Thay đổi từ vườn cây ăn trái

Cập nhật: 09-06-2012 | 00:00:00

Xã có đến 3/4 diện tích đất tự nhiên trồng cây cao su (CS) và đem lại nguồn thu nhập lớn. Nhưng không thể mãi phụ thuộc vào một loại cây trồng để chịu cảnh bấp bênh, Thanh Tuyền quyết thay đổi từ những vườn cây ăn trái.

Lo lắng với CS

Dễ nhận ra sự áp đảo của cây CS ở Thanh Tuyền. Tổng diện tích trồng cây lâu năm toàn xã chỉ khoảng 4.278 ha nhưng có đến 4.155 ha là cây CS. Những năm gần đây, CS đem lại giá trị kinh tế cao nên nhân dân toàn xã tập trung phát triển loại cây được xem là “vàng trắng” này. Trên địa bàn lại có 2 nông trường Bến Súc và Phan Văn Tiến chiếm diện tích CS khá lớn, còn lại tư nhân tự trồng lên đến 1.288 ha. Chính vì thế, về Thanh Tuyền thấy đâu đâu cũng là CS. Người dân Thanh Tuyền vì thế dường như sống dựa hẳn vào CS. Hiện tại, trên địa bàn không có bất kỳ một cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lớn nào trú đóng. Có chăng, cũng chỉ là một số cơ sở chế biến mủ CS. Số hộ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cũng chỉ dừng lại ở con số 30 ít ỏi.

 Nhiều hộ dân ở Thanh Tuyền đã đầu tư phát triển vườn cây ăn trái

Dẫu phụ thuộc vào CS là thế, nhưng lãnh đạo xã Thanh Tuyền dường như ý thức được rằng không nên “bỏ trứng vào cùng một rổ”. Anh Lưu Vĩnh Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền cho biết: “Cây CS có giá trị kinh tế cao thật, nhưng thời gian gần đây mủ CS liên tục rớt giá khiến bà con nhân dân lo lắng. Nếu đặt giả thuyết mủ CS xuống thấp cực điểm như những năm 90 thế kỷ trước thì nguồn thu nhập của bà con sẽ sụt giảm nghiêm trọng”. Trong khi đó, ông Trần Văn Sáu, ngụ ấp Lê Danh Cát thì nhẩm tính chi tiết hơn: “Mủ CS hiện nay chỉ còn bằng 1/2 giá của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi chi phí nhân công, phân, thuốc phòng trừ sâu bệnh... lại tăng lên. Như vậy, thu nhập của người trồng CS hiện nay chỉ còn bằng 1/4 so với năm ngoái. Nếu giá mủ giảm sâu nữa thì sẽ rất nguy hiểm”.

Chính vì những lo lắng đó mà thời gian gần đây, người dân Thanh Tuyền bắt đầu nghĩ tới một sự thay đổi trong cơ cấu cây trồng để bớt lệ thuộc vào cây CS. Anh Lưu Vĩnh Quốc cho biết: “Làm nông nghiệp thì phải chịu cảnh bấp bênh theo thời tiết, thời vụ, thời giá nhưng mình phải chủ động giảm thiểu nguy cơ rủi ro. Bởi thế, chúng tôi luôn khuyến khích bà con tận dụng quỹ đất để trồng mới thêm những loại cây trồng khác, chủ yếu là cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao để phòng khi cây CS gặp biến động lớn”.

Thanh Tuyền về sau...

Nhờ có địa bàn trải dài theo con sông Sài Gòn nên đất Thanh Tuyền có những đoạn thích hợp để phát triển vùng cây ăn trái. Từ 30 năm trước, đã có người trồng sầu riêng, măng cụt, bòn bon... ở Thanh Tuyền. Nhưng chỉ hơn chục năm trở lại đây, người Thanh Tuyền mới phát hiện ra rằng, dường như đất này trồng cây ăn trái rất hợp. Bằng chứng là những cây măng cụt mùa nào cũng trĩu quả với hương vị thơm ngon không khác gì măng cụt Lái Thiêu hay những vùng nổi tiếng khác. Chính vì thế, các hộ dân bắt đầu phát triển rầm rộ loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao này.

Theo thống kê toàn xã, chỉ trong vài năm trở lại đây, măng cụt Thanh Tuyền đã có sự tăng vọt về diện tích cây trồng. Từ chỉ vài diện tích nhỏ lẻ, Thanh Tuyền hiện giờ đã có những vườn măng cụt lên đến hàng mẫu đất, mỗi năm cho vài tấn quả. Tổng diện tích măng cụt toàn xã đã lên đến hơn 40 mẫu. Măng cụt Thanh Tuyền cũng đã đi xa và tạo dựng được thương hiệu với vị trí quán quân ở Hội thi trái cây Nam bộ năm 2011.

Chúng tôi hỏi thực tình anh Lưu Vĩnh Quốc, Thanh Tuyền có những lợi thế gì. Phó Chủ tịch UBND xã hào hứng kể một lèo: “Thanh Tuyền là vùng đất nằm ở khu giao thoa giữa 3 tỉnh, xã cùng với Phú Mỹ Hưng (Củ Chi, TP.HCM) và Hưng Thuận (Trảng Bàng, Tây Ninh) tạo thành tam giác cân đối. Chúng tôi có tuyến đường bộ và đường thủy nằm song song với nhau tạo sự thuận lợi về giao thông, lại là trung điểm giữa địa đạo Củ Chi và hồ Dầu Tiếng nên sẽ rất tốt để phát triển du lịch sinh thái”.

Quả vậy, Thanh Tuyền không thể mãi là đất thuần nông, suốt đời gắn chặt với cây CS, với những mảnh ruộng hoang hóa. Những vườn cây ăn trái trĩu quả níu chân du khách gần xa đang là mục tiêu trước mắt mà chính quyền và người dân Thanh Tuyền đang hướng đến. Đã có quy hoạch vùng cây ăn trái chuyên canh của huyện Dầu Tiếng được lập ra và nó đặt ngay ở Thanh Tuyền. Người Thanh Tuyền cũng đã học hỏi và nắm bắt được những kỹ thuật đặc trưng của các lại cây ăn trái giá trị cao như măng cụt, sầu riêng... Cộng với những lợi thế về mặt địa lý sẵn có của địa phương, Thanh Tuyền trong tương lai không xa về sau hẳn sẽ là một địa phương phát triển mạnh mẽ về du lịch sinh thái.

KHÁNH VINH - THÚY NGÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên