Thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học: Giải quyết nạn chạy trường, chạy điểm

Cập nhật: 17-10-2014 | 09:04:18

Theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm học 2014- 2015 ngành thực hiện đổi mới cách đánh giá học sinh (HS) tiểu học từ điểm số sang nhận xét. Sự thay đổi này nhằm làm giảm áp lực điểm số cho HS, kể cả phụ huynh…

 Theo các giáo viên trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thay đổi cách đánh giá HS tiểu học, giáo viên sẽ sâu sát HS hơn. Ảnh: H.THÁI

Chuyển điểm số sang nhận xét

Ông Lê Văn Thu, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT, cho biết bắt đầu từ ngày 15-10 sẽ chính thức thực hiện đổi mới cách đánh giá HS tiểu học. Chuẩn bị cho sự đổi mới này, sở đã cử 20 cán bộ cốt cán đi dự tập huấn do Bộ GD-ĐT tổ chức. Sắp tới, đội ngũ trên sẽ truyền đạt lại cho khoảng 1.000 cán bộ quản lý và tổ trưởng chuyên môn của các trường tiểu học trong tỉnh. Phấn đấu trong tháng 10, ngành hoàn thành tập huấn đánh giá theo Thông tư 30. Sự đổi mới này là theo xu thế chung của giáo dục tiểu học trên thế giới. Từ lâu các nước đã thực hiện đánh giá, nhận xét HS tiểu học thay bằng việc cho điểm số. Giáo viên nhận xét sự tiến bộ của từng HS, không so sánh em này với em khác, như vậy các em cảm thấy được tôn trọng. Việc nhận xét bằng lời, trong đó có động viên, khuyến khích, những HS có sức học còn hạn chế cảm thấy được an ủi và cố gắng hơn trong học tập.

Thay đổi cách đánh giá HS tiểu học giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của HS để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của HS để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định đúng các ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi em để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của HS; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học.

Trước sự thay đổi quá mới mẻ này, giáo viên ở các trường tiểu học đón nhận thông tin với nhiều suy nghĩ khác nhau. Từ trước đến nay phụ huynh thường có tâm lý đòi hỏi con em phải đạt điểm số cao, điều này tạo áp lực cho HS. Nếu chẳng may bị điểm kém các em có tâm lý lo sợ bị rầy la. Với những em có sức học hạn chế dù có cố gắng mấy cũng không thể đạt kết quả cao, tâm lý bị đè nặng thì hiệu quả có thể sẽ còn tệ hại hơn. Cô Trần Thị Lệ Hồng, giáo viên lớp 4, trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TX. Thuận An), nhận xét với phương pháp mới, giáo viên quan tâm HS sâu sát hơn, không bỏ sót em nào, như vậy mới có thể đánh giá chính xác năng lực học tập của HS. Về phía HS, sẽ phát huy được tính chủ động, tích cực, khuyến khích HS ham học.

Trong khi chờ đợi tập huấn, nhiều trường vẫn còn thực hiện việc cho điểm số HS. Riêng trường Tiểu học Nguyễn Du (TP. Thủ Dầu Một), từ ngày 15-10 Ban Giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên đánh giá HS thay cho điểm số như trước đây. Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng, cho biết đối với những em làm bài đúng thì giáo viên không nhận xét, riêng những em làm sai giáo viên sẽ gạch dưới chỗ sai và yêu cầu HS sửa sai. Sắp tới đây, khi được tập huấn cụ thể, giáo viên sẽ thực hiện nhận xét, đánh giá bài bản hơn.

Những băn khoăn còn lại

Thay đổi cách đánh giá HS theo chủ trương mới coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của HS, giúp các em phát huy tất cả khả năng, bảo đảm kịp thời, công bằng, khách quan. Đánh giá toàn diện HS thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của HS theo mục tiêu giáo dục tiểu học. Dù vậy, ngoài tính tích cực như đã nêu trên thì các nhà giáo vẫn còn băn khoăn về cách làm mới mẻ này. Theo Ban Giám hiệu trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TX.Thuận An), để có những nhận xét chính xác đòi hỏi giáo viên phải có tầm. Lời lẽ nhận xét phải ngọt, bén, thấy được sự tiến bộ của HS, các em cảm thấy được sự khích lệ. Đồng thời, chữ viết của giáo viên cũng phải đẹp, tạo được dấu ấn đối với HS. Một giáo viên dạy lớp 1 cũng thể hiện suy nghĩ, việc đánh giá bằng nhận xét thực tế hơn, nhưng HS lớp 1 chưa đọc thông viết thạo, các em chưa hiểu gì. Lời phê của giáo viên nếu không chuẩn về câu từ, chữ viết bất ổn thì phụ huynh sẽ đánh giá và không hài lòng về giáo viên.

Sự đổi mới bao giờ cũng có những khó khăn buổi ban đầu. Tuy nhiên, tính tích cực của Thông tư 30 đã rõ, việc thay đổi cách đánh giá HS tiểu học sẽ góp phần giải quyết được tình trạng chạy trường, chạy điểm mà ngành giáo dục vốn đau đầu trong thời gian vừa qua.

 

 A.SÁNG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3652
Quay lên trên
X