Thi đua chuyển đổi số

Cập nhật: 18-08-2023 | 11:48:17

Thi đua chuyển đổi số (CĐS) là một trong những mục tiêu quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Dầu Tiếng. Với mục tiêu tạo đột phá trong giai đoạn 2023-2025, toàn huyện quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa CĐS để địa phương phát triển bền vững.

Lấy người dân làm trung tâm

Với quan điểm “lấy người dân làm trung tâm của quá trình CĐS”, các cấp, các ngành của huyện Dầu Tiếng đã tập trung CĐS trong hoạt động, đời sống thường ngày, phục vụ lợi ích của người dân. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, thị trấn Dầu Tiếng đã chú trọng thực hiện tốt văn hóa ứng xử và giao tiếp nơi công sở, xây dựng “Chính quyền thân thiện của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” và “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Qua triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình, từ đầu năm đến nay UBND thị trấn đã tiếp nhận 934/1.164 hồ sơ trực tuyến của cá nhân, tổ chức, đạt 80,24% tổng số hồ sơ.


Đoàn viên, thanh niên huyện Dầu Tiếng hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Đặc biệt, toàn thị trấn đưa vào thực hiện quy trình ISO với 137 thủ tục hành chính, đạt 100% kế hoạch. 2 mô hình sáng kiến tiêu biểu về lĩnh vực hộ tịch và bảo trợ xã hội mà thị trấn đã triển khai đạt kết quả cao là mô hình hướng dẫn cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến toàn trình thông qua ứng dụng mã QR để quét và hướng dẫn người dân thực hiện các hồ sơ, thủ tục xét hưởng các chế độ bảo trợ xã hội tại bệnh viện, trạm y tế.

Trao đổi với P.V, ông Bùi Văn Hòa, Chủ tịch UBND thị trấn Dầu Tiếng cho biết: Hiện trên địa bàn thị trấn đã xây dựng mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng. Bằng hình thức “cầm tay, chỉ việc”, các tổ công nghệ số cộng đồng thao tác cụ thể trên máy, hướng dẫn người dân truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ cách thức sử dụng tài khoản, thực hiện quy trình các bước nộp hồ sơ trực tuyến; cài đặt, đăng ký và sử dụng các ứng dụng VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt... “Hiện thị trấn đang rà soát, xác định chỉ số cải cách hành chính hàng năm, nắm rõ khó khăn, hạn chế và đề ra biện pháp khắc phục. Thị trấn cũng tập trung nguồn lực, tăng cường tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong cải cách hành chính và trong từng nếp sống, nếp nghĩ của người dân”, ông Bùi Văn Hòa chia sẻ.

Ông Đinh Hạ Tỳ, ở khu phố 2, thị trấn Dầu Tiếng cho biết: “Năm nay tôi 60 tuổi, từ trước đến nay có biết công nghệ là gì đâu. Cán bộ thị trấn, khu phố đến nhà vận động, tuyên truyền, giới thiệu cài đặt các phần mềm, ứng dụng trên điện thoại. Qua vài lần thao tác, tôi đã sử dụng được phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giao dịch giấy tờ liên quan đến thủ tục hành chính”.

Tạo đột phá bằng phong trào thi đua

Nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, thị trấn và khu phố, ấp trong CĐS, UBND huyện Dầu Tiếng đã phát động phong trào thi đua CĐS giai đoạn 2023-2025. Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng khẳng định: Phong trào hứa hẹn tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hướng đến sự phát triển bền vững của huyện.

Để phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, UBND huyện chú trọng ưu tiên đẩy mạnh thi đua CĐS ở một số lĩnh vực, như: Quy hoạch và quản lý đô thị; sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, logistics, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch. Theo đó, toàn huyện phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp dưới dạng toàn trình và một phần; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa của tỉnh được xác thực; 70% hồ sơ công việc trên toàn huyện được xử lý trên môi trường mạng; 100% các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, tác nghiệp, tạo ra dữ liệu số hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ thương mại điện tử đạt từ 50% trở lên và trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.

Để thúc đẩy lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, CĐS, huyện Dầu Tiếng đang tạo hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ cho việc tổ chức thực hiện. Ông Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh: Để đạt được thành công trong lĩnh vực CĐS, bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của chính quyền địa phương thì nhận thức, nhu cầu của người dân phải được nâng lên ở tầm cao mới. Hiện nay, rất nhiều thủ tục đã được đơn giản, chuẩn hóa nhưng số lượng hồ sơ phát sinh nộp trực tuyến vẫn chưa nhiều.

“Thời gian tới, cùng với việc đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu từ huyện đến xã, giữa các cơ quan, đơn vị, huyện Dầu Tiếng tiếp tục hoàn thiện nền tảng CĐS trên cả 3 lĩnh vực trụ cột là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. 3 nền tảng này sẽ tạo đà cho người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia, thực hiện CĐS”, ông Nguyễn Phương Linh nói.

Huyện Dầu Tiếng là 1 trong 9 huyện, thị, thành phố đi đầu trong việc hoàn thành kích hoạt tài khoản định danh điện tử theo Đề án 06 của Chính phủ. Tính đến nay, toàn huyện đã thu nhận gần 72.000 tài khoản định danh điện tử, đạt 152% chỉ tiêu được giao và kích hoạt trên 53.000 tài khoản, đạt 113% chỉ tiêu được giao.

HOÀNG LINH - TÚ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên