Thế giới đặc biệt quan tâm đến Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ tư, ngày 12/01/2011
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Đại hội Đảng Cộng sản VN lần thứ XI không những là sự kiện trọng đại của Việt Nam mà còn là tâm điểm chú ý của công luận quốc tế. Các phương tiện truyền thông thế giới đánh giá cao tầm quan trọng của đại hội đối với việc hoạch định chính sách phát triển của Việt Nam trong tương lai.

 

>> ĐCS Việt Nam đã đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển

Những bước tiến mạnh mẽ

 

Chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản VN lần thứ XI, chiều 10-1 tại thủ đô Viêng Chăn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Lào Xổmxavạt Lềngxavát đã chúc đại hội thành công tốt đẹp, tiếp tục đưa đất nước Việt Nam vững bước tiến lên theo định hướng và mục tiêu đã đề ra, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Về thành tựu nổi bật của sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Xổmxavạt Lềngxavát cho rằng kinh tế của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nông nghiệp có bước tiến nhảy vọt, từ thiếu gạo trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo.

 

 Đường phố Hà Nội trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XI.

Từ Đại hội Đảng lần thứ X đến nay, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bị thách thức bởi thiên tai và dịch bệnh liên tiếp, Việt Nam vẫn vững vàng và có đối sách hiệu quả, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong 5 năm đạt 6,9%, huy động vốn đầu tư tăng 18,2%/năm.

 

Đồng chí Xổmxavạt Lềngxavát cho biết quan hệ Việt-Lào đã có bước phát triển liên tục trên mọi lĩnh vực và đạt được những thành quả cụ thể, qua đó góp phần tạo sức mạnh tổng hợp của CHDCND Lào cũng như thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt-Lào.

 

Vạch ra phương hướng phát triển mới

Tham gia đưa tin về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI ngoài 600 phóng viên trong nước, còn có hơn 100 phóng viên các hãng thông tấn, truyền thông nước ngoài như Tân Hoa xã (Trung Quốc), Ria-Novosti (Nga), AP (Mỹ), Reuters, Financial Times (Anh), Prensa Latina (Cuba), AFP (Pháp), ABC Radio Australia... Các hãng đã đưa tin, mô tả không khí tưng bừng ở thủ đô Hà Nội và các địa phương trong cả nước chào mừng Đại hội Đảng CSVN lần thứ XI.

 

Đến hôm qua, đã có hơn 100 điện, thư của các chính đảng, tổ chức quốc tế chúc mừng Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hãng tin Tân Hoa xã viết: Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc ngày 12-1 thu hút sự chú ý rộng lớn vì đây là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Để chuẩn bị đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong việc hướng dẫn Đảng bộ các cấp trên cả nước đưa các dự thảo văn kiện Đại hội cho công chúng trong và ngoài nước đóng góp ý kiến.

 

Bên cạnh một loạt ảnh về không khí tưng bừng cờ hoa chào mừng Đại hội Đảng, Tân Hoa xã cũng dẫn lời ông Nguyễn Bắc Son, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại cuộc họp báo về đại hội cho biết, Đại hội Đảng lần thứ XI đánh dấu bước phát triển trong thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21. Ngoài ra, kỳ đại hội này cũng là dịp nhìn lại 80 năm ra đời, chiến đấu, trưởng thành, lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Tác giả Thomas Fuller viết trên tờ The New York Times: cờ đỏ búa liềm tung bay tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của Việt Nam, đánh dấu ngày bắt đầu đại hội. Đại hội được tổ chức mỗi 5 năm một lần này có ý nghĩa vạch ra đường lối của đất nước trong tương lai. Điểm lại một số khó khăn về kinh tế như giá cả tăng, đồng tiền mất giá nhưng bài báo dẫn lời các nhà đầu tư tin rằng với những thành tích thần kỳ và lịch sử vượt khó, Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn hiện nay.

 

Báo dẫn lời ông Peter Ryder, Giám đốc điều hành Tập đoàn Indochina Capital nói: “Bạn không có cách nào để hiểu thấu Việt Nam trừ khi bạn tận mắt chứng kiến các hoạt động mạnh mẽ và niềm hạnh phúc của người dân nơi đây. Sau 100 năm chiến tranh và thiếu ăn, người dân chưa bao giờ nghĩ đến một cuộc sống tốt đẹp như hiện nay”.

 

Trang web Đài Phát thanh Australia viết: Tại Việt Nam, gần 1.400 đảng viên tham dự kỳ họp quan trọng của Đảng để chọn các nhà lãnh đạo mới và vạch ra chiến lược kinh tế - xã hội trong 10 năm tới. Việt Nam đang ra sức xây dựng một đất nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 với sự cạnh tranh quyết liệt từ Indonesia và Philippines. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết ông muốn có lực lượng lao động có kỹ năng cao hơn, cơ sở hạ tầng tốt hơn và các tập đoàn nhà nước hiệu quả hơn.

 

Hãng tin AFP có bài viết cùng nhiều hình ảnh mô tả sinh động về Hà Nội trước ngày khai mạc Đại hội XI, trong đó có hình ảnh gần 1.400 đại biểu tham dự đại hội xếp hàng dưới trời mưa lạnh để vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. AFP viết: Đại hội sẽ thảo luận chiến lược kinh tế-xã hội trong thập kỷ tới theo hướng vừa giải quyết những khó khăn và thách thức vừa chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong đó giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên và lực lượng lao động giá rẻ.

 

Người Việt ở nước ngoài hướng về đại hội

 

Những ngày này cùng với đồng bào cả nước, Việt kiều Thái Lan hướng về Đại hội Đảng với niềm tin kỳ đại hội mang lại nhiều thay đổi, đưa đất nước đi lên. Theo VOV, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại tỉnh Ubon Ratchathani, ông Nguyễn Quốc Quyền cho biết, trong những ngày này, bà con Việt kiều trong tỉnh thường xuyên theo dõi tin tức, các hoạt động chuẩn bị Đại hội Đảng XI. Ông cho biết, bà con Việt kiều Thái Lan nói chung và tỉnh Ubon Ratchathani nói riêng rất tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng. Ông tin rằng, Đại hội Đảng lần này là kết tinh của toàn dân tộc và kinh nghiệm của 10 kỳ đại hội trước. Ông Quyền nói: “Chúng tôi là những người con ở xa Tổ quốc, luôn hướng về và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào Đại hội Đảng lần thứ XI thành công tốt đẹp”.

 

Theo TTXVN, người Việt tại Thụy Sĩ cũng kỳ vọng đại hội lần này sẽ đem lại nguồn sinh khí mới cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Ông Vũ Anh Quang, Bí thư Chi bộ phái đoàn Việt Nam tại LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ), cho biết trong thời qua, Chi bộ phái đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đảng XI như tổ chức nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho dự thảo nghị quyết đại hội, đặc biệt về chính sách đối ngoại trong hoạt động ngoại giao đa phương giai đoạn mới 2011-2020.

 

Các đảng viên làm việc tại phái đoàn Việt Nam tại LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, cũng như các chuyên gia kinh tế và các nhà doanh nghiệp Việt Nam làm việc tại Thụy Sĩ đều bày tỏ mong muốn, Đảng cần đề ra cơ chế, chính sách giúp giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng, phát huy tiềm năng của mỗi đảng viên, cá nhân trong và ngoài nước cùng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển chung của đất nước.

 

Thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế

 

Năm 2010, công tác ngoại giao đạt được những kết quả toàn diện, gặt hái rất nhiều thành công trên cả 3 mặt: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa.

 

Việc Việt Nam đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN là thành tựu nổi bật nhất của ngoại giao đa phương cũng như công tác đối ngoại Việt Nam trong năm 2010. Với chủ đề “Hướng tới cộng đồng ASEAN: từ tầm nhìn đến hành động”, Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn của mình bằng những đóng góp, sáng kiến có giá trị trong nhiều vấn đề quan trọng của hiệp hội, đáng chú ý là đã góp phần tạo chuyển biến về chất trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Các sáng kiến về kết nối ASEAN, thúc đẩy đồng thuận về sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, thúc đẩy các bên liên quan đi vào triển khai Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về ứng xử ở biển Đông (DOC) và hướng tới bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), củng cố vững chắc vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác quan trọng trong tất cả các lĩnh vực.

 

Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Liên hiệp quốc, tại các hội nghị, diễn đàn đa phương về hợp tác sông Mekong, Diễn đàn Á – Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APEC), G-20... Những đóng góp của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu như an ninh hạt nhân, biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ... phản ánh nỗ lực và vai trò của Việt Nam với tư cách là một “thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

 

Về ngoại giao kinh tế, năm 2010 Việt Nam cũng đạt được những thành công lớn rất đáng khích lệ. Vốn ODA dành cho Việt Nam đạt gần 8 tỷ USD dù Việt Nam đã vượt qua ngưỡng là một nước nghèo.

 

Ngoại giao văn hóa cũng gặt hái rất nhiều thành tựu: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản thế giới đúng vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh đó, cao nguyên đá Hà Giang, bia đá tiến sĩ Văn Miếu và Hội Gióng cũng được UNESCO công nhận là di sản thế giới...

Theo SGGP