Hôm qua (9-7), hơn 633.000 thí sinh đã hoàn thành ngày thi đầu tiên của đợt thi thứ 2. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đề thi các khối B, C, D và các khối năng khiếu dễ thở hơn so với đợt thi đầu tiên. Ngoài ra, với tính chất phức tạp của đợt thi này, tình trạng thí sinh vi phạm quy chế tuyển sinh cũng tăng vọt.
Kết thúc ngày thi đầu tiên của đợt thi thứ 2, báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT cho thấy, tổng số thí sinh đến dự thi trên 633.000, đạt tỷ lệ trên 80% so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.
Đây là đợt thi có nhiều môn thi tự luận, vì vậy số thí sinh vi phạm quy chế tuyển sinh cũng tăng vọt lên đến 107 thí sinh so với ngày thi đầu tiên của đợt thi thứ nhất (60 thí sinh). Lỗi vi phạm chủ yếu do mang điện thoại di động và tài liệu vào phòng thi. Trong đó, thí sinh bị khiển trách 15, cảnh cáo 2, đình chỉ 90 (41 thí sinh mang điện thoại di động). Trong ngày thi đầu tiên của đợt thi đại học thứ 2 có 2 cán bộ coi thi bị cảnh cáo (ĐH Quốc gia TP.HCM) và bị đình chỉ coi thi do sử dụng điện thoại đi động (ĐH Vinh).
Giám thị tại Hội đồng thi Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM kiểm tra phiếu báo danh thí sinh trước khi vào phòng thi.
Tại Hà Nội, công an điều tra một thí sinh dùng điện thoại di động. Ở giờ môn thi Văn, vào lúc 8 giờ 30, tại phòng thi số 26 tại Trường THPT Ngô Thì Nhậm (huyện Thanh Trì, Hà Nội), thuộc Hội đồng thi của Viện ĐH Mở Hà Nội, sau 1 giờ làm bài, giám thị phát hiện một nữ thí sinh lúi húi, có nhiều biểu hiện không bình thường. Qua kiểm tra phát hiện thí sinh này cài điện thoại di động vào cạp quần, gắn cả tai nghe (thí sinh thực hiện các thao tác này tại phòng vệ sinh, trước giờ vào phòng thi). Để che mắt giám thị, thí sinh luồn dây qua áo ngắn và lấy tóc phủ kín. Thí sinh này bị lập biên bản, đình chỉ thi và giao cho lực lượng chức năng xử lý theo quy định.
Theo Trung tá Lê Hùng, Đội trưởng Đội An ninh giáo dục Phòng PA 83 Công an TP Hà Nội, thí sinh này tên là Đ.T.P. (Đông Anh, Hà Nội), dùng điện thoại để nhắn tin cho em trai là Đ.V.H. nhờ giải giúp câu số 3, đề Văn khối D. Công an Hà Nội đã xác định, đây không phải là đường dây có tổ chức mà chỉ xuất phát từ quan hệ cá nhân; đề thi chưa bị phát tán ra bên ngoài. Do đó, Đ.T.P. và Đ.V.H. đã được cơ quan công an cho về nhà.
Trong khi đó, tại cụm thi TP.HCM, kết thúc ngày thi hôm qua nhiều hội đồng cũng đã phát hiện và đình chỉ nhiều thí sinh mang điện thoại di động, tài liệu vào phòng thi. Ngoài ra, tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, một thí sinh báo bị mất giấy báo thi và mang phiếu số 2 đến đề nghị trường cấp lại giấy báo thi. Qua xác minh, trường phát hiện đây là phiếu giả. Tuy nhiên, thí sinh này ngay lập tức đã bỏ chạy…
Nhận xét đề
Đề Sinh: Chỉ 10% câu hỏi dành cho thí sinh trung bình
Đề thi năm nay có đến 90% số câu dành cho học sinh khá giỏi và chỉ 10% câu dành cho học sinh trung bình. Một số câu lý thuyết có vẻ như đơn giản nhưng cách đặt vấn đề hay nên chỉ những học sinh có suy luận mới có khả năng làm đúng. Lấy mã đề 357 làm ví dụ, câu 19 cho một tỷ lệ của thể đồng hợp lặn của quần thể P, sau đó cho tỷ lệ đồng hợp lặn ở F1 do ngẫu phối nên học sinh dễ nhầm tần số alen ở P theo cách tính quần thể cân bằng.
Câu 24 có phần chọn đáp án cho tần số kiểu gen Aa đều giống nhau ở cả A, B, C, D buộc học sinh phải tính thêm một bước mới chọn đúng đáp án. Một số bài toán đòi hỏi trong quá trình học tập phải được thầy cô rèn luyện kỹ năng mới có phương hướng tính đúng và nhanh. Đặc biệt, phần dẫn khi câu hỏi khá dài nên học sinh khó khăn khi vừa tập trung đọc đề vừa viết các dữ kiện ra giấy và thao tác bấm máy tính để giải toán chính xác. Nhìn chung đề thi phân hóa học sinh theo trình độ tăng dần từ thấp đến cao chứ không phân hẳn nhóm điểm rất thấp và nhóm điểm rất cao. Khó có học sinh đạt điểm 10.
GV Đỗ Thành Triết
(Trường THPT Vĩnh Viễn)
Đề Văn: Khối D khó hơn khối C
Điều thú vị là đề thi Văn khối D năm nay “lội ngược dòng” quy định khó hơn cả đề văn khối C. Câu I theo cấu trúc đề thi là kiểm tra kiến thức nhưng thực chất lại yêu cầu thí sinh phải thao tác phân tích và cảm thụ. So với câu I khối C thì khó hơn nhiều. Ở câu II là kiểu đề không khó, nhưng để giải thích bình luận và làm nổi bật luận đề thì hơi “khó nuốt” với thí sinh khối D. Phần lớn các em chỉ nói được vế sau “trước hết hãy là người có ích”, còn vế đầu sẽ có nhiều thí sinh trình bày lủng củng, rời rạc, các em chủ yếu chỉ lấy được 1/3 số điểm của câu này.
Ở phần nghị luận văn học, câu III.a chỉ dành cho những thí sinh có tâm hồn nhạy cảm, có khả năng cảm thụ sâu sắc và thực sự yêu văn chương. Để hiểu được nét “trữ tình đượm buồn” vừa là một phong cách nghệ thuật, vừa là nội dung, hoàn cảnh đời sống của con người phố huyện trong thiên truyện, quả thật không dễ dàng. Câu III.b khá dễ vì kiểu đề thế này học sinh thi tốt nghiệp THPT cũng đã thực hiện được điểm cao rồi. Đề thi khối D năm nay hay, có độ khó vừa phải, có tính phân loại hợp lý, phù hợp với một kỳ tuyển sinh đại học.
Đề Văn khối C: Chỉ ở tầm kiểm tra học kỳ
Đề thi khối C năm nay dễ, thậm chí còn dễ hơn đề thi khối D. Câu I và câu II hoàn toàn không khó đối với thí sinh học ban C, đều là những câu quen thuộc. Ở câu III.a (5 điểm) dành cho chương trình nâng cao, trọng tâm của câu hỏi là “cảnh cho chữ” nhưng đề