Có nắp cống đê bao nhưng nước vẫn cứ tràn vào nhà dânNhững cơn mưa nặng hạt trong vài ngày qua đã làm cho mực nước của hạ lưu sông Sài Gòn dâng cao. Và như những năm trước đây, rất nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Phú (Thuận An) lại thấp thỏm nỗi lo đối phó với nạn ngập lụt. Câu chuyện về ngập lụt ở xã Vĩnh Phú đã xảy ra trong 5 năm trở lại đây. Có những đợt ngập nặng, nước vào nhà dân lên đến hơn 1m làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhiều hộ dân. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã đầu tư xây dựng hệ thống Thủy lợi An Sơn - Lái Thiêu thuộc dự án chống lũ hạ lưu sông Sài Gòn. Theo kế hoạch, đến tháng 6-2010 hệ thống thủy lợi này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thế nhưng, đã đến giữa tháng 8 nhưng hệ thống đê bao chống lũ vẫn chưa hoàn thành xong và chưa phát huy hiệu quả. Nguy cơ người dân lại phải tiếp tục chống chọi với mùa ngập lụt mới là rất cao.
5 năm chống chọi với ngập lụt
Chúng tôi đến ấp Tây, xã Vĩnh Phú vào một buổi sáng và thật tình cờ khi nhìn thấy một bà cụ đang oằn mình trên chiếc xe đạp, phía sau là một bao tải trông khá nặng. Vì đường nhỏ nên chúng tôi không thể vượt qua mà chỉ đi phía sau, được một quãng, bà lão dừng xe lại và có ý định đặt bao tải xuống. Không biết trong bao tải có gì nhưng trông thấy sự vất vả của bà cụ, chúng tôi vội xuống xe và giúp cụ đỡ bao tải xuống đất. Thật ngạc nhiên khi bà cụ mở bao tải, thì ra là một bao than tổ ong đã qua sử dụng. Bà cụ từ từ nhặt từng miếng than đắp lên bờ con kênh... Đến đây, chúng tôi mới biết được mục đích của bà là gì.
Qua trao đổi, được biết bà tên Đặng Thị Đẹt năm nay đã 73 tuổi, là người sống từ nhỏ ở vùng đất này. Bà Đẹt cho biết: trước đây không hề có chuyện ngập úng, việc ngập úng chỉ xảy ra trong 5 năm trở lại đây. Chỉ con kênh trước nhà, bà nói: cứ mỗi lần mưa lớn, triều cường hay nước lên không chỉ nhà bà mà tất cả khu vực này đều ngập. Nước tràn vô sân, vào cả trong nhà đã là chuyện bình thường, có đợt nước còn tràn vào nhà hơn cả mét. Cơn mưa tối qua không lớn nhưng nước cũng đã ngấp nghé muốn vào nhà khiến bà không dám chợp mắt. Người dân khổ vì nước tràn vô nhà là một chuyện, cái khổ nữa là nước lại ô nhiễm có nhiều mùi khiến con nít đứa nào cũng bị ghẻ lở... Và đã 5 năm nay, những lúc rảnh rỗi bà lại đến những chỗ có xà bần xin chở về để đắp lại bờ kè với mong muốn đỡ được chỗ nào hay chỗ đó.
Bà Đẹt đang đắp lại bờ kè con kênh trướcBà Đẹt nói thêm, mình còn sống thì không sao nhưng tội nhất là những mộ phần của người thân bà lúc nào cũng ngập nước khiến bà cảm thấy xót xa. Theo tay chỉ của bà Đẹt, chúng tôi nhìn thấy một khu đất trống, ở đó chỉ có một ngôi mộ được xây, còn lại hình như đã phẳng lỳ và ngập nước. Nhìn vậy, không ai biết rằng tại khu đất đó có hơn chục người thân của bà Đẹt quá cố đã được chôn ở đây.
Theo lời bà Đẹt, thì những đứa con của bà vì không chịu nổi với ngập úng nên đã bán đất mà bà cho để đi nơi khác sinh sống. “Tụi nó chịu không nổi nên bỏ đi, tiền bán đất tụi nó xây dựng lại căn nhà cho bà để đỡ ngập hơn nhưng ngập vẫn cứ ngập...”, bà Đẹt nói.
