“Thay đổi không thể xảy ra trong một sớm một chiều”

Cập nhật: 20-01-2010 | 00:00:00

 

12 tháng trước, hàng triệu người Mỹ hân hoan chứng kiến lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama với nhiều hy vọng về một phép màu nhanh chóng giúp thay đổi nước Mỹ. 12 tháng sau, chính Obama phải thừa nhận “thay đổi không thể xảy ra trong một sớm một chiều”.

 

Năm 2009 - những phép thử

 

Ngày 20-1-2009, Obama nhậm chức sau chiến thắng vang dội với khẩu hiệu “thay đổi”. Danh sách các công việc cần ưu tiên của ông kín đặc những vấn đề từ trong nước đến quốc tế - kinh tế, y tế, hai cuộc chiến và an ninh quốc gia. Obama nhận thức rõ những trở ngại này ngay trong diễn văn nhậm chức và cũng nhanh chóng đưa ra một loạt chương trình nghị sự mà vào thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng đó là hành động quá hấp tấp.

 

Obama đã xúc tiến việc thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD để cải thiện tình hình thất nghiệp. Sự thật là nỗ lực này đã giúp duy trì và tạo ra hơn một triệu việc làm. Trong quý III năm 2009, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng 2,8%. Đây là lần tăng đầu tiên trong hơn một năm qua và là lần tăng với tốc độ cao nhất trong hai năm qua của nền kinh tế Mỹ.

 

Obama đã hành động để cho dân chúng thấy chăm sóc y tế là chính sách ưu tiên chủ chốt. Trong bối cảnh nước Mỹ trở thành quốc gia có chi phí y tế đắt đỏ nhất thế giới và 45 triệu người Mỹ khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế do không có bảo hiểm y tế, kế hoạch cải cách hệ thống y tế của Obama được trông đợi như một trong những thay đổi mà nước Mỹ cần phải có.

 

2010 sẽ là năm đầy thử thách với Obama

Obama đã liên tục phát đi những tín hiệu sẽ thay đổi đường lối đối ngoại đơn phương của chính quyền tiền nhiệm George W.Bush bằng chính sách ngoại giao tăng cường can dự với "quyền lực mềm" và hợp tác đa phương nhằm đối phó những thách thức toàn cầu. Những tuyên bố của Obama về chính sách đối ngoại đã được cả thế giới chờ đợi với sự quan tâm đặc biệt.

 

Ông cho rút quân khỏi Iraq trong khi tăng quân ở chiến trường Afghanistan; hành động ngay để mang lại "làn gió mới" cho vấn đề Trung Đông và vấn đề hạt nhân của Iran; khẳng định mở rộng vòng tay với thế giới Hồi giáo; không quên sân sau Mỹ Latinh và khu vực châu Phi nghèo đói trong khi lập tức đặt dấu ấn tại châu Á - Thái Bình Dương để khẳng định sự trở lại ấn tượng ở khu vực này; cam kết đóng cửa nhà tù ở Guantanamo chỉ trong 100 ngày...

 

Trả lời tạp chí People tuần trước về nỗ lực của mình, Obama tự nhận ông đã làm “khá tốt” trên cương vị người đứng đầu cường quốc số một thế giới. Đáp lời phỏng vấn của nữ hoàng truyền hình Oprah tháng trước, vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ tự cho mình điểm B ở cương vị này.

 

Năm 2010 - những thực tế

 

Phải thừa nhận nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Obama một năm qua đã có nhiều thay đổi, nhưng dường như nỗ lực của Obama cũng như triển vọng tái cử của các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ cầm quyền trong các cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay đang bị thách thức bởi một loạt vấn đề mà chính quyền tiền nhiệm để lại vẫn chưa được giải quyết.

 

Kinh tế Mỹ đã có tín hiệu cải thiện, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 10,2% hồi tháng 10-2009, là mức cao nhất trong vòng 26 năm qua. Bộ Tài chính Mỹ thông báo thâm hụt ngân sách đã lên đến mức kỷ lục – lên tới 1.420 tỷ USD trong tài khóa 2008- 2009 (kết thúc ngày 30-9-2009), mức cao nhất trong 54 năm qua. Trong năm 2009 đã có 171 ngân hàng và tổ chức tín dụng Mỹ bị phá sản, nhiều gấp 6 lần số ngân hàng bị phá sản trong cuộc khủng hoảng ngân hàng những năm 1980. Cải cách y tế, một trong những cam kết chính Obama đưa ra trong chương trình tranh cử, vẫn chưa thể thông qua do phe Cộng hòa quyết liệt phản đối, cho rằng có thể làm tăng mức độ trầm trọng của tình trạng thâm hụt ngân sách.

 

Trong khi đó, trong các bài phát biểu từ Prague cho đến Cairo, từ New York cho đến Oslo - ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi, Obama đã vạch ra một tầm nhìn bắt buộc về chính sách đối ngoại của Mỹ trong một thế giới toàn cầu hóa với nhiều người chơi. Kết quả đạt được sau một năm lãnh đạo Nhà Trắng của Tổng thống Obama là những tín hiệu tích cực xen lẫn thất bại.

 

Tại châu Á, Mỹ muốn khẳng định sự trở lại, nhưng thực tế và dự báo cho rằng năm 2010 sẽ chứng kiến quan hệ Mỹ-Trung gặp nhiều khó khăn trên tất cả các lĩnh vực, trong khi chỉ một ngày trước khi Obama kỷ niệm 1 năm ngày nhậm chức, Washington và đồng minh Nhật Bản kỷ niệm 50 năm ngày ký kết hiệp ước an ninh và hợp tác – nền tảng của liên minh này, trong không khí lạnh nhạt.

 

Nỗ lực của chính quyền mới ở Washington cho vấn đền Iran, Triều Tiên, Trung Đông chưa phát huy hiệu quả, trong khi cam kết đóng cửa nhà tù Guantanamo liên tục bị trì hoãn và thay đổi. Cuộc chiến chống al-Qaeda chắc chắn sẽ còn diễn ra căng thẳng trong năm 2010 và chưa có hồi kết với những chiến trường mới như ở Yemen – một sự can thiệp nữa của Mỹ mà dư luận cho rằng hại nhiều hơn lợi.

 

Những quyết định của Obama về việc nâng tổng số binh sĩ Mỹ tại Afghanistan lên 100.000 lính đã và đang vấp phải sự phản kháng mạnh và khác nhau của nội bộ nước Mỹ cũng như quốc tế, bị chính dư luận phương Tây cho là một ván bài mà rất có thể Obama sẽ phải trả giá đắt.

 

Theo kết quả cuộc điều tra dư luận mới nhất do hãng tin ABC News và tờ Washington Post thực hiện, một năm nhiệm kỳ đã trôi qua, lòng tin của người dân Mỹ vào Obama ngày càng sụt giảm, cùng lúc với ngày càng nhiều ý kiến bi quan về hướng đi của nước Mỹ - chỉ 53% số người được hỏi ủng hộ những gì Obama đang làm, so với 68% sau khi ông nhậm chức. Kết quả này cũng cho thấy năm 2010 sẽ tiếp tục là một năm đầy thử thách đối với Obama.

(Theo Dân Trí)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=323
Quay lên trên