Thầy cô chia sẻ bí quyết ôn tập nước rút hiệu quả kỳ thi vào lớp 10

Cập nhật: 16-05-2023 | 16:15:30

Thí sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10.

Chỉ còn gần một tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông sẽ chính thức diễn ra. Làm thế nào để có thể ôn thi hiệu quả và giữ vững tâm lý trong giai đoạn nước rút này là chia sẻ hữu ích của các thầy cô giáo Hệ thống Giáo dục Học mãi với các thí sinh.

Hệ thống kiến thức, kịp thời vá lỗ hổng

Hệ thống hóa kiến thức để kịp thời phát hiện và “vá” lỗ hổng kiến thức là lời khuyên của các thầy cô.

Ở môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Phi Hùng cho hay đến thời điểm này, về cơ bản, các thầy cô đã ôn xong vòng một, cung cấp kiến thức cơ bản và kỹ năng làm bài cần thiết cho học sinh. Nhiều học sinh đã biết mình hổng những phần kiến thức nào để ôn bổ sung phần đó.

“Tuy nhiên, cũng có nhiều em đang ở tình trạng chỉ nắm kiến thức chung chung, hỏi phần nào cũng biết nhưng khi hỏi sâu lại không chắc chắn, hỏi từng chi tiết từng phần, từng dạng bài lại có phần bị thiếu, bị yếu trong cách trình bày, trong kiến thức để trả lời các câu hỏi cụ thể. Trong khi đó, do thời lượng thi ngắn và nhiều câu hỏi nên đề thi thường chỉ hỏi một phần nội dung, một khía cạnh nào đó của vấn đề chứ không hỏi chung chung toàn tác phẩm,” thầy Hùng chia sẻ.

Vì thế, theo thầy Hùng, giai đoạn này, học sinh nên tự hệ thống hóa lại kiến thức nhằm kịp thời phát hiện các lỗ hổng và lập tức lấp đầy. Để hệ thống hóa kiến thức, học sinh nên chia theo các dạng bài, các gói chuyên đề. Với các tác phẩm văn học, các em có thể hệ thống theo thể loại, theo giai đoạn, theo vấn đề…Với phần tiếng Việt, học sinh có thể lập bảng các khái niệm, định nghĩa, ví dụ kèm theo. Với phần nghị luận, học sinh có thể vạch các chủ đề cơ bản và hệ thống luận điểm, luận cứ, dẫn chứng có thể sử dụng tương ứng cho từng chủ đề…

“Một cách được nhiều học sinh sử dụng hiệu quả là dùng các tờ giấy A4 để hệ thống hóa từng tác phẩm, gạch chân các từ khóa, gạch các ý chính, vạch các dạng câu hỏi có thể gặp. Các em cũng có thể vẽ sơ đồ tư duy. Cách làm này giúp các em dễ nhớ, nhớ lâu hơn và lại có tư liệu để có thể xem nhanh khi cần,” thầy Hùng chia sẻ.

Cần hệ thống hóa lại kiến thức cũng là lời khuyên của thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên môn Toán. Theo thầy Cường, ở môn Toán, với những phần kiến thức chưa chắc chắn, các em nên đọc lại sách giáo khoa, làm thêm các chuyên đề để tích lũy và củng cố kiến thức nhằm nâng cao điểm số.

Tuy nhiên, ngay cả với những phần kiến thức đã nắm vững, thầy Cường cũng nhắc nhở học sinh không nên chủ quan. “Trong môn Toán, chỉ cần không cẩn thận cũng sẽ dễ dẫn đến mất điểm rất đáng tiếc do lỗi trình bày hay làm tắt. Vì thế, học sinh phải nhớ kỹ việc làm bài chỉn chu, ăn chắc trong từng bước,” thầy Cường chia sẻ.

Đối với những em có học lực trung bình, xác định thi các trường tốp giữa, thầy Cường khuyên thí sinh có thể mạnh dạn bỏ qua các phần kiến thức nâng cao (như bất đẳng thức, thường rơi vào câu 5 của đề thi, hoặc ý cuối bài hình trong đề) và tập trung học kỹ kiến thức cơ bản để làm tốt các câu còn lại của đề thi, qua đó đạt điểm số phù hợp với trường mà các em đăng ký.

Ở môn Ngoại ngữ, thầy Nguyễn Danh Chiến cho hay khi làm bài thi, học sinh mắc một số lỗi như vội vàng, không đọc kỹ mà đã trả lời dẫn đến sai; không nắm chắc kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp nên chọn “bừa” cho xong nên có câu sai; chưa sử dụng thuần thục các câu trúc câu và diễn đạt phần viết cũng sai; ít luyện kỹ năng đọc hiểu nên tốc độ tìm thông tin trong bài và xác định câu từ để trả lời không chính xác...

