Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ nên có những cú hích mạnh như gói kích cầu của đã thực hiện cách đây 3 năm.
Ảnh minh họa10 tháng qua, cả nước có hơn 41.000 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động. Tính đến hết tháng 9, chỉ số hàng tồn kho ở một số ngành vẫn đứng ở mức cao. Đặc biệt, một số ngành còn có chỉ số tồn kho hơn 50% như nhựa, xi măng; ngành sắt, thép và may mặc tồn kho hơn 30%. Doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn vay.
Ông Nguyễn Minh Quang Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội cho rằng, nhiều doanh nghiệp mặc dù có dự án tốt nhưng phải dừng lại do vướng mắc về vấn đề mặt bằng, chế độ chính sách. Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đang rơi vào tình trạng chung là nợ nần, thị trường trầm lắng, sức mua giảm, sản xuất ra không biết bán cho ai. Đã có không ít doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc vì không thể duy trì được quỹ tiền lương cho họ.
Để tháo gỡ khó khăn, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô cho hợp lý, có những cú hích mạnh như gói kích cầu của Chính phủ đã thực hiện cách đây 3 năm. Đồng thời phải cụ thể hóa các giải pháp bằng các Nghị quyết, Thông tư, Nghị định đối với các vấn đề giãn thuế, giảm thuế, xử lý các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng để giải quyết “cục máu đông” nợ đọng.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị, cần đánh giá thực chất những ách tắc của nền kinh tế, xem đâu là “nút thắt” để có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ và vực doanh nghiệp. Theo ông Kiêm, cần có chính sách cấp bách xử lý nợ xấu, hàng tồn kho và có kế hoạch dài hạn như đã nêu trong Nghị quyết 3,4,5 của Trung ương.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, kinh tế của ta đang khó khăn nhưng không nên quá bi quan mà cần chờ đợi và bình tĩnh. Để giải quyết vấn đề tồn kho, nợ xấu ngân hàng, cần chú trọng vào việc kích thích thị trường, bởi nếu thị trường tăng sức mua sẽ cởi trói vấn đề tồn kho, kéo theo giải quyết được nợ xấu. Ngoài ra, về phía ngân hàng nên tập trung cứu doanh nghiệp, bởi cứu họ chính là cứu mình, doanh nghiệp mà đổ vỡ sẽ khó có tiền để trả nợ ngân hàng.
Để thực hiện mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt đưa nước ta qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Chính phủ đã đề ra 9 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý. Ưu tiên tín dụng cho sản xuất nông nghiệp, hàng xuất khẩu, công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; Nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; Đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu; Tiếp tục rà soát các khoản nợ và áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp như cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm; Xử lý nợ giữa ngân sách với các doanh nghiệp, nợ chéo giữa các doanh nghiệp; Nghiên cứu thành lập công ty xử lý nợ.
Chính phủ cũng đang ráo riết chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giảm hàng tồn kho, nhất là bất động sản, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh tiết kiệm, giảm chi tiêu không cần thiết... Đó là những giải pháp hết sức quan trọng nhằm vực dậy kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo VOV