Theo chân “người lính” môi trường thời dịch bệnh

Cập nhật: 25-02-2021 | 09:03:50

Những người làm nhiệm vụ thu gom rác thải y tế, rác thải sinh hoạt tại các khu cách ly tập trung, khu dân cư cách ly y tế được xem như những “chiến sĩ” thầm lặng trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, chung sức kiểm soát, đẩy lùi Covid -19.

Lực lượng “đặc nhiệm”

Sau lực lượng y, bác sĩ và đội ngũ trực tiếp điều trị cách ly và làm nhiệm vụ tiếp xúc gần với các trường hợp F1 ở các khu cách ly tập trung, những “người lính môi trường” được ví như “lực lượng đặc nhiệm” làm những công việc mà ít ai để ý đến. Hàng ngày, họ tiếp nhận, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại, rác thải y tế một cách thầm lặng ở các “điểm nóng” phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trong bộ đồ bảo hộ y tế kín toàn thân, anh Nguyễn Minh Hải, công nhân Chi nhánh Xử lý chất thải, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), được phân công tiếp nhận, vận chuyển xử lý nguồn thải nguy hại cho biết khi được giao nhiệm vụ thu gom nguồn thải tại các điểm điều trị và các trung tâm cách ly, anh và nhiều người trong tổ cảm thấy lo lắng khi làm việc trong môi trường nhiều nguy cơ, rủi ro. “Tuy nhiên, chúng tôi được tập huấn, trang bị bảo hộ đầy đủ. Tất cả đều làm đúng quy trình nên đến nay việc tiếp nhận, vận chuyển, xử lý đều bảo đảm an toàn tuyệt đối. Chúng tôi đã quen làm việc với quy trình dành riêng cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không còn cảm thấy lo lắng như trước”, anh Hải tự tin chia sẻ.

Rác đến khu xử lý tiếp tục được phun xịt khử khuẩn

 Chất thải, rác thải y tế tiếp tục được phun xịt khử khuẩn khi được đưa vào băng chuyền đưa đến lò đốt

Cùng chung suy nghĩ tích cực về ý nghĩa công việc mà mình đang làm nhằm góp phần cho công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, anh Vương Minh Nghệ cho biết được chọn tham gia làm nhiệm vụ cùng các thành viên, lúc đầu cũng mang tâm trạng lo lắng như nhiều người khác. Nhưng khi thấy ý nghĩa của công việc sẽ giúp công tác phòng, chống dịch bệnh nên tất cả thành viên trong tổ đều quyết tâm làm tốt nhiệm vụ. “Chúng tôi mong muốn với công việc bé nhỏ của mình sẽ góp phần cùng tất cả lực lượng làm nhiệm vụ sớm đạt kết quả trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, anh Nghệ vui vẻ nói.

Có thể nói, dù không tiếp xúc với bệnh nhân cũng như các trường hợp đang thực hiện cách ly, nhưng hàng ngày phải làm nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển nguồn chất thải, rác thải y tế tại các địa điểm được giao nếu không tuân thủ đầy đủ quy trình thì không những bản thân họ mà cộng đồng sẽ đối diện với nhiều nguy cơ dịch bệnh, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Quy trình xử lý chất thải đặc biệt

Việc thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại, rác thải y tế nhiều năm qua tại Chi nhánh Xử lý chất thải, Công ty Biwase không xa lạ gì đối với công nhân môi trường. Thế nhưng câu chuyện bệnh nhân 1979 làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất ở khâu bốc dỡ hành lý, ít tiếp xúc với hành khách nhưng vẫn bị nhiễm bệnh cũng là lời cảnh báo. Bệnh nhân này sau đó lây cho người em là bệnh nhân 1980 ở cùng căn hộ tại khu C2, chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An càng chứng minh nguy cơ vi rút phát tán ra môi trường xung quanh, lây nhiễm qua các vật dụng trung gian như hành lý xách tay, vật dụng sinh hoạt… là rất lớn. Điều này đòi hỏi nhiệm vụ bảo đảm an toàn trong công tác xử lý rác thải y tế, rác thải sinh hoạt tại khu điều trị, cách ly trên địa bàn cần phải được chú trọng đúng mức.

