Tháo điểm nghẽn, nâng cao năng lực cạnh tranh

Cập nhật: 08-09-2023 | 08:28:25

Bình Dương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư cũng như chú trọng công tác quản lý và điều hành, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững. Tỉnh quyết tâm triển khai các giải pháp để đưa PCI năm 2023 trở lại Top 10 cả nước.

Hướng đến sự hài lòng

Năm 2022 , PCI của Bình Dương có sự sụt giảm điểm đáng kể, đạt 65,13 điểm (giảm 4,48 điểm), xếp thứ 36/63 tỉnh, thành cả nước (giảm 30 bậc so với năm 2021). Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho rằng để cải thiện PCI, trước hết cần quan tâm chỉ số thành phần gia nhập thị trường, chỉ số này đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, tỉnh cần có cơ chế liên thông, phối hợp giữa các sở, ngành trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho doanh nghiệp (DN); cần minh bạch hồ sơ tiếp nhận xử lý, danh sách số hồ sơ trả lại, nêu rõ lý do cũng như thông báo thời gian giải quyết cụ thể đối với hồ sơ tồn đọng.

Các DN nỗ lực sản xuất, kinh doanh để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023. Trong ảnh: Sản xuất tại nhà máy Công ty TNHH CICOR Việt nam, KCN VSIP I

Tiếp cận đất đai cũng là chỉ số thành phần quan trọng giúp tỉnh cải thiện môi trường, tạo điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy cho nhà đầu tư. Năm 2022, chỉ số này Bình Dương đạt 7,06 điểm (giảm 0,15 điểm). Tại phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện cải cách TTHC, ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Sở đã có nhiều nỗ lực để đạt được kết quả tốt trong cải cách TTHC. Tuy nhiên, do lĩnh vực đất đai nhạy cảm, phức tạp, trong khi chính sách, pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi, mặc dù được bổ sung, cập nhật, điều chỉnh nhưng vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn. Các văn bản hướng dẫn của Trung ương đôi lúc chưa kịp thời, gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện” .

UBND tỉnh đã thông qua kế hoạch cải thiện, nâng cao PCI của tỉnh giai đoạn 2023-2025, tập trung vào 2 mục tiêu: Đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển kinh doanh, tạo điều kiện thu hút nhiều DN đến với Bình Dương; tăng cường phối hợp, nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ hướng đến sự hài lòng của người dân và DN.

Cộng đồng DN chưa đánh giá cao việc thực hiện TTHC trực tuyến, đây cũng là một trong những nguyên nhân kéo các chỉ số thành phần bị giảm điểm. Theo các ngành, thực tế hệ thống trang thiết bị phục vụ giải quyết TTHC cho người dân, DN tại bộ phận một cửa chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Hệ thống thường xuyên phát sinh lỗi, gây ách tắc trong quá trình xử lý, vận hành để giải quyết trả kết quả cho DN. Cùng với đó, cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu DN đang trong giai đoạn thiết lập hoặc làm “sạch” nên quá trình thực hiện các dịch vụ công còn khó khăn nhất định.

Theo ông Lê Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, số lượng công việc nhiều, thường xuyên phát sinh đột xuất nhiệm vụ mới và số lượng hồ sơ phải giải quyết trong ngày nhiều. Với nhiệm vụ phân công phụ trách tại bộ phận một cửa khó có thể thực hiện tốt công tác chuyên môn (không bảo đảm được số lượng, thời gian xử lý hồ sơ). Điều này gây áp lực lớn đối với việc đăng ký DN, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến sự hài lòng của DN, làm ảnh hưởng đến các chỉ số thành phần PCI của tỉnh.

Không “chạy theo” thứ hạng

Năm 2023, với quyết tâm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển DN, Bình Dương đặt mục tiêu đưa PCI trở lại Top 10. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh nâng cao PCI không phải để “chạy theo” thứ hạng, mục tiêu hướng đến là tính hiệu quả thực chất, xác định là khâu đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng sự hài lòng của người dân và DN. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan cùng các địa phương đơn giản hóa TTHC hơn nữa, rút ngắn thời gian cấp giấy phép đăng ký DN; thống kê thủ tục đăng ký DN bị trả lại, chủ động liên hệ hướng dẫn; tăng cường đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho DN.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp rà soát, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai; đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp trong quản lý, tạo quỹ đất sạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư; đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về đất đai nhằm nhanh chóng đưa vào khai thác, phục vụ tốt công tác quản lý; thường xuyên cập nhật nhằm bảo đảm tính chính xác, đồng bộ, mở rộng chia sẻ thông tin, giúp người dân và DN dễ dàng trong tiếp cận, khai thác sử dụng; tăng cường cải cách TTHC về đất đai, trong đó ưu tiên ứng dụng thành quả chuyển đổi số, nhằm bảo đảm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ theo quy định.

Lĩnh vực tiếp cận đất đai tại Bình Dương có những điểm sáng tích cực. Số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trung vị) giảm 27,5 ngày, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành trên cả nước; DN không gặp cản trở về tiếp cận, mở rộng mặt bằng kinh doanh tăng 22%. DN đánh giá rủi ro bị thu hồi đất giảm 0,13%. Thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định xếp thứ 7/63 tỉnh, thành.

TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên