Tháo gỡ khó khăn, phục hồi nông nghiệp

Cập nhật: 22-11-2021 | 08:41:17

Thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên. Nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi nông nghiệp, huyện đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thích ứng với tình hình mới và hướng tới phát triển bền vững.

 Liên kết sản xuất được xem là những giải pháp giúp phục hồi, phát triển nông nghiệp bền vững. Trong ảnh: Thu hoạch cam tại Hợp tác xã Hùng Thuận

 Phục hồi

Một ngày giữa tháng 11, đi qua con đường đất đỏ Tân Định 37 để tham quan vườn cam Thanh Nhã, thuộc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hùng Thuận (ấp Bà Đã, xã Tân Định) mới thấy không khí sản xuất đã thực sự trở lại. Tại vườn cam này có khoảng 20 công nhân đang miệt mài lao động. Tay cầm kéo, anh Đặng Văn Nghĩa thoăn thoắt cắt những trái cam chín mọng, cho biết: “Sản xuất trở lại công nhân chúng tôi có thêm việc làm, tăng thu nhập. Chúng tôi đi cắt cam hàng ngày, bữa nào thương lái lấy nhiều thì cắt từ sáng đến 13 giờ chiều, lấy ít chỉ cắt đến 9 giờ sáng là xong. Thời điểm dịch bệnh bùng phát nặng nề chúng tôi hầu như chỉ ở nhà, nay có vệc làm thường xuyên, thực sự rất phấn khởi”.

Sau khi xếp đầy cam vào những chiếc giỏ nhựa đã được tập kết sẵn trong vườn, đến khoảng 9 giờ sáng hàng ngày, xe tải của thương lái vào vận chuyển để cung ứng cho thị trường. Anh Nguyễn Thanh Minh, quản lý trang trại Thanh Nhã, chia sẻ: “Trang trại có 40 ha cam sành. Trước đây một ngày thu hoạch trung bình 10 tấn. Nay, hoạt động sản xuất đang phục hồi nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách mua giảm, trung bình chỉ cắt khoảng 3 - 4 tấn/ngày”.

Hoạt động sản xuất đã bắt nhịp nhanh tại các HTX nông nghiệp lớn như Nhân Đức (xã Hiếu Liêm), Năm Hạng (xã Lạc An), Tân Mỹ (xã Tân Mỹ), hoặc những trang trại Đoàn Minh Chiến, Hai Ấu, Lâm Thành Thương... trong thời điểm “bình thường mới”, cho thấy tín hiệu lạc quan trong lộ trình khôi phục kinh tế nông nghiệp tại huyện nhà sau thời gian nỗ lực phòng, chống dịch bệnh.

Theo ông Huỳnh Hữu Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên, năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng như sự biến động của vật tư nông nghiệp đã ảnh hưởng phần nào đến tình hình phát triển kinh tế của huyện nhà, nhất là cây ăn trái có múi. Trong chăn nuôi, huyện quan tâm công tác chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp ngành nông nghiệp của địa phương. Theo đó, trước tình hình kinh tế khó khăn nông dân đã chuyển hướng phát triển một số mô hình khác, hiệu quả như nuôi thỏ, nuôi gà theo VietGAP, nuôi vịt trên cạn theo hướng an toàn sinh học...

Liên kết sản xuất

Là xã viên HTX Đồng Thuận Phát, ấp 2, xã Thường Tân, thời điểm bùng phát dịch bệnh, nhất là khi thực hiện giãn cách xã hội, gia đình ông Nguyễn Văn Cơ gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. May mắn là thành viên của HTX nên nông sản của gia đình vẫn xuất bán được do HTX thu mua. “Trong khi có rất nhiều nông dân bên ngoài trồng bưởi da xanh bị tồn đọng hàng phải bỏ thì xã viên HTX vẫn bán được dù chấp nhận giá rẻ hơn so với thời điểm chưa có dịch bệnh”, ông Cơ tâm sự.

Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc HTX Đồng Thuận Phát, cho biết: “HTX được 27 thành viên. HTX ra đời nhằm chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ thu mua sản phẩm. Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc, tham gia vào HTX sẽ tập trung về một mối, tạo ra sự liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển”. thành lập từ năm 2019, hiện có

HTX Cây ăn trái Tân Mỹ (xã Tân Mỹ) hiện có 22 thành viên, tổng diện tích 62 ha cây ăn trái có múi. Tham gia HTX, xã viên không chỉ được chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh mà còn tiết kiệm được chi phí sản xuất, cùng hưởng lợi ích. Là người tâm huyết với HTX, ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX, cho biết: “Để ổn định đầu ra, ngoài kênh thương lái, HTX chủ yếu liên kết với kênh tiêu thụ hiện đại Co.opmart. Do đó, trong thời điểm dịch bệnh, mặc dù có bị ảnh hưởng nhưng vẫn bảo đảm được đầu ra. Điểm khác biệt ở HTX Cây ăn trái Tân Mỹ là các xã viên được chia lợi nhuận theo giá của siêu thị, thu nhập trung bình của một xã viên có diện tích vườn nhỏ khoảng 20 triệu đồng/tháng, vườn lớn thu nhập khoảng 1 - 2 tỷ đồng/năm”.

Có thể thấy, liên kết sản xuất, phát triển kinh tế tập thể đóng vai trò vô cùng quan trọng, trong đó nòng cốt là HTX. Những HTX hoạt động hiệu quả đều có sự liên kết chặt chẽ với Nhà nước, doanh nghiệp. Chính vì vậy, thời gian qua huyện Bắc Tân Uyên luôn chú trọng, tạo điều kiện phát triển, nhân rộng loại hình kinh tế này. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử được chú trọng triển khai. “Đầu tháng 11-2021, huyện đã tổ chức cho hơn 40 cơ sở kinh doanh nông sản tiếp xúc với sàn thương mại điện tử của Bưu điện và Viettel. Thông qua đó, thương lái biết đến và thu mua nhiều hơn, góp phần giúp bà con nông dân giải quyết được hàng tồn đọng”, ông Huỳnh Hữu Tấn chia sẻ.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của các tầng lớp nhân dân, đưa ra nhiều giải pháp đúng đắn đối với từng thời điểm, năm 2021, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện tăng so với cùng kỳ, góp phần vào mục tiêu khôi phục kinh tế. Theo lãnh đạo huyện Bắc Tân Uyên, trong thời gian tiếp theo, huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân canh tác, sản xuất nông ghiệp, đồng thời yêu cầu chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Ngoài ra, tiếp tục triển khai các giải pháp quảng bá, mở rộng thị trường cho sản phẩm cây ăn trái có múi để phát triển bền vững.

 Trong năm 2021, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện Bắc Tân Uyên ước thực hiện được gần 2.700 tỷ đồng, tăng 3,94% so với năm 2020 và đạt 100,23% Nghị quyết HĐND huyện thông qua. Năm 2022, huyện phấn đấu đạt chỉ tiêu giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng từ 3,7% đến 4,7% so với năm 2021.

 TIẾN HẠNH - B.T.U

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên