Thầy giáo trẻ với mô hình vườn rau thủy canh ý nghĩa

Cập nhật: 20-12-2021 | 10:55:02

Để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo “Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất rau sạch kết hợp giáo dục trải nghiệm cho học sinh (HS)”, thầy giáo trẻ Phan Trọng Nhân (trường THCS Phước Hòa, huyện Phú Giáo) đã không ngần ngại chi 100 triệu đồng để đầu tư vườn rau thủy canh ngay tại nhà trường để làm nơi HS được tham quan, trải nghiệm thực tế.

 Thầy giáo Phan Trọng Nhân chăm chút tỉ mỉ cho vườn rau thủy canh với mong muốn giúp HS có nơi học tập, trải nghiệm thực tế

 Từ tấm lòng người thầy

Khi được hỏi 100 triệu đồng là số tiền không nhỏ đối với nhiều người, vì sao thầy giáo Nhân lại dám chi “mạnh tay” như thế để đầu tư cho công việc, thầy Nhân từ tốn nói: “Có lẽ là vì yêu nghề dạy học, yêu luôn việc sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ cao và mong muốn cho các em HS có được những cơ hội học tập, trải nghiệm thực tế tốt nhất mà tôi đã không ngần ngại đầu tư, mặc dù đối với tôi số tiền này cũng không hề nhỏ”.

Tính đến nay, thầy Phan Trọng Nhân cũng đã có 7 năm công tác tại trường THCS Phước Hòa. Trong ngần ấy năm, thầy phụ trách môn sinh học khối 7, 8, 9 và luôn tìm tòi các giải pháp giúp HS yêu thích những tiết học thông qua những buổi học tập trải nghiệm thực tế. Mặt khác, nỗi lo về an toàn thực phẩm trong những bữa ăn của HS khiến thầy cũng trăn trở, làm sao để có nguồn rau sạch trong mỗi bữa ăn của HS. Thầy Nhân cho biết hiện nay, nhu cầu về rau sạch tăng cao trong khi số lượng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao không nhiều, thông thường phải nhập từ các tỉnh chuyên sản xuất rau như Đà Lạt hoặc một số tỉnh, thành ở miền Tây. Đồng thời, một số mô hình sản xuất nông nghiệp còn sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật nhiều. Điều này, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, sản xuất rau sạch theo công nghệ cao là một hướng đi mới cho người sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về đầu ra cho sản phẩm. Trường THCS Phước Hòa là một trong những trường THCS có bếp ăn bán trú lớn nhất của huyện Phú Giáo. Do đó, hàng ngày nhu cầu về thực phẩm sạch rất lớn. Thế nhưng, giá cả nhập vào bếp ăn từ công ty thực phẩm khá cao so với thị trường. Khi xây dựng mô hình này sẽ giảm bớt một phần chi phí cho phụ huynh HS, bảo đảm các sản phẩm rau sạch với giá thành rẻ.

Liên kết giữa nhà nông với nhà trường

Với những trăn trở được đặt ra, anh Nhân đã lên ý tưởng thực hiện dự án mô hình liên kết giữa nhà nông và nhà trường, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch; đồng thời có nơi học tập trải nghiệm cho HS. Theo đó, dự án thành công thì các sản phẩm tạo ra sau thu hoạch sẽ được cung ứng vào bếp ăn bán trú, bảo đảm giảm chi phí của phụ huynh HS, cũng như sức khỏe cho HS. Trên ý tưởng đó, cộng với điều kiện thực tế tại trường THCS Phước Hòa đã có sẵn khu đất được quy hoạch dành cho giảng dạy thực nghiệm với nhà lưới sản xuất, khu vực trồng trọt với diện tích 300m2, thầy Nhân đã quyết tâm bỏ tiền túi để thử nghiệm thực hiện dự án này. Theo đó, bước đầu thầy đã chi 100 triệu đồng để thực hiện mô hình vườn rau thủy canh với việc đầu tư hàng ngàn máng, rọ trồng rau, hệ thống tưới tự động, rau sạch… rồi tiến hành trồng, chăm sóc. Sau gần 3 tháng thi công thực hiện, vườn rau đã cơ bản hoàn thành, chờ ngày HS đến với các buổi tham quan thực tế.

Thầy Nhân cho biết ngoài vườn rau này, nhà trường còn có khu đất dành cho việc trồng trọt các loại cây ăn trái như đu đủ, mít, chuối phục vụ nhu cầu học tập của HS. “Tôi mong sao dự án “Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất rau sạch kết hợp giáo dục trải nghiệm cho HS trường THCS Phước Hòa” sẽ được mở rộng hơn, không chỉ dừng lại trên diện tích 300m2, khi đó số lượng rau lớn sẽ đáp ứng nhu cầu rau của bếp ăn nhà trường hay xuất bán ra bên ngoài thị trường. Và khi thực hiện ở quy mô lớn hơn sẽ mang lại nguồn lợi nhuận, giá trị lợi nhuận sẽ được phân phối cho chủ đầu tư, kèm theo đó sẽ xây dựng được nguồn quỹ để giúp đỡ cho HS khó khăn của trường THCS Phước Hòa. Đồng thời, thông qua dự án, HS sẽ bước đầu trải nghiệm với việc sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn”, thầy Nhân chia sẻ.

Có thể nói, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kết hợp giáo dục hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một mô hình mới, có ý nghĩa thực tiễn cao. Mô hình vừa cung cấp các loại rau sạch, an toàn được sản xuất bằng công nghệ cao, mang lại lợi ích kinh tế cho nhà sản xuất, vừa có thể đáp ứng nhu cầu học tập trải nghiệm cho HS.

“Tôi mong sao dự án “Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất rau sạch kết hợp giáo dục trải nghiệm cho HS trường THCS Phước Hòa” sẽ được mở rộng hơn, không chỉ dừng lại trên diện tích 300m2, khi đó số lượng rau lớn sẽ đáp ứng nhu cầu rau của bếp ăn nhà trường hay xuất bán ra bên ngoài thị trường. Và khi thực hiện ở quy mô lớn hơn sẽ mang lại nguồn lợi nhuận, giá trị lợi nhuận sẽ được phân phối cho chủ đầu tư, kèm theo đó sẽ xây dựng được nguồn quỹ để giúp đỡ cho HS khó khăn của trường THCS Phước Hòa. Đồng thời, thông qua dự án, HS sẽ bước đầu trải nghiệm với việc sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn”

(Thầy giáo Phan Trọng Nhân, trường THCS Phước Hòa, huyện Phú Giáo)

 NGỌC NHƯ - T.NGUYÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1672
Quay lên trên