Thêm một lò phản ứng ở Nhật gặp nguy, 15 người nhiễm phóng xạ

Cập nhật: 13-03-2011 | 00:00:00

 Trung tâm điện hạt nhân Fukushima sau vụ nổ ngày 12/03

Tập đoàn điện lực Tokyo (Tepco) sáng nay đã báo với chính phủ rằng lò phản ứng số 3 tại nhà máy Fukushima đã mất khả năng làm lạnh. Theo người phát ngôn hàng đầu chính phủ Nhật Bản, ông Yukio Edano, lò phản ứng này đang trong quá trình giải phóng các đám hơi nước mang phóng xạ.

Cơ quan An toàn Hạt nhân và Công nghiệp của Nhật Bản nói rằng việc hệ thống làm nguội tại lò số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã ngưng hoạt động có thể dẫn đến vụ nổ thứ hai, tiếp theo vụ nổ thứ nhất hôm qua tại lò số 1. 

Đây là lò phản ứng thứ 6 tại các nhà máy điện Fukushima 1 và Fukushima 2 bị hỏng hệ thống làm lạnh kể từ khi xảy ra động đất hôm 11/3. Thảm hoạ này làm tăng nỗi lo ngại về khả năng rò rỉ chất phóng xạ, đặc biệt nghiêm trọng là ở lò phản ứng số 1.

Cơ quan Đối phó Tình trạng khẩn cấp và hoả hoạn hôm nay xác nhận 15 người đã được phát hiện nhiễm phóng xạ tại một bệnh viện cách lò phản ứng 10km.

Hôm qua, ông Yukiya Amano, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho rằng hầu hết các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản đều hoặc không bị ảnh hưởng bởi động đất, hoặc đã được đóng cửa an toàn. Ông thừa nhận tiếp tục có những lo ngại về tình trạng của nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, khi nguồn cung cấp điện đã bị cắt sau thảm hoạ động đất-sóng thần và hệ thống làm lạnh bị tê liệt.

55 trung tâm điện hạt nhân của Nhật Bản nằm trong vùng động đất. Riêng tại vùng Sendai, nơi bị cơn địa chấn gây thiệt hại nghiêm trọng nhất, có tổng cộng 11 trung tâm điện hạt nhân, trong đó có hai trung tâm gây lo ngại đặc biệt nằm ở nhà máy điện Fukushima. Chính quyền đã phải yêu cầu dân chúng xung quanh sơ tán đi nơi khác.

Tất cả các lò phản ứng tối tân này đã ngưng vận hành một cách tự động. Tuy nhiên, tình trạng của hai trung tâm gây lo ngại đặc biệt, nhất là sau khi có tiếng nổ tại một cơ sở. Hôm qua, đích thân thủ tướng Naoto Kan ra lệnh sơ tán 45.000 dân trong một đường bán kính 20 km chung quanh trung tâm điện hạt nhân Fukushima 1.

Theo hãng thông tấn Kyodo, độ phóng xạ tại nơi đặt hệ thống kiểm soát vận hành tăng gấp 1000 lần mức bình thường. Điều đáng lo hơn nữa là theo thẩm định của Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản, rất có thể đang xảy ra hiện tượng nóng chảy trong lò phản ứng chỉ cách thủ đô Tokyo có 250 km này.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc IAEA khẳng định các quan chức Nhật Bản đã thông báo với IAEA rằng vụ nổ ở Lò phản ứng Đơn vị số 1 tại Fukushima Daiichi không làm hư hộp sắt bọc lò phản ứng. Nhiệt độ gia tăng tại lò phản ứng từ chiều 11/3 buộc quân đội Mỹ phải cung cấp hóa chất làm lạnh suốt đêm.

Nhưng không phải chỉ có một trung tâm hạt nhân gặp vấn đề. Nhiều lò phản ứng của trung tâm Fukushima số 2 cũng gặp trở ngại trong hệ thống hạ nhiệt. Công ty điện lực Tepco của Nhật Bản, quản lý các trung tâm hạt nhân trong vùng, đã được chỉ thị phải mở van an toàn để làm giảm áp suất bên trong và do vậy đã thải hơi nước có phóng xạ ra không khí bên ngoài.

Theo Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản, các biện pháp đối phó đã mang lại kết quả tương đối. Tình hình trung tâm hạt nhân Fukushima được mô tả là “gần giống với tai nạn hạt nhân ở Three Miles Island năm 1979 ở Mỹ, hơn là vụ nổ Chernobyl tại Ukraina, năm 1986, thời Liên Xô cũ”. Tại Chernobyl, kiến trúc bảo vệ bên ngoài không kiên cố nên bị nổ tung. Còn trong vụ tai nạn hạt nhân tại Mỹ năm 1979, nhờ kiến trúc bảo vệ kiên cố nên tránh được thảm họa hạt nhân.

Trong khi đó, thiệt hại nhân mạng của trận động đất và sóng thần hôm qua tại Nhật Bản không ngừng gia tăng. Đến đêm qua, số người chết và mất tích đã vượt mức 1.800.

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=467
Quay lên trên