Thế giới chế nhạo bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc

Cập nhật: 01-07-2014 | 00:00:00

Việc Trung Quốc (TQ) cho phát hành bản đồ lãnh thổ mới khổ dọc đã và đang gây ra sự phản đối mạnh mẽ trên thế giới do bản đồ mới thể hiện “tham vọng bành trướng” của TQ, trái với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

 Ngay sau khi TQ phát hành bản đồ “đường lưỡi bò” với việc sở hữu 90% biển Đông, Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg đã lên tiếng ủng hộ việc Philippines phản đối TQ phát hành bản đồ mới ngang nhiên đưa gần như toàn bộ các vùng biển đảo ở biển Đông vào phạm vi cái gọi là “chủ quyền” của Bắc Kinh. Theo Đại sứ Goldberg, bản đồ “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở theo luật quốc tế, vi phạm UNCLOS. Theo ông Goldberg, những nỗ lực của một nước nhằm xâm phạm quyền sử dụng vùng biển một cách hợp pháp của nước khác cần được xem là mối quan ngại. Ông khẳng định biện pháp để giải quyết tranh chấp là thông qua tòa án quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), thương lượng trực tiếp với các bên và không đe dọa.  

 Bản đồ “đường lưỡi bò” chiếm gần hết diện tích biển Đông do Trung Quốc tự vẽ trái với luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển

Những ngày này, trên Facebook của cư dân mạng Philippines tràn ngập hình ảnh một tấm bản đồ có tên gọi “Bản đồ lãnh thổ mới của Philippines”. Đó là cách mà người dân nước này phản đối việc TQ gần đây đưa ra tấm bản đồ mới “liếm” gần như toàn bộ biển Đông và nhiều vùng của Philippines. Đáng chú ý, “bản đồ tự chế này” của TQ đã mở rộng phần lãnh thổ thực tế của Philippines, với các vùng đất mới bao gồm vùng Nội Mông, TQ đại lục, cũng như Hong Kong. Bản đồ này gọi phần TQ đại lục là “tỉnh hành chính đặc biệt” của Philippines; Bắc Kinh được đánh dấu là “Thành phố thủ đô”, nhưng với tên mới là Rizal; còn Hong Kong thì được gọi là “Khu vực thương mại đặc biệt”.

“Đừng ngạc nhiên khi nhận thấy rằng bản đồ chính thức mới của TQ không chỉ hàm chứa nhiều hơn những gì thuộc về TQ, mà còn cả một phần rộng lớn của biển Đông nóng bỏng”, là câu mở đầu trong bài viết của tờ International Business Times. Tờ thời báo kinh tế này cho hay TQ tuyên bố chủ quyền đến hơn 90% biển Đông và bản đồ mới phát hành được mở rộng để nhấn mạnh những vùng tranh chấp một cách nổi bật hơn nhiều so với các bản đồ trước đây. Bài báo này chế giễu: “Để bao quát được tuyên bố chủ quyền theo đường chín đoạn mà TQ tự quy định, bản đồ này hóa ra lại trông giống một bản đồ Đông Nam Á hơn là một bản đồ TQ”.

Trong bài viết “Vũ khí mới của TQ trong cuộc chiến trên biển Đông là... một bản đồ dọc”, tờ Wall Street Journal, viết: “Nếu Anh và Pháp muốn tính cả những lãnh thổ hải ngoại, họ chỉ cần phô ra một bản đồ toàn thế giới sao. Có ích gì khi đưa ra bản đồ này vào lúc này không? Điều đó chẳng có gì hơn là một tham vọng lộ liễu. Những gì nhà xuất bản bản đồ Hồ Nam làm chỉ cho thấy các nhà cực đoan cánh tả đang đi theo chủ nghĩa yêu nước mù quáng một cách dễ dãi”. Còn tờ Foreign Policy (Mỹ) thì đề cập đến cuộc tranh cãi này với bài viết thể hiện sự chế giễu ngay trên đầu đề bài báo: “Này Bắc Kinh, bản đồ đó nằm trong túi anh à?”.

Tờ Phil Star (Philippines) bình luận rằng bản đồ của Bắc Kinh chỉ là một “bức vẽ” vi phạm UNCLOS. Đối với người Philippines, khái niệm “vẽ” hàm chứa những điều tự tạo ra, không có thật, hoặc lời hứa suông của một ai đó bị chế giễu, bác bỏ. Bài báo viết: “Họ vẽ ra một đường 9 đoạn. Bây giờ nó lại được biến thành 10 đoạn. Theo lịch sử, đường này dưới thời Tưởng Giới Thạch là đường 11 đoạn”. Trưởng văn phòng báo chí của Tổng thống Philippines, ông Herminio Coloma Jr., nói: “11 biến thành 9, bây giờ lại thành 10. Cuối cùng, để đơn giản, họ vẽ ra nó. Tất cả những bản hình vẽ này bị bác bỏ bởi UNCLOS”.

