Thấy gì từ Khu công nghiệp Mai Trung?

Cập nhật: 03-06-2011 | 00:00:00

Bài 1: Đã sai còn ngụy biện!

Khu công nghiệp (KCN) Mai Trung tại xã An Tây, huyện Bến Cát được phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 26-11-2004 và được chủ đầu tư khởi công xây dựng vào tháng 6-2005. Dù triển khai đã lâu nhưng KCN Mai Trung không thực hiện đúng theo quy định. Trong khi các cấp, các ngành quan tâm giải quyết những vướng mắc thì chủ đầu tư lại lơ là, bất hợp tác và kiến nghị những vấn đề không đúng thực tế...

Đổ lỗi khách quan

KCN Mai Trung do Doanh nghiệp (DN) tư nhân Đầu tư xây dựng - Dịch vụ Mai Trung (DN Mai Trung) làm chủ đầu tư có quy mô 50,55 ha. Qua 6 năm thực hiện, phần lớn các hạng mục xây dựng hạ tầng KCN đều chưa hoàn thành. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, việc đầu tư hệ thống cấp thoát nước, cây xanh đều đạt thấp, ngay cả đường vào KCN này cũng chỉ là con đường đất bụi bặm và thi công dở dang từ nhiều năm trước! Đáng nói hơn, nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Mai Trung vẫn chưa có, dù rằng trong KCN đã có 3 DN đầu tư đi vào hoạt động, nước thải từ các DN này sau khi xử lý cục bộ được xả thẳng ra sông Sài Gòn. Theo ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc DN Mai Trung cho biết, đến nay chủ đầu tư mới chỉ đền bù được 66,83% diện tích dự án với 337.824m2, còn lại 167.706m2 của các hộ dân và đất công chưa bồi thường giải tỏa được.

  Từng dãy ống cống trong KCN chất chồng và chưa biết bao giờ được mang đi thi công

Về phía các DN đầu tư “lỡ sa chân” vào KCN Mai Trung cũng tiến thoái lưỡng nan, vì cách làm của chủ KCN mà trở nên khó xử. Đại diện Công ty TNHH Smith MEG Việt Nam, DN có vốn đầu tư nước ngoài vào KCN cho biết: “Tuy tốn nhiều chi phí và không phải là trách nhiệm của mình, nhưng công ty chúng tôi sẵn sàng bỏ vốn đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung cho toàn KCN, phần chi chí này chủ đầu tư KCN Mai Trung sẽ trừ vào tiền thuê đất mà Công ty TNHH Smith MEG Việt Nam phải trả”. Thành ý của Công ty TNHH Smith MEG Việt Nam là vậy nhưng đến nay DN Mai Trung vẫn chưa đồng ý! 

  Lý giải về tiến độ ì ạch của KCN trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành vừa qua, chủ đầu tư đều đổ lỗi chậm là do người dân, chính quyền địa phương... Cụ thể về việc chưa đền bù giải tỏa, chủ đầu tư KCN cho rằng: “Đã nhiều lần đề nghị UBND huyện Bến Cát kiến nghị Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất quy hoạch KCN. Tuy nhiên, những đề xuất, kiến nghị của DN vẫn chưa được UBND huyện xem xét, giải quyết. Vì vậy, đến nay công tác giải tỏa bồi thường của DN không thực hiện được do thiếu cơ sở pháp lý để triển khai”. Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều hạng mục chậm và chưa thực hiện, chủ đầu tư lý giải: “Do các hộ dân lấn đường, các hộ muốn đền bù cao”. Bất nhất hơn, việc chưa xây dựng được trạm xử lý nước thải mà các ban ngành nhắc nhở nhiều năm qua, DN cho rằng “do phần đất này nằm trong diện tích DN mới nhận giấy mời về việc ký hợp đồng thuê đất và một phần đất chưa đền bù được. Hơn nữa nếu đơn vị tự ý xây dựng thì xem như vi phạm các quy định của Luật Xây dựng”.

 Không chỉ đưa ra hàng tá lý do để ngụy biện cho những vấn đề tồn tại của KCN, khi nói đến văn bản của Sở Tài nguyên - Môi trường liên quan đến việc nộp tiền sử dụng đất công trong dự án, ông Nguyễn Thành Nhơn biện hộ: “Theo Luật Đất đai năm 2003, quy định về những trường hợp không phải bồi thường trong thu hồi đất, trong đó quy định rất cụ thể đối với thu hồi thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thuộc trường hợp không phải bồi thường”! Từ sự biện hộ này, ông Nhơn cho rằng việc các ngành chức năng yêu cầu DN phải thực hiện chi trả tiền hỗ trợ đất công trước khi được UBND tỉnh cho thuê đất là không hợp lý và không hợp tình.

Lỗi chính là ở chủ đầu tư

Tất cả những lý do ngụy biện cho sự chậm trễ của chủ đầu tư là không đúng với thực tế. Mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng KCN Mai Trung triển khai chậm là do chính chủ đầu tư. Trong việc giải tỏa, nhiều người dân chưa thỏa thuận đền bù vì cho rằng giá cả chưa hợp lý, đền bù không thỏa đáng. Còn về phía chủ đầu tư, nhiều năm qua cứ bám vào đơn giá ban đầu, bồi thường đất nông nghiệp thuộc KCN là 90.000 đồng/m2 cho đất cách hành lang bảo vệ đường bộ trong phạm vi 200m, 60.000 đồng/m2 cho đất cách hành lang bảo vệ đường bộ trên 200m, phần đất giải tỏa cho đường cống thoát nước là 60.000 đồng/m2. Giá đền bù thấp mà chủ đầu tư không tích cực, chưa đưa ra được phương án hỗ trợ nào đã dẫn đến việc triển khai gặp khó khăn là điều không  tránh khỏi.

  Không chỉ thụ động trong việc đền bù giải tỏa, kỳ kèo với dân, DN Mai Trung còn muốn qua mặt chính quyền khi xử lý đất công. Trong diện tích 50,55 ha được cấp phép cho KCN Mai Trung có đến gần 9 ha là đất công do chính quyền xã quản lý. Ngay từ lúc triển khai, chính quyền xã An Tây và huyện Bến Cát đề xuất với chủ đầu tư hoán đổi đất, theo đó chủ đầu tư KCN Mai Trung mua lại đất nơi khác đổi lại cho xã để xây dựng các công trình công cộng sau này nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế,  văn hóa - xã hội của địa phương. Về vấn đề hoán đổi đất công này, ngày 2-5-2007, UBND tỉnh Bình Dương đã có Văn bản 2073 chấp thuận cho DN thực hiện việc hoán đổi khu đất khác tương ứng với diện tích đất công ích bị thu hồi làm KCN cho UBND xã An Tây. Thế nhưng khi chưa thống nhất về đất công, xã chưa giao đất mà DN Mai Trung đã lấy gần 9 ha đất công trên cho 3 DN khác thuê lại xây dựng nhà máy, đến nay nhà máy của các DN này đã đi vào hoạt động nhiều năm rồi nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ gì đối với đất công của Nhà nước. Ngược lại, chủ đầu tư viện dẫn đủ điều để thoái thác trách nhiệm và phản bác thỏa thuận ban đầu.

Kỳ 2: Cần xử lý nghiêm

 

TRỌNG MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1143
Quay lên trên