Rời nhà bà Đẹt, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Hữu Sinh cũng ở ấp Tây, xã Vĩnh Phú. Căn nhà tình thương đã cũ lại nằm sát con rạch nước thường xuyên ra vô nên mỗi lần mưa lớn hoặc nước lên là nhà anh lại đầy nước. Anh Sinh cho biết, có những thời điểm nước ngập đến gần nửa nhà làm xáo trộn cuộc sống gia đình. “Mình lớn thì có thể tự lo được nhưng sợ nhất là những đứa con nhỏ, sơ xẩy một tí là mất con chứ không phải chuyện chơi”. Chỉ vào 3 đứa con còn nhỏ, anh Sinh nói thêm. Chính vì vậy, công việc trông con anh giao hết cho vợ còn anh thì bươn chải lo cuộc sống.
Nhìn căn nhà ẩm thấp, nước vẫn chưa rút hết vì cơn mưa tối qua và trong nhà thì 3 đứa con nít đang đùa giỡn, chúng tôi có cảm giác hơi bất an và đúng là sự lo lắng của anh Sinh là điều tất yếu.
Theo ghi nhận của chúng tôi thì tại các ấp Tây và ấp Trung (những ấp thường xuyên bị ngập) của xã Vĩnh Phú, nhà nào có điều kiện thì tự nâng nền, xây tường xi măng bao quanh sân vườn để chống ngập. Còn nhà nào không có điều kiện như gia đình bà Đẹt, anh Sinh... thì đành chịu trận. Chính từ việc để bà con tự “bơi” nên việc ngập lại càng nặng hơn.
Trông chờ vào hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu
Trao đổi với chúng tôi, bà Ong Thị Hoàng Mai, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú, cho biết việc ngập úng tại xã Vĩnh Phú đã xảy ra khá lâu. Cứ vào mùa mưa hay có đợt triều cường... thì tình trạng ngập úng lại càng nặng nề. Ngập úng nặng nhất thường xảy ra ở ấp Tây và ấp Trung. Chính vì hệ thống đê bao chưa hoàn chỉnh nên trước mùa mưa, chính quyền đã kêu gọi người dân cùng nhau cơi đắp bờ kè, khơi thông kênh rạch sát nhà dân. Về phía chính quyền, xã đã cho khơi thông, đắp bờ kè những kênh rạch huyết mạch. Hiện tại, qua nguồn vốn mà huyện cấp, xã đã khai thông và đắp kè lại hai con rạch Tư Đôi và Sáu Dấn nên việc ngập úng sẽ hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, theo bà Mai thì cái chính vẫn phụ thuộc vào hệ thống đê bao.
Bà Mai cho biết thêm, vừa qua lãnh đạo xã có dự họp với đại diện của chủ đầu tư Hệ thống thủy lợi An Sơn - Lái Thiêu (Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 09 thuộc Bộ NN&PTNT), đại diện Sở NN& PTNT Bình Dương, Phòng Kinh tế huyện Thuận An. Nội dung cuộc họp liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành hệ thống đê bao, chỉnh sửa lại những lỗi kỹ thuật... Vì hiện tại những nắp cống chưa vận hành đồng bộ, có nắp cống nhưng nước vẫn từ sông chảy vào kênh rạch làm ngập úng nhà dân một cách bình thường!
Theo ông Lê Cảnh Dần, Trưởng ban Quản lý dự án thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương thì đến tháng 9- 2010 chủ đầu tư sẽ hoàn thành tuyến đê bao này và bàn giao lại cho tỉnh để đưa vào sử dụng.
Hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu có ý nghĩa quyết định đến việc chống ngập úng đối với những hộ dân ở xã Vĩnh Phú và một số xã lân cận. Vì thực tế trong năm vừa qua, các xã như Hưng Định, An Sơn (các tuyến đê bao đã cơ bản hoàn chỉnh) tình trạng ngập úng đã được hạn chế rất nhiều. Rất mong các cơ quan chuyên môn khẩn trương thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình để mùa mưa năm nay người dân xã Vĩnh Phú sẽ không còn cảnh chạy lũ...
NHÂN QUANG