người, nhằm tạo nơi ở ổn định, giúp người lao động an cư lạc nghiệp, góp phần vào quá trình phát triển đô thị và công nghiệp bền vững của Bình Dương. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành bạn đã đến học tập kinh nghiệm để nhân rộng mô hình này.

Cùng với đó, Bình Dương chú trọng xây dựng phát triển hệ thống cở sở hạ tầng thông suốt, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng hoàn chỉnh như nâng cấp Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn; xây dựng hệ thống camera giám sát điều hành giao thông, hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng, hệ thống lưu trữ điện năng tại các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông…

Xây dựng TPTM việc phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại là một giải pháp quan trọng, trong đó tỉnh đã chú trọng phát triển hệ thống xe buýt công nghệ 4.0. Các tuyến xe buýt Tokyou được xem là tiên phong trong phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng theo hướng tiện nghi, hiện đại và thân thiện với môi trường, góp phần để người dân đi lại thuận tiện. Đây là tiêu chí quan trọng cần đạt được của một đô thị thông minh. Em Nguyễn Phạm Xuân Trang, sinh viên Đại học Quốc tế Miền Đông, chia sẻ: “Em thường đi xe buýt từ nhà đến trường Đại học Quốc tế Miền Đông, rất tiện lợi, văn minh, bảo đảm an toàn. Thời gian cũng bảo đảm, có cả wifi miễn phí...”. Phát triển hệ thông xe buýt không chỉ mang lại nhiều tiện ích cho cư dân, mà còn là bước đi quan trọng để giải quyết các vấn đề giao thông tương lai của TPTM Bình Dương, mang lại những giá trị và chất lượng sống cao.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng mong muốn chính đáng của người lao động và người dân, tỉnh nhà đã triển khai nhiều hình thức, tạo ra nhiều sân chơi bổ ích gắn liền với khu công nghiệp và đô thị như các thiết chế văn hóa thể thao, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật tiết kiệm năng lượng tại trung tâm hành chính; hệ thống công viên tại các khu công nghiệp và đô thị... góp phần tạo ra môi trường sống bền vững, giúp doanh nghiệp và người dân sống và làm việc tốt hơn.

Nhiều dự án về chiếu sáng thông minh, tiết kiệm năng lượng đã được chính quyền và các doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện. Tiêu biểu tỉnh đã lắp đặt hệ thống đèn LED ở Dĩ An hay đưa vào vận hành hơn 6.000 bóng đèn LED thông minh tại thành phố mới, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn và các khu công nghiệp; triển khai băng thông rộng bảo đảm kết nối các hệ thống IoT trên toàn tỉnh...

Ngoài ra, hệ thống thông tin địa lý (GIS) và phần mềm chuyên ngành xây dựng được phát triển dựa trên mô hình liên kết ba nhà là Sở Xây dựng - VNPT - Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh. Hệ thống đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, bàn giao cho các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là xây dựng cơ sở dữ liệu không gian và hệ thống phần mềm ứng dụng hỗ trợ khai thác dữ liệu nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đến nay, dự án đã khởi tạo thành công hệ thống thông tin địa lý chuyên ngành xây dựng. Hệ thống được cài đặt trên Trung tâm dữ liệu dùng chung của tỉnh Bình Dương và thực hiện các dịch vụ cung cấp dữ liệu tại địa chỉ: www.gisxd. binhduong.gov.vn. Khối lượng dữ liệu đã số hóa rất lớn, bao gồm 1 quy hoạch chung toàn tỉnh, 13 quy hoạch chung đô thị, 41 quy hoạch phân khu, 46 quy hoạch nông thôn mới và 302 quy hoạch chi tiết trên toàn tỉnh; hơn 5.000 công trình xây dựng và các hồ sơ liên quan; dữ liệu về quy hoạch và hiện trạng khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, một khối lượng lớn các dữ liệu hạ tầng kỹ thuật trên toàn tỉnh cũng đã được thu thập, chuẩn hóa và lưu trữ trong hệ thống, như: Hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống viễn thông, hệ thống chiếu sáng, công viên - cây xanh, môi trường đô thị… Tất cả nhằm mục tiêu hướng tới phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

 Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Điều hành TPTM Bình Dương: “Mục tiêu xây dựng TPTM là nhằm phục vụ cho người dân, tất cả những gì Bình Dương đang làm cũng nhằm phục vụ cho người dân, để người dân được thụ hưởng. Hiện nay, đô thị của Bình Dương đang phát triển theo đúng định hướng. Người dân vừa tham gia cùng Nhà nước xây dựng TPTM và cũng chính là đối tượng được thụ hưởng những lợi ích sau này”.

 PHƯƠNG LÊ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=818
Quay lên trên