Thể thao Việt Nam và những việc cần làm hậu SEA Games 32

Cập nhật: 22-05-2023 | 08:59:20

Sau thành tích ấn tượng tại SEA Games 32, điều giới chuyên môn quan tâm lúc này chính là việc các VĐV sẽ được duy trì chế độ tập luyện và thi đấu như thế nào. Đây luôn là vấn đề được dự luận để ý, bởi để có được thành tích cao ở khu vực và châu Á và cả quốc tế, chúng ta cần có sự đầu tư lâu dài và có kế hoạch cụ thể.


Đoàn thể thao Việt Nam thắng lớn tại SEA Games 32 nhưng để vươn ra tầm ASIAD và Olympic cần có sự đầu tư bài bản và dài hơi hơn nữa

Thành tích ấn tượng

Tại SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu giành từ 89 đến 120 HCV. Theo đánh giá của ông Đặng Hà Việt, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, về cơ bản Việt Nam đã vượt chỉ tiêu đặt ra trước khi lên đường. Những con số này cho thấy được sự phát triển mạnh mẽ của thể thao Việt Nam thời gian qua và khẳng định được vị thế ở đấu trường khu vực.

Kết thúc SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam không chỉ vượt chỉ tiêu HCV, một số VĐV xuất sắc còn phá sâu kỷ lục ở sân chơi này. Tổng cộng, các VĐV Việt Nam đã phá được 12 kỷ lục và thiết lập thêm 4 kỷ lục mới tại đấu trường SEA Games. Đặc biệt, tín hiệu đáng mừng nhất chính là việc xuất hiện nhiều VĐV xuất sắc ở các môn thể thao Olympic. Tổng số HCV ở các môn Olympic của Việt Nam là 65, Thái Lan (56 HCV), Indonesia (41 HCV) và Singapore (41 HCV).

Đáng chú ý trong số này, Việt Nam có nhiều môn thể thao trong hệ thống thi đấu Olympic và Asian Games vươn lên đứng đầu khu vực, xếp hạng nhất toàn đoàn, như: Vật (13 HCV), thể dục dụng cụ (4 HCV), Judo (8 HCV), Karatedo (6 HCV), điền kinh (12 HCV), Taekwondo (4 HCV), đấu kiếm (4 HCV), cử tạ (4 HCV), Wushu (6 HCV). Mặc dù đã thi đấu thành công và giành được HCV ở các nội dung Olympic, nhưng thành tích của các VĐV Việt Nam vẫn còn khoảng cách tương đối xa so với thành tích của châu lục và thế giới. Vậy nên, nếu muốn có được thành tích cao tại ASIAD 2023 vào tháng 9 tới đây tại Hàng Châu, Trung Quốc và Olympic 2024, thể thao Việt Nam cần tập trung đầu tư nâng cao cho các VĐV, HLV trọng điểm.

Còn hai môn chưa hoàn thành chỉ tiêu

Bên cạnh các môn Olympic đã xuất sắc vượt hoặc hoàn thành chỉ tiêu, 2 môn điền kinh và bơi chưa hoàn thành chỉ tiêu HCV đặt ra tại SEA Games 32. Trong đó, điền kinh là 14 HCV nhưng chỉ đạt được 12 HCV. Có nhiều lý do khách quan và cả chủ quan ảnh hưởng đến thành tích chung của đội như thời tiết, phong độ, nhưng nguyên nhân chính là việc điền kinh Việt Nam thiếu hụt lực lượng mạnh nhất do một số VĐV dương tính với doping tại SEA Games 31. Đối thủ trong khu vực dùng VĐV nhập tịch cũng là nguyên nhân khiến điền kinh không hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Ở môn bơi, Việt Nam xác định mục tiêu chính là ASIAD 2023. SEA Games 32 chính là bước đệm để đội đánh giá và chuẩn bị cần thiết cho đấu trường châu lục. Điều đáng mừng là các VĐV bơi đã phá được 2 kỷ lục ở nội dung 100m và 200m bướm và sự trưởng thành nhanh chóng của các VĐV trẻ như Nguyễn Thúy Hiền (14 tuổi), hay Hồ Nguyễn Duy Khoa (18 tuổi) ngay trong lần đầu tham dự SEA Games đã giành HCĐ.

Tại SEA Games 32, thể thao Việt Nam đã xuất hiện nhiều VĐV trẻ xuất sắc, giành được thành tích cao. Nhưng số lượng còn khá ít và đây là vấn đề mà những người đứng đầu ngành cần quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo VĐV trẻ… Ngoài ra, công tác xã hội hóa trong thể thao, huy động được nguồn lực từ các địa phương, các nhà tài trợ để cùng với nguồn ngân sách Nhà nước tập trung đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm, các môn thế mạnh cũng là vấn đề cần lưu tâm.

Sự thành công của 16 môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic mà các VĐV Việt Nam đạt được tại SEA Games 32 chính là tiền đề để cho thể thao Việt Nam có được cái nhìn tổng quát, để từ đó có hướng đi đúng đắn để phát triển theo đúng định hướng phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2035. Làm tốt được điều này, chúng ta sẽ có những VĐV thể thao đỉnh cao, sẵn sàng chinh phục HCV ở ASIAD hay Olympic trong thời gian sớm nhất.

“Tại SEA Games 32, nhóm các môn thể thao Olympic mang về gần 50% HCV cho Việt Nam. Nhưng thực tế, để có thể tranh chấp HCV ở ASIAD hay Olympic, con số này phải nằm ở mức 80% tại SEA Games. Nhưng việc đánh giá như vậy là rất khó vì chúng ta chưa có được cái nhìn tổng thể về các môn Olympic tại SEA Games 32. Ở lần này, nhiều môn Olympic thế mạnh của Việt Nam đã không được tổ chức, như: Đua thuyền, bắn súng, bắn cung... Các môn võ Olympic cũng chỉ được đăng ký 70% trên tổng số các nội dung thi đấu. Vì thế, việc đánh giá thành tích của các môn Olympic lần này là không toàn diện và không rõ ràng”.

(Ông Đặng Hà Việt, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32)

THÁI HẢI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=694
Quay lên trên