Kênh ABS - CBN News dẫn lời luật sư Harry Roque, Giám đốc Viện Nghiên cứu Pháp lý Quốc tế Philippines, nhận định TQ dường như đang bị rối loạn vì liên tục thay đổi thông tin về tuyên bố lãnh thổ của mình. Ông nói: “Dù TQ có làm gì thì cuối cùng tòa án (quốc tế) cũng sẽ là cơ quan phán quyết về tính hợp pháp của đường 9 đoạn hay 10 đoạn”; “Làm sao có thể mong chờ cộng đồng quốc tế tin vào giá trị của nó khi bản thân bên yêu sách là TQ còn không chắc chắn đó là 9, 10 hay 11 đoạn?”.

Trong khi đó, tờ South China Morning Post (Hồng Kông) dẫn lời chuyên gia Lý Vĩnh Long thuộc Đại học Hạ Môn vạch rõ TQ muốn dùng bản đồ mới để kiểm tra phản ứng của các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. “Việc để một nhà xuất bản địa phương ấn hành tấm bản đồ trên sẽ cho phép Bắc Kinh tránh né phản ứng mạnh từ các nước láng giềng; đồng thời nó cũng sẽ mở đường cho chính quyền thúc đẩy việc sử dụng bản đồ này trong tương lai nếu phản ứng không quá nghiêm trọng”.

 Nếu không tỉnh táo, “giấc mơ” sẽ trở thành “ác mộng”!

Phân tích về những mâu thuẫn nội bộ của Trung Quốc (TQ), Tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia Đông Nam Á và châu Á của Quỹ Khoa học và Chính trị thuộc Viện Chính trị và An ninh quốc tế Đức, cho biết TQ đang tự mâu thuẫn với bản thân khi tính toán đến lợi ích của chính mình…

Nếu bạn đọc bản báo cáo của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) thì bạn có thể thấy rằng, trong báo cáo của họ, họ đã “phân vai” cho các “nhân vật” khác nhau của TQ như Ngoại trưởng TQ, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương TQ (CNOOC) hay của Ủy viên Quốc vụ TQ. Theo đó, các “diễn viên” sẽ có những vai diễn hoàn toàn đối lập với nhau. Ví dụ như ngay khi Ủy viên Quốc vụ viện TQ Dương Khiết Trì đến Việt Nam để bàn về việc giảm căng thẳng trên biển Đông thì CNOOC lại đưa thêm giàn khoan đến khu vực này.

TQ đang tự mâu thuẫn với bản thân khi tính toán đến lợi ích của mình. Một mặt họ muốn mở rộng lãnh thổ một cách trái phép khi đưa ra tuyên bố “đường 9 đoạn”. Mặt khác, các nhà lãnh đạo của TQ lại mong muốn tiến hành một “sự trỗi dậy hòa bình” nhằm giành được sự ủng hộ của các nước láng giềng trong khu vực để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và hai điều này thường không đi liền với nhau.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình thường nói về “giấc mơ Trung Hoa”. Theo tôi, người TQ chọn từ “giấc mơ” bởi vì trong giấc mơ mọi thứ dù trái ngược đến đâu cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, khi “tỉnh giấc”, TQ sẽ nhận ra rằng mình cần phải có một quyết định rõ ràng nếu không thì “giấc mơ Trung Hoa” sẽ trở thành ác mộng.

TQ không thể cùng một lúc muốn trở thành một siêu cường về quân sự và dùng sức mạnh quân sự này để áp đặt các tuyên bố chủ quyền của mình trên biển Đông, một mặt lại muốn trở thành một nền kinh tế mạnh có các mối quan hệ kinh tế với nhiều nước khác. Đây chính là mâu thuẫn trong suy nghĩ của TQ và họ cần phải biết rằng mình cần gì nhất.

Một điều đáng chú ý nữa là TQ nói rằng họ muốn khai thác dầu trong khu vực mà họ ngang nhiên tuyên bố là của mình nhưng họ không hề tiến hành bất kỳ một hoạt động khai thác thực sự nào. Thay vào đó, họ dồn tiền để đưa hàng loạt máy bay, tàu hải quân và nhiều loại tàu khác đến khu vực này để bảo vệ giàn khoan của họ. Số tiền chi cho các hoạt động này thừa đủ để TQ mua dầu trên khắp thế giới. Những hành động của TQ không hề cho thấy sự logic về khía cạnh kinh tế. Chính vì thế, việc TQ cần làm là phải xác định rõ được lợi ích cụ thể của mình ở biển Đông và sớm đưa ra quyết định của mình chứ không phải là cứ mơ mộng viển vông.

(Theo chinhphu.vn)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1919
Quay lên trên