Tháo gỡ “nút thắt” cho vùng Đông Nam bộ

Thứ sáu, ngày 24/01/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Tại cuộc họp mới đây của lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ và tỉnh Long An về vấn đề hợp tác phát triển, các lãnh đạo, chuyên gia thừa nhận hiện nay, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và TP.Hồ Chí Minh hạ tầng giao thông kết nối vùng là “điểm nghẽn” lớn nhất của vùng Đông Nam bộ. Các địa phương cần nỗ lực lớn để cùng nhau giải quyết vấn đề này, khơi thông nguồn lực phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp trong vùng phát triển.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết các dự án thành phần của dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh cơ bản đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ một phần nhờ sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP.Hồ Chí Minh. Phát huy kết quả này, thời gian tới tỉnh Bình Dương tiếp tục hợp tác với các địa phương, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai trong triển khai các dự án đường cao tốc, quốc lộ, kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 và một số ga đường sắt.

Tại cuộc họp, tỉnh Bình Dương thống nhất, cho rằng trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho các công trình, dự án mang tính chất liên vùng còn hạn hẹp thì việc thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng và tạo cơ chế để quỹ này thu hút được các thành phần kinh tế, tổ chức trong và ngoài nước tham gia là giải pháp cần thiết. Tỉnh Đồng Nai cũng thống nhất với đề xuất thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông kết nối; đồng thời cho biết trước mắt một số dự án Đồng Nai cần sự hỗ trợ, hợp tác để triển khai gồm dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, dự án cầu Cát Lái, dự án mở rộng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng vùng, tạo môi trường sống, kinh doanh tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, giải quyết bài toán giao thông kết nối cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi đi vào hoạt động năm 2026.

Các chuyên gia cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số của toàn vùng, cần tăng quy mô đầu tư và tăng hiệu quả đầu tư. Việc thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng là cần thiết để tăng quy mô lẫn hiệu quả đầu tư. Các chuyên gia cũng đề xuất, giai đoạn từ 2024-2026, nâng cấp, mở rộng phạm vi hoạt động của quỹ đầu tư phát triển các địa phương; từ 2026-2030, nghiên cứu, xây dựng một định chế tài chính mới cho vùng Đông Nam bộ.

Theo lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, trong năm 2025 và giai đoạn tới vùng Đông Nam bộ cần phát triển các dự án hạ tầng chiến lược, cụ thể là quốc lộ, đường vành đai, đường sắt, cầu kết nối, đường ống dẫn xăng, dầu, khí… Trong đó, đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh cần tập trung hoàn thành trong quý II-2026; đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh phấn đấu trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2025; đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây mở rộng hoàn thành trong năm 2026… Liên quan đến Quỹ phát triển hạ tầng vùng, lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh cho biết, cần tiếp cận theo hướng thành phố đề xuất thành lập quỹ dựa trên cơ chếNghị quyết số 98/2023/ QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP.Hồ Chí Minh. Việc hình thành quỹ chung trên cơ sở quỹ đầu tư phát triển của từng địa phương là để đóng góp nguồn lực cho phát triển hạ tầng toàn vùng...

 KHẢI ANH