Hiện tại, dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, BS Khuê vẫn nghiên cứu, cập nhật những thông tin mới để truyền đạt cho các học trò
Tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1973, vừa tiếp tục đi học anh vừa tham gia phụ giảng tại Đại học Y Hà Nội. Đến tháng 1-1975 anh nhận lệnh vào chiến trường miền Nam với nhiệm vụ giảng dạy cho quân dân y ở R. Nhưng do thời gian này chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đang chuẩn bị bước vào hồi kết, nên khi anh vào tới thì miền Nam đã hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước. Lịch sử sang trang, nhiệm vụ của anh cũng thay đổi. Anh được phân công về Bệnh viện Phú Cường (trước đây) tham gia công tác điều trị. Thời điểm này bệnh viện thiếu nhân lực trầm trọng, mỗi khoa chỉ có 1 - 2 BS, toàn bệnh viện chỉ có 4 BS chuyên môn (trong đó có BS Khuê). Trong điều kiện thiếu đội ngũ, trang thiết bị không được bổ sung, đội ngũ thầy thuốc gặp vô vàn khó khăn. Người ít, một BS phải làm việc gấp đôi, gấp ba lần. Riêng BS Khuê, do vợ con còn ở miền Bắc nên suốt ngày anh ở bệnh viện, làm việc quên cả nghỉ ngơi. Đến năm 1980, khi hoạt động ở bệnh viện dần đi vào ổn định, anh được điều về trường Trung học Y tế giảng dạy, đúng với sở trường anh đã được đào tạo. Đầu tiên anh làm chủ nhiệm lớp, dần dần được đề bạt lên làm lãnh đạo nhưng vẫn tham gia giảng dạy. Anh tâm sự: “Công việc của người thầy thuốc liên quan trực tiếp đến con người nên tôi luôn nhắc nhở giáo viên quan tâm đến chất lượng, truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn thực hành, thực tập tốt để các em sau khi ra trường làm được ngay. Bên cạnh đó giáo viên còn phải chú ý giáo dục y đức cho học sinh. Bởi người thầy thuốc được người dân giao cả tính mạng và sức khỏe; mặt khác, đa số họ không hiểu về bệnh tật của mình, nếu người thầy thuốc không được rèn luyện y đức dễ dẫn đến lạm quyền”.
Là một thầy thuốc mẫu mực, hiền lành, là tấm gương tiêu biểu cho đàn em học tập, đó là những lời nhận xét của các y, bác sĩ đối với BS Khuê. Với năng lực và đức tính cần có ở một người thầy thuốc như vậy, năm 2001 BS Khuê được cất nhắc lên làm Phó Giám đốc Sở Y tế phụ trách mảng điều trị, xây dựng cơ bản, dược, đồng thời là bí thư Đảng bộ ngành y tế. Ở vị trí mới, BS Khuê đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào ngành dược. Từ chỗ cả tỉnh chỉ có 1 - 2 công ty dược trước đây, nay Bình Dương đứng nhất nước về lĩnh vực này. Anh cũng đã có công xây dựng quy hoạch cơ sở vật chất ngành như: phát triển hệ thống trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, bệnh viện huyện...
Hiện tại BS Khuê đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, vậy mà vừa rời khỏi giường bệnh anh lại cắp cặp đến trường dạy. Anh chia sẻ: “Kiến thức mình không sử dụng thì rất phí, nên tôi mong truyền đạt những kinh nghiệm đã tích góp được cho thế hệ đàn em. Hễ còn sức là tôi còn đến lớp, đó vừa là niềm vui, cũng là cái nghiệp tôi đã đeo mang, khó mà dứt ra được”. Nói về y đức của người thầy thuốc, anh vẫn còn những trăn trở, trong thời kinh tế thị trường, suy nghĩ của một bộ phận thầy thuốc đôi lúc còn lệch lạc. Người thầy thuốc cần có cái tâm trong sáng để phục vụ người bệnh tốt hơn. Tâm lý của người bệnh khi đi khám chữa bệnh rất lo lắng về bệnh tật và ngại chờ đợi, vì vậy lãnh đạo các đơn vị nên cải tiến công tác quản lý để người bệnh bớt khó nhọc. Tỉnh đã có quan tâm đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, nhưng cũng cần có chế độ đào tạo đồng bộ cho cả ê kíp, để phục vụ người bệnh với chất lượng được tốt nhất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị:
Thầy thuốc ưu tú - BS Khổng Trọng Khuê thuộc thế hệ đàn anh trong đội ngũ thầy thuốc của tỉnh nhà. Và nếu nói về “công trạng” thì anh đã có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Anh là người có công đầu tiên trong việc xây dựng nền y tế Sông Bé (trước đây), tham gia xây dựng bệnh viện đa khoa, trường trung học y tế, góp phần củng cố mạng lưới y tế tỉnh nhà sau này. Tỉnh rất trân trọng những đóng góp to lớn của anh đối với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh nhà.
A.SÁNG