Khôi phục nền kinh tế cho Syria, đó là mục tiêu chuyến thăm Syria của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào ngày 7-9, chủ yếu bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế giữa Moscow và Damascus. Nhưng có vẻ như chương trình nghị sự về kinh tế của Ngoại trưởng Nga hầu như không che giấu được tình trạng trì trệ về quan hệ chính trị giữa hai nước.
Vào năm 2012, lần cuối cùng ông Sergey Lavrov có mặt ở Syria, tình hình đất nước này khi ấy hoàn toàn khác. Đó là vào thời điểm trước khi Syria bước vào một cuộc chiến tranh cả nội bộ lẫn khu vực. Cuộc chiến đã phá hủy cơ sở hạ tầng của đất nước này, giết chết hơn 250.000 người và khiến hàng triệu người Syria phải di tản...
8 năm sau, Ngoại trưởng Nga cùng Phó Thủ tướng Yuri Borisov trở lại Syria. Nhưng đất nước này đang ở đâu? Trong khi cuộc chiến dường như sắp kết thúc, Damascus vẫn là đối tượng của các lệnh trừng phạt quốc tế rất nặng nề, đặc biệt là từ Washington, với luật Caesar, một lệnh phong tỏa kinh tế ngăn cản đất nước bắt đầu tái thiết. Trong khi đó Syria cũng bị ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng kinh tế khủng khiếp, tham nhũng tràn lan và cuộc khủng hoảng bởi SARS-CoV-2 cùng những hậu quả của nó.
Giải thích lịch trình của chuyến thăm này như thế nào? Điều gì giải thích, trong giai đoạn khá yên lặng xét về mặt quân sự, chuyến thăm Syria của Ngoại trưởng và Phó Thủ tướng Nga?
Phái đoàn Nga thăm Syria ngày 7-9-2020.
Đảm bảo với các nhà đầu tư tiềm năng về sự ổn định của Syria
Yếu tố đầu tiên của câu trả lời và quan trọng nhất là kinh tế. Đó là một sự thật mà tất cả mọi người đều biết, về kinh tế, Syria đang suy sụp thực sự. Lời nhắc nhở của Tổng thống Assad với phái đoàn Nga trong chuyến thăm này là mong muốn gia hạn các thỏa thuận kinh tế và thương mại với Nga hoàn toàn không phải là điều “nói cho vui”.
Đây cũng là điều mà Phó Thủ tướng Yuri Borissov từng đề cập tại một cuộc họp báo, cho thấy khả năng đạt được một thỏa thuận trong tương lai nhằm mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Phó Thủ tướng Nga hy vọng nó sẽ thành hiện thực trước cuối năm nay. Hàng chục dự án cũng đã được đề cập, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.
Liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Syria, Phó Thủ tướng Nga Borisov cho biết hai nước đang hợp tác để khôi phục khoảng 40 cơ sở năng lượng ở Syria, trong đó có các mỏ dầu ngoài khơi. Trong những năm gần đây, Nga và Syria đã ký một số thỏa thuận về năng lượng, xây dựng và nông nghiệp.
“Sự xuất hiện của ông Yuri Borisov rất quan trọng, bởi vì với tư cách là Phó Thủ tướng, ông ấy là tai mắt của Tổng thống Vladimir Putin nhưng cũng bởi vì ông ấy có kiến thức rất sâu rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Đối với Moscow, mối quan tâm hàng đầu là thúc đẩy một số dự án kinh tế ở Syria, đặc biệt là cơ sở hạ tầng”, phân tích của Igor Delanoe, Phó Giám đốc Đài quan sát Pháp-Nga trên báo L'Orient-Le Jour.
Trên hết, Nga đang nôn nóng muốn thu hồi vốn đầu tư vào Syria. Và để làm được điều đó, nền kinh tế của đất nước này phải vận động ở mức tối thiểu. Đây là những gì Arthur Quesnay, chuyên gia và đồng tác giả của cuộc điều tra thực tế Syria: Giải phẫu cuộc nội chiến Syria (nhà xuất bản CNRS, 2016) giải thích với Sputnik: “Điều mà người Nga hướng tới trong chuyến thăm chính thức này thực chất là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Syria, thúc đẩy mô hình kinh tế lách lệnh cấm vận của các nước phương Tây. Cần phải chính thức hóa các mối quan hệ để sau đó tạo ra các thỏa thuận chiến lược thực sự về cấp độ năng lượng hoặc lĩnh vực khác”.
Điều này thậm chí không liên quan đến các khoản đầu tư tiềm năng của Trung Quốc hay các nước khác, mà trên hết là người Nga: “Không phải vì quân đội Nga hiện diện ở đất nước Syria mà các nhà đầu tư Nga sẽ có thể chi tiền của họ để đầu tư vào đây. Họ phải được cam kết thực sự trước khi đầu tư hàng triệu USD vào nước này”, nhà nghiên cứu cho biết thêm.
Quan hệ chính trị Moscow-Damascus thay đổi
Từ vấn đề này, quan điểm của Tổng thống Bashar al-Assad là rõ ràng: “Chính phủ quyết tâm tiếp tục làm việc với các đối tác Nga để thực hiện các thỏa thuận đã ký và đảm bảo sự thành công của các khoản đầu tư của Nga ở Syria", theo truyền thông Syria.
Về các chủ đề còn lại, phái đoàn ngoại giao hai nước đã nhắc lại sự cần thiết phải thu hồi toàn bộ lãnh thổ Syria, cũng như nhu cầu đạt được một giải pháp chính trị, cho dù liên quan đến khu vực Idlib hay Đông Bắc của Syria, do quân nổi dậy và người Kurd đang nắm giữ. Tuy nhiên, không có tiến bộ đáng kể nào được công bố liên quan đến các chủ đề thảo luận này.
Ngoại trưởng Nga cũng nhân cơ hội này để bác bỏ những tin đồn cho rằng Nga sẽ sử dụng Syria làm bàn đạp cho những người lính đánh thuê chỉ đạo Libya: “Các báo cáo về việc Nga sử dụng lãnh thổ Syria để vận chuyển lính đánh thuê tới Libya không dựa trên bất kỳ dữ kiện nào".
Sở dĩ chuyến thăm này chủ yếu đạt được những tiến bộ cụ thể nhất trong lĩnh vực kinh tế, đó là vì mối quan hệ chính trị hai nước Nga-Syria đang không ở trong tình trạng tốt. “Quan điểm của Nga đối với Damascus đã thay đổi. Moscow chỉ trích phần nào việc chính quyền Assad đã từ chối bất kỳ nhượng bộ hoặc cởi mở về chính trị nào cho một quá trình chuyển đổi chính trị nội bộ có thể xảy ra”.
Nhưng, tình hình hiện nay là hai bên rất cần có nhau: Tổng thống Assad chắc chắn sẽ không thể tồn tại nếu không có sự giúp đỡ của Nga và Nga có thể sẽ không thu lại được khoản đầu tư khổng lồ mà họ đã bỏ ra ở Syria nếu ông Assad thất thủ. Do đó, lúc này hay lúc khác, một trong hai bên cần phải buông lỏng vấn đề chính trị.
Theo CAND