Chúng tôi đã có hành trình theo chân các “chiến sĩ” môi trường để ghi lại toàn bộ quá trình tiếp nhận, vận chuyển và đến điểm cuối là lò đốt chất thải nguy hại ở Chi nhánh Xử lý chất thải thuộc Biwase ở phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát. Rác thải từ khi tiếp nhận tại các địa điểm cách ly, cơ sở điều trị dù đã được phun xịt khử khuẩn, nhưng khi đến khu xử lý, chất thải tiếp tục được phun xịt khử khuẩn thêm lần nữa mới được phép đưa vào bên trong khuôn viên khu xử lý. Tại lò tốt, các thùng chứa thất thải, rác thải tại cơ sở điều trị cách ly, các điểm cách ly một lần nữa tiếp tục được phun xịt khử khuẩn trước khi được băng chuyền đưa vào lò đốt nhiều cấp độ khác nhau, nhiệt độ cao nhất lên đến hơn 1.100 độ C.

Tiếp chúng tôi tại khu xử lý chất thải, ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải, cho biết từ khi nhận nhiệm vụ của Ban giám đốc công ty giao, chi nhánh đã xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý mà trước nay chưa bao giờ có đó là “quy trình Direct”. Theo ông Thắng, đây là “quy trình đi thẳng” lần đầu tiên công ty áp dụng kể từ khi tham gia vận chuyển chất thải tại cơ sở điều trị, cách ly. Quy trình Direct bảo đảm từ nơi tiếp nhận rác thải, chất thải đi thẳng về đến nơi xử lý mà không dừng, ghé tiếp nhận thêm chất thải ở bất kỳ địa điểm nào.

“Nếu như trước đây khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, trung bình mỗi ngày xe thu gom chất thải, rác thải y tế có thể đến tiếp nhận khoảng 20 địa điểm thì nay chỉ còn một địa điểm duy nhất từ nơi tiếp nhận đi thẳng về nơi xử lý. Ngoài ra, việc trang bị bảo hộ cho công nhân cũng tuân thủ theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Số lượng nhân viên cũng tăng từ 3 lên 5 người trong một tổ nhằm bảo đảm các khâu tiếp nhận, xử lý, khử khuẩn đúng yêu cầu của công ty cũng như cơ quan y tế”, ông Thắng nói.

Ông Thắng chia sẻ thêm, “Quy trình đi thẳng” nói trên cũng đã gia tăng chi phí đáng kể so với trước đây. Nhân sự và phương tiện, trang bị bảo hộ, hóa chất xừ lý đều phải tăng cường để bảo đảm việc tiếp nhận, vận chuyển chỉ dành riêng cho từng khu riêng biệt từ nơi tiếp nhận về nơi xử lý. Tuy gia tăng chi phí nhưng công ty đã quyết định không tăng giá với mong muốn cùng góp sức cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.

Những ngày đầu xuân Tân Sửu 2021, chúng tôi có dịp theo sát, ghi nhận toàn bộ quá trình tiếp nhận, xử lý chất thải, rác thải từ các khu điều trị cách ly, điểm cách ly tập trung và khu khoanh vùng cách ly y tế trên địa bàn tỉnh mới thấy được trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” đã có những “người lính” làm nhiệm vụ một cách thầm lặng. Công việc của họ vẫn chưa dừng lại, hàng ngày họ vẫn cần mẫn đóng góp công sức cho “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh đang còn tiếp diễn…

Ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải, Công ty Biwase cho biết trong những ngày qua đơn vị đã thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy trình rác thải nguy hại, rác thải y tế tại các điểm cách ly tập trung, khoanh vùng cách ly y tế tại địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An và huyện Phú Giáo được 76,9 tấn. Trong đó địa bàn phường Phú Hòa 68 tấn; TP.Thuận An 5,1 tấn và huyện Phú Giáo 3,8 tấn. Toàn bộ rác thải y tế, rác thải sinh hoạt tại các địa điểm được phun xịt thuốc khử khuẩn nhiều lần, trải qua nhiều công đoạn từ khi tiếp nhận đến khi xử lý tại lò đốt đúng quy trình theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=939
Quay lên trên