“Để tránh các lỗi khi làm bài, các em cần dành thời gian để rà soát lại, hệ thống kiến thức môn Tiếng Anh, nhận ra mình còn thiếu gì thì bù và yếu gì thì củng cố lần cuối. Các em cũng cần dành thêm thời gian đọc câu và đoạn văn nhiều hơn để không bị ‘choáng’ khi đọc đề thi,” thầy Chiến chia sẻ.

Luyện đề có chọn lọc

Luyện đề là một trong những giải pháp hiệu quả đối với học sinh trong quá trình ôn thi. Tuy nhiên, với kinh nghiệm ôn luyện thi nhiều năm, các giáo viên cho rằng khi thời gian còn lại không nhiều, việc lựa chọn đề để làm cũng là một kỹ năng quan trọng. Theo đó, thí sinh nên chọn các đề chất lượng, gắn với những phần mình còn yếu, và nên có sự phản biện, góp ý, sửa chữa của giáo viên hay bạn bè hoặc tự mình phản biện để nhìn ra những điểm còn hạn chế để khắc phục nhằm làm bài tốt hơn.

Cụ thể, với môn Toán, thầy Nguyễn Mạnh Cường khuyên thí sinh trong giai đoạn nước rút nên kết hợp việc luyện đề với ôn lại những phần mình còn yếu. “Luyện đề sẽ giúp các em luyện tập cách phân phối thời gian làm bài, phát hiện những phần kiến thức còn chưa chắc chắn. Khi luyện đề, các em cần được chấm - chữa cẩn thận bởi những người uy tín như giáo viên, hoặc so sánh đáp án với những tài liệu chuẩn,” thầy Cường chia sẻ.

Đây cũng là lời khuyên của thầy Nguyễn Phi Hùng với thí sinh khi ôn môn Ngữ văn. Theo thầy Hùng, một vấn đề học sinh hay gặp phải trong giai đoạn ôn thi nước rút là quá tích cực trong việc làm đề. Đánh giá việc làm đề là rất tốt, nhưng do thời gian còn lại ít, thầy Hùng khuyên thí sinh nên giới hạn số lượng đề phù hợp.

“Học sinh có thể rèn viết văn nhưng luyện đề chỉ có ích khi đề chất lượng và sau khi làm có sự phản biện. Cụ thể, học sinh nên nhờ thầy cô hoặc bạn bè, anh chị hoặc tự mình xem lại để thấy được các điểm yếu, từ cách mở bài, kết bài, chuyển ý, chốt ý, dẫn chứng… Việc làm quá nhiều đề cũng có thể khiến thí sinh bị áp lực tâm lý nếu kết quả trồi sụt,” thầy Hùng phân tích.

Với môn Ngoại ngữ, thầy Nguyễn Danh Chiến cho rằng việc tập trung luyện đề theo sát cấu trúc đề thi của sở giáo dục và đào tạo trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có ý ngĩa quan trọng để giúp học sinh tự đánh giá kết quả ôn tập, tìm ra lỗi sai khi làm bài luyện để tránh lặp lại. Việc luyện đề cũng giúp các em rèn thêm phương pháp làm đề thi, chiến lược làm bài thi, kiểm soát cảm xúc và tâm lý bình tĩnh và tự tin.

“Cần giữ được sự thong dong, thông thái, sáng suốt là cách để tránh sai sót,” thầy Nguyễn Danh Chiến chia sẻ.

Bên cạnh việc hoàn thiện kiến thức, ôn tập và luyện làm bài thi, các giáo viên cũng lưu ý học sinh cần lưu tâm duy trì giờ giấc sinh hoạt, chế độ vận động, dinh dưỡng cân bằng hằng ngày, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ để đảm bảo sức khỏe và hệ thống thần kinh không bị tổn thương, tránh học quá nhiều khiến mệt mỏi, ốm yếu.

“Muốn việc ôn thi của học sinh lớp 9 sẽ có hiệu quả, trước tiên là phải dựa trên sức khỏe thể chất và tinh thần của các em. Do đó, các em cần có thời gian biểu hợp lý, cân bằng giữa học tập – nghỉ ngơi thư giãn, và ăn uống điều độ, được gia đình hỗ trợ tạo không khí vui vẻ,” thầy Nguyễn Mạnh Cường nói./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X