Đêm 16-1, Cơ quan khảo sát địa chất của Mỹ thông báo vừa xác nhận một cơn chấn động mới với cường độ 4,6 độ richter tại Haiti.
Cơn chấn động xảy ra cách thủ đô Port-au-Prince 60 km về phía Nam với tâm chấn ở độ sâu gần 10 km. Vì lý do này, một số công tác cứu trợ tại thủ đô Port-au-Prince dừng lại tạm thời.
Theo các chuyên gia, cơn chấn động này không đủ mạnh để phá hủy những công trình cơ sở hạ tầng còn nguyên vẹn nhưng nó có thể làm sập những tòa nhà đã bị hư hại trong cơn động đất ngày 12-1 vừa qua.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục có những nỗ lực nhằm giúp người dân Haiti sau thảm hoạ động đất ngày 12/1. Bộ Quốc phòng Brazil ngày 16/1 cho biết, một bệnh viện dã chiến do không quân nước này phụ trách xây dựng đã được đưa vào sử dụng tại thủ đô Port-au-Prince. Bệnh viện này có tất cả 17 trung tâm chữa trị, bao gồm phòng phẫu thuật, phòng chăm sóc đặc biệt, phòng chụp X quang, … với 48 bác sĩ quân y sẽ chăm sóc người bệnh.
Bệnh viện dã chiến này nằm gần trụ sở chính của lực lượng gìn giữ hòa bình Brazil tại thủ đô Port-au-Prince và có thể tiếp nhận điều trị cho 400 người bệnh mỗi ngày.
Chính phủ Senegan ngày 16-1 đã quyên góp ủng hộ Haiti 500.000 USD để khắc phục hậu quả sau trận động đất. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Senegan cho biết, ngoài khoản tiền hỗ trợ này, người dân Senegan còn tích cực trợ giúp người dân Haiti tái thiết bằng các hình thức khác. Tổng thống Senegan Abdoulaye Wade còn đề nghị Liên minh châu Phi đưa những người dân Haiti tị nạn đến định cư tại các nước châu Phi.
Nhân viên Hội Chữ thập đỏ Jean Zacharie bế đứa bé 1 tháng tuổi có mẹ đã chết do động đất (Ảnh AP)
Trẻ em đang là đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh nhất của trận động đất mạnh 7 độ richter, tàn phá nặng nề Haiti - đất nước nghèo nhất ở Tây bán cầu. Theo ước tính, có gần 2 triệu trẻ em Haiti trở thành nạn nhân của trận động đất, bị chết, bị thương hoặc trở thành trẻ mồ côi. Trong khi đó, tình hình tại các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi gặp rất nhiều khó khăn. Trận động đất đã phá huỷ nhiều trung tâm. Các cơ sở may mắn thoát nạn đang phải cố gắng vật lộn với tình trạng thiếu lương thực, nước sạch, điều kiện vệ sinh không được đảm bảo.
Vào thời điểm trước khi xảy ra thảm hoạ, gần 50.000 trẻ em tại các trại trẻ mồ côi vẫn đang đợi để được nhận làm con nuôi. Nhưng nay, mọi chuyện đã khác, việc nhận làm con nuôi sẽ không được thực hiện cho đến khi khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất được khôi phục trật tự. Số phận của các em vẫn là một câu hỏi. Lãnh đạo một trại trẻ mồ côi ở thủ đô Port-au-Prince cho biết: “Để có thức ăn cho bọn trẻ, chúng tôi phải tìm kiếm bột mì ở một cửa hàng nhỏ không bị sập sau trận động đất. Các em cũng đang rất thiếu nước sạch. Chúng tôi buộc phải chấp nhận mọi chuyện và chờ đợi”.
Với tất cả các dịch vụ y tế, vệ sinh cơ bản đều bị phá hủy, bệnh dịch truyền nhiễm và nhiễm bẩn không thể kiểm soát sẽ là một mối đe dọa tàn khốc nữa đối với các em.
Bộ trưởng Y tế Haiti Alex Larsen cho biết, tính đến ngày 15/1, trận động đất đã khiến hơn 50.000 người thiệt mạng, 250.000 người khác bị thương và đẩy gần 1,5 triệu người lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất". Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ nước này dự báo, số người thiệt mạng trong vụ động đất kinh hoàng mạnh tại Haiti có thể lên tới 200.000. Theo Liên Hợp Quốc, đây là thảm hoạ thiên nhiên tồi tệ nhất mà tổ chức này phải đối mặt, do những thiệt hại đối với các cơ quan nhà nước Haiti và với các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại đây
Trong khi đó, 5 ngày sau trận động đất thảm hoạ, người dân Haiti dường như đang trở nên tuyệt vọng và ngày càng mất kiên nhẫn khi chờ đợi sự giúp đỡ. Hoạt động cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện đường xá khó khăn cũng như do thiếu phương tiện giao thông. Giám đốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Liên Hợp Quốc John Holmes cho biết: “3 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề của trận động đất và cần khẩn cấp các hỗ trợ nhân đạo, không chỉ ngay lập tức lúc này mà còn trong 6 tháng tới”.
Bất chấp những khó khăn về vận tải, cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực cứu trợ người dân Haiti. Những chuyến hàng từ Brazil, Mexico, Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và nhiều nơi khác đang tiếp tục đổ về đất nước này. Liên đoàn quốc tế các tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ thông báo, một chuyến hàng cứu trợ y tế bắt đầu được chuyển tới Haiti, trong đó có 1 bệnh viện dã chiến với 50 giường, cùng các trang thiết bị phẫu thuật cần thiết. Bác sĩ Stephano Zanini thuộc Tổ chức bác sĩ không biên giới cho rằng: “Điều quan trọng lúc này là phải nhanh chóng phẫu thuật cho những ngươi bị thương. Chúng tôi có hàng nghìn bệnh nhân và phần lớn đều cần có sự phẫu thuật khẩn cấp”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và hai người tiền nhiệm, cựu Tổng thống George Bush và cựu Tổng thống Bill Clinton ngày 16/1 đã sát cánh bên nhau kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết với nhân dân Haiti. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Chúng ta đang được chứng kiến một chiến dịch nhân đạo lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ nhằm cứu trợ những người sống sót và giúp Haiti tránh một thảm hoạ nghiêm trọng. Hôm nay, cùng với hai vị Tổng thống tiền nhiệm, chúng tôi cam kết rằng, nỗ lực lịch sử này sẽ không chỉ là của Chính phủ mà còn hơn thế nữa”.
Một “Quỹ Clinton – Bush” cũng được thành lập để tiếp nhận tấm lòng hảo tâm của người dân Mỹ. Tổ chức Nông lượng Liên Hợp Quốc ngày 16-1 cũng phát đi lời kêu gọi hỗ trợ 23 triệu USD để giúp khôi phục hoạt động khai thác nông nghiệp và sửa chữa các cơ sở hạ tầng bị hư hại do động đất. Liên Hợp Quốc và Chính quyền Mỹ cũng huy động quân đội nhằm đảm bảo an ninh tại khu vực, trong bối cảnh, tình hình an ninh tại Haiti đã có những dấu hiệu đáng lo ngại khi bắt đầu xảy ra các vụ cướp bóc.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon sẽ tới Haiti trong ngày hôm nay (17-1) để bày tỏ sự đoàn kết với người dân Haiti và các nhân viên Liên Hợp Quốc người địa phương, đồng thời đánh giá những nhu cầu viện trợ nhân đạo.
Theo VOV News