Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ năm 2018, Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Dầu Tiếng chỉ đạo trường học các cấp xây dựng mô hình “Cán bộ, viên chức ngành giáo dục thi đua giúp đỡ học sinh”. Từ phong trào này, nhiều học sinh (HS) đã được giúp đỡ, vươn lên tiếp tục đến trường.
Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trường Tiểu học Dầu Tiếng đóng góp, hỗ trợ cho một học sinh khó khăn
Học tập Bác, toàn ngành GD-ĐT huyện Dầu Tiếng đã cụ thể hóa qua các cuộc vận động, phong trào thi đua do ngành phát động, như: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phong trào dạy tốt, học tốt... Tất cả các cuộc vận động trên đều được thầy cô hưởng ứng tích cực. Với mô hình “Cán bộ, viên chức ngành giáo dục thi đua giúp đỡ học sinh”, một lần nữa người thầy thể hiện sự quan tâm chăm sóc cho HS bằng vật chất và tinh thần.
Thầy Tạ Tấn Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT, cho biết từ mô hình này đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý nhận thức sâu sắc hơn nữa những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ nhận thức biến thành việc làm thực tế trên tinh thần tự giác, thường xuyên của từng đơn vị trong việc thi đua giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống và học tập. “Mô hình được phát động và triển khai sâu rộng thu hút đảng viên, cán bộ, nhân viên ở các trường học tích cực tham gia. Ngành đã chỉ đạo các trường thực hiện bảo đảm không xảy ra tiêu cực, nhất là trong việc dạy kèm cho HS yếu kém, thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, tránh trường hợp có dư luận xã hội không tốt về mô hình”, thầy Tuấn cho biết.
Từ cuộc vận động trên, mỗi thầy cô giáo chủ động tiếp cận với HS có học lực yếu kém và có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, từ đó đề xuất nhà trường giúp đỡ các em một cách thiết thực nhất. Đối với HS yếu kém trong học tập, thầy cô có kế hoạch dạy phụ đạo, ôn tập, bồi dưỡng giúp các em tiến bộ trong học tập. Với hình thức giúp đỡ HS yếu kém, chất lượng giáo dục ở trường THCS Long Hòa trong năm học này được cải thiện hơn so với năm học trước, tỷ lệ HS yếu kém giảm đáng kể. Nhờ tăng cường phụ đạo HS lớp 9, giúp trường nâng cao chất lượng tuyển sinh vào lớp 10, tạo được niềm tin đối với phụ huynh và xã hội.
Từ khi thực hiện mô hình này, HS có hoàn cảnh khó khăn ở các trường học trong huyện được chăm sóc nhiều hơn qua việc tặng học bổng, tập sách, hỗ trợ vật chất cho HS nghèo, HS bị bệnh tật... Nổi bật nhất trong số này là trường Tiểu học Dầu Tiếng. Trong năm học 2019- 2020, từ sự vận động của trường, các nhà hảo tâm, phụ huynh HS đã đóng góp trên 26 triệu đồng, 1.400 quyển vở và 7 xe đạp tặng HS nghèo hiếu học. Vào dịp Tết Nguyên đán, thầy cô và HS các lớp đã quyên góp được trên 27,7 triệu đồng, tặng 111 phần quà tết cho HS nghèo. Cô Nguyễn Thị Thu Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đặc biệt chương trình “Vòng tay yêu thương” của trường đã kêu gọi những tấm lòng vàng hỗ trợ 2 HS Lê Hiếu Nghĩa và Lê Hiếu Tài gần 130 triệu đồng chữa bệnh hiểm nghèo, giúp các em tiếp tục được cắp sách đến trường.
Mỗi trường học còn là một địa chỉ nhân đạo, giúp cho nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn thông qua mô hình “Cán bộ, viên chức ngành giáo dục thi đua giúp đỡ học sinh”. Trong những năm học tiếp theo, ngành GD-ĐT huyện Dầu Tiếng sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này, để con đường đến trường của HS khó khăn bớt nhọc nhằn, những HS yếu kém cải thiện kết quả học tập.
HỒNG THÁI