Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để ứng phó với dịch COVID-19

Cập nhật: 23-07-2021 | 10:57:37

May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như phân phối hàng hóa.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Gỡ vướng cho doanh nghiệp ngành công nghiệp

Sáng 22/7/2021, Lãnh đạo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã gặp và làm việc trực tuyến với 11 Hiệp hội các ngành hàng công nghiệp nhằm nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và những khó khăn cần tháo gỡ trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn ra phức tạp tại các tỉnh thành trên cả nước.

Theo đánh giá của Cục Công nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, nhìn chung, trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp công nghiệp đã quay trở lại nhịp độ sản xuất kinh doanh như trước và kỳ vọng năm 2021 sẽ đạt mức tương đương thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.

Tuy nhiên, khi dịch bùng phát trở lại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp, doanh nghiệp chế biến chế tạo, đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu. Nếu không có giải pháp giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất ngay cả khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, khách hàng sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông của các địa phương đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp.

Một trong những vấn đề nổi cộm khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.

Đặc trưng của ngành công nghiệp đó là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính, do đó, khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hoá, quy định về thực phẩm thiết yếu… càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch, lưu thông hàng hóa.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, thủ tục khai báo hải quan và tình hình tắc nghẽn tại các cảng biển là những điểm nghẽn cần được giải quyết cả trong ngắn hạn và dài hạn. Một số doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải đưa hàng ra phao số không để đưa hàng lên tàu thay vì tại cảng do không kịp tiến độ giao hàng.

Sự ngăn cách, kiểm soát chặt chẽ giữa các tỉnh, và những quy định không đồng nhất của cơ quan hải quan càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm đòi hỏi điều kiện bảo quản khắt khe, thời hạn sử dụng ngắn.

Ngoài ra, hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, vừa tạo ra của cải vật chất cho xã hội, vừa tạo việc làm cho người lao động. Do đó, duy trì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chính là góp phần thực hiện mục tiêu vừa tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Trước những khó khăn nêu trên, các Hiệp hội ngành hàng đều thống nhất đề xuất ưu tiên cho các doanh nghiệp sớm được tiêm vaccine (có thể cân nhắc trên cơ sở doanh nghiệp tự chịu chi phí) nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và để doanh nghiệp có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; bổ sung các mặt hàng thực phẩm kể cả đồ uống, sữa…và các nguyên liệu, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa…) phục vụ sản xuất kinh doanh trong ngành chế biến chế tạo là các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cho quá trình lưu thông hàng hóa.

Bộ áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng nhưng vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm do nghỉ dịch lâu nên khi quay lại sản xuất, các doanh nghiệp phải làm tăng ca cho kịp tiến độ giao hàng.

Nhằm giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh, và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, các tỉnh nên xem xét lùi thời điểm tăng giá thuê đất phục vụ sản xuất, kinh doanh; Bộ Tài chính xem xét tăng thời gian ân hạn giãn, hoãn nộp thuế, phí tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ xấu; xem xét duy trì các giải pháp đã áp dụng trước đây như giảm phí trước bạ… nhằm hỗ trợ phục hồi thị trường tiêu dùng trong nước; các tổ chức tài chính xem xét tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp do giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho doanh nghiệp.

Các địa phương nên trao đổi với các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn và thống nhất các quy định giữa các địa phương nhằm tránh tình trạng cát cứ gây ách tắc lưu thông hàng hoá, gián đoạn chuỗi sản xuất; cho phép các doanh nghiệp sớm được quay trở lại sản xuất khi các điều kiện phòng chống dịch bệnh được đảm bảo; gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ôtô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả PCR.

Bên cạnh giải pháp “ba tại chỗ,” “một cung đường, hai địa điểm,” cần có những biện pháp thay thế linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, trên cơ sở đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ sở sản xuất đủ điều kiện về phòng chống dịch và an toàn cho người lao động.

Trên cơ sở các đề xuất của các Hiệp hội, Cục Công nghiệp sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ để phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động.

Lập đường dây nóng gỡ vướng khâu lưu thông hàng hóa

Ngày 22/7, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải đã nhất trí việc lập đường dây nóng để cùng phối hợp, xử lý các vướng mặc trong lưu thông, phân phối hàng hóa vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam.

Doanh nghiệp vận tải sẽ được cấp thẻ nhận diện để vận chuyển hàng hóa giữa TP.HCM đi các tỉnh và ngược lại. (Ảnh: TTXVN)

Trên cơ sở đề xuất của Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải nhất trí cho phép doanh nghiệp được tự mua kit test nhanh Covid-19 (được Bộ Y tế cho phép); vận động doanh nghiệp vận tải hỗ trợ các địa phương vận tải và tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch, tham gia vào các mô hình bán hàng thiết yếu lưu động mùa dịch.

Tổ Công tác cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Hiệp hội vận tải Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ vận chuyển cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp đầu mối liên lạc và các mẫu thẻ nhận diện cho Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương để gửi tới Sở Công Thương các tỉnh, thành phố hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo quy và liên hệ khi gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng trong chiều ngày 22/7, Tổ Công tác đã làm việc với các hệ thống phân phối tại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op, MM Mega Market, Vinmart, Aeon, Lotte Mart) để nắm bắt tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa và các khó khăn, vướng mắc của hệ thống phân phối.

Tổ Công tác ghi nhận khó khăn này và cho biết Bộ Công Thương sẽ có kiến nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cần có hướng dẫn cụ thể khi áp dụng siết chặt Chỉ thị 16/CT-TTg cụ thể là như thế nào để các địa phương, Bộ ngành liên quan chủ động xây dựng kịch bản ứng phó cho phù hợp, hiệu quả; hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực (thiếu nhân viên bán hàng, nhân viên logistic, lái xe), chi phí xét nghiệm cho nhân viên.

Đồng thời, các địa phương có chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các quy định của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế để tạo thuận lợi nhất cho hoạt động lưu thông hàng hóa thiết yếu./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=844
Quay lên trên