Gắn bó với một công ty thuộc lĩnh vực thú y, thủy sản được 6 năm, thạc sĩ Trần Ngọc Hùng, giảng viên dạy hóa - sinh khoa Khoa học tự nhiên trường Đại học Thủ Dầu Một đã quyết định đầu quân về trường. 7 năm gắn bó với ngôi trường này, thầy Hùng ngày càng tỏa sáng khi có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, các đề tài có tính ứng dụng vào thực tiễn.
Mới đây nhất, đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm bào tử nấm Trichoderma để kiểm soát bệnh thán thư trên cây ớt” của thầy Hùng đã đạt giải nhì tại cuộc thi Khoa học và Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2018, do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức. Trước đó, thầy còn có 2 đề tài nghiên cứu khoa học khác đồng tác giả được TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Thuận công nhận.
Khi được hỏi vì sao chọn trường Đại học Thủ Dầu Một để phát huy nghề nghiệp? Thầy Hùng chia sẻ: “Tôi rất đam mê nghiên cứu, bản thân có khả năng và ý tưởng cùng với sự nhiệt tình, tôi muốn truyền cảm hứng và nhân rộng việc nghiên cứu cho các sinh viên”. Thầy Hùng nhìn nhận, chính môi trường làm việc trước đây đã giúp thầy có những ý tưởng, kinh nghiệm thực tế quý giá, để áp dụng vào quá trình nghiên cứu kể từ khi về trường. Thầy vui mừng khi thấy nhà trường đầu tư nhiều thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu của sinh viên và giảng viên. Bên cạnh đó, trường còn có những chế độ thỏa đáng, đã kích thích đội ngũ cán bộ, giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.
Thầy Hùng hướng dẫn sinh viên nghiên cứu thực hiện đề tài “Kiểm soát bệnh tuyến trùng hại cây tiêu”
Nhắc lại công trình nghiên cứu kể trên, thầy Hùng cho biết, ớt cay không chỉ là loại cây gia vị rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, mà gần đây còn được sử dụng trong công nghiệp chế biến thực phẩm và dược liệu để bào chế các thuốc trị ngoại khoa như: Phong thấp, nhức mỏi, cảm lạnh hay nội khoa như thương hàn, cảm phổi, thiên thời... Như nhiều loại cây trồng khác, chất lượng và sản lượng ớt bị đe dọa nghiêm trọng bởi các loại dịch bệnh, trong đó có bệnh thán thư hay còn gọi là bệnh nổ trái. Việc sử dụng các loại thuốc hóa học tràn lan không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sống, sức khỏe của người tiêu dùng mà còn là nguyên nhân tạo ra các chủng nấm bệnh kháng thuốc. Từ những lý do trên, thầy đã nghiên cứu tạo ra chế phẩm bào tử nấm chứa Trichoderma. Qua kết quả nghiên cứu cho thấy các chế phẩm chứa Trichoderma có khả năng hạn chế đáng kể bệnh thán thư do Colletotrichum gây ra trên cây ớt. Ngoài ra, sử dụng các chế phẩm này cũng hạn chế đáng kể hiện tượng héo vàng do tuyến trùng và nấm Fusarium... Thầy Hùng cho hay. Được biết, hiện tại sản phẩm của thầy Hùng đã chuyển giao cho nông dân trồng nho ở Ninh Thuận và nông dân tỉnh Gia Lai sử dụng ủ vỏ cà phê làm phân.
Hàng ngày, thầy làm việc miệt mài trong phòng thí nghiệm, hầu như chỉ có 30 phút nghỉ ăn trưa, sau đó thầy lại bắt tay vào nghiên cứu hoặc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu. Có những đề tài nghiên cứu áp dụng trong trồng trọt, thầy Hùng cũng có định hướng nghiên cứu các sản phẩm phục vụ cho chăn nuôi. Hiện tại, thầy đang nghiên cứu chế phẩm men vi sinh tiêu hóa dùng cho vật nuôi như heo, bò, gà.
Trong giai đoạn người nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao như hiện nay, thầy Hùng mong muốn giúp bà con đạt hiệu quả cao nhất trong chăn nuôi, trồng trọt, đồng thời bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Với những lý do trên, đặc biệt là niềm đam mê nghiên cứu khoa học, trong thời gian tới chắc chắn người giảng viên trẻ này sẽ nghiên cứu và có thêm những chế phẩm mới được đưa ra thị trường.
Có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, ngoài những đề tài được các cấp đánh giá cao, thầy Hùng còn cùng các tác giả khác có 18 bài viết đăng trên tạp chí khoa học trong nước, 1 bài đăng trên kỷ yếu hội thảo quốc tế, 18 bài đồng tác giả đăng trên kỷ yếu hội nghị, hội thảo trong nước. Truyền cảm hứng nghiên cứu cho sinh viên, hàng năm có 20% sinh viên các lớp do thầy giảng dạy cùng tham gia nghiên cứu khoa học.
H.THÁI