Đầu tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bày tỏ quan ngại về tình hình lạm phát tại nhiều quốc gia châu Á. Đến cuối tuần, một loạt nước trên thế giới từ Mỹ đến châu Âu cũng “hốt hoảng” vì mức lạm phát tăng chóng mặt. Giá lương thực, dầu mỏ tăng cao đang đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Lạm phát Mỹ tăng 300%?
Theo website Examiner của Mỹ, lạm phát Mỹ đã có mức tăng lớn nhất từ trước đến nay ở mức 0,2% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4% trong tháng 1-2011. Dù mức này thấp hơn so với nhiều quốc gia nhưng so với Mỹ là điều báo động. Mức tăng mạnh lần này được cho là do giá lương thực, nhiên liệu tăng chóng mặt. Trong tháng giêng, người lao động Mỹ đã phải tăng chi tiêu cho lương thực thực phẩm cao nhất trong vòng 1 năm qua.
Theo giới phân tích, nếu tình hình giá cả tiếp tục leo thang như hiện nay, tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong năm nay sẽ rơi vào mức 3%, tăng gần 300% so với năm 2010.
Trong khi đó, tại Anh, tỷ lệ lạm phát cũng đã tăng cao nhất trong 2 năm qua. CPI của Anh tăng lên 4% trong tháng đầu năm 2011, mức tăng cao nhất kể từ tháng 11-2008. Cơ quan thống kê quốc gia của Anh cho biết giá dầu tăng cao, vượt mức 100 USD/thùng cuối tháng 1-2011, là nguyên nhân khiến lạm phát nước này tăng phi mã.
Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ lạm phát cũng đạt mức 3%, cao kỷ lục trong 2 năm qua. Bulgaria và Hungary cũng thông báo mức lạm phát tăng hơn 4% trong tháng 1-2011…Mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí Economist của Anh nhận định mối lo ngại lớn nhất với kinh tế thế giới hiện nay chính là tác động của việc giá cả nhiên liệu và thực phẩm đang tăng mạnh, làm lạm phát bùng lên ở nhiều nước. Đây là vấn đề đặc biệt “đau đầu” đối với các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Brazil, nhưng các nước phát triển cũng không tránh khỏi bị tác động. EIU dự báo lạm phát toàn cầu trong năm 2011 sẽ ở mức 3,3%, cao hơn mức dự báo 2,7% được đưa ra tháng trước. Theo EIU, các ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Dự báo Ngân hàng Anh sẽ nâng lãi suất trong quý 2-2011, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ thực hiện việc này vào đầu năm 2012. Tình hình ở các nước đang phát triển có phần hơi khác, vì nhiều nước đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, các nước này sẽ vẫn phải nâng lãi suất hơn nữa để có thể giữ lạm phát trong tầm kiểm soát.
Một quầy bán thịt heo tại chợ Dorogomilovsky ở Mátxcơva, Nga.
Bài toán lương thực
Ở các quốc gia đang phát triển, lương thực chiếm tỷ lệ lớn trong chi tiêu của các gia đình khi chiếm trên 30%. Giá lương thực tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lạm phát tăng mạnh ở các quốc gia này.
Mới đây, khu vực Trung Á tiếp tục được liệt vào danh sách các khu vực đáng báo động về giá lương thực tăng cao. Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick, người dân Trung Á phải dành phần lớn ngân sách gia đình, từ 50% trở lên, để mua lương thực.
Tại Tajikistan, một bao bột 50kg vào cuối tháng 12-2010 giá chỉ khoảng từ 20-22 USD, nay đã tăng vọt lên từ 27-32 USD. Trong khi đó, lương trung bình ở Tajikistan chỉ vào khoảng 70 USD/tháng và bánh mì là lương thực chủ yếu của người dân nước này.
Nguyên nhân giá lương thực tăng trong khu vực một phần là do nạn cháy rừng ở Nga năm ngoái khiến sản lượng ngũ cốc Nga giảm, dẫn đến việc nước này ngừng xuất khẩu ngũ cốc. Tình hình nghiêm trọng đến mức Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon trong tuần qua đã kêu gọi mỗi gia đình phải tích trữ lương thực cho 2 năm. Để chặn đứng đà leo thang của giá lương thực, chính quyền Tajikistan vào cuối tuần trước đã tổ chức bán các nhu yếu phẩm với giá bù lỗ cho người dân tại thủ đô Dushanbe và các thành phố chính. Chính phủ các nước khác ở Trung Á cũng can thiệp để kiềm chế lạm phát. Chẳng hạn như tại Uzebekistan, chính quyền thường xuyên thanh tra các chợ, ấn định mức giá tối đa và tăng lương cho công nhân viên. Tại Kyrgyzstan, chính phủ có thể can thiệp vào thị trường nếu giá tăng đột ngột hơn 10%.
Bài viết “Những thách thức mới” đăng trên tờ Les Echos số ra gần đây cho rằng biến động giá cả đang gây xáo trộn trong nền kinh tế nông nghiệp trên cả hành tinh và ngày càng phức tạp hơn. Theo Les Echos, vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là giải bài toán khó về vấn đề lương thực toàn cầu.
Theo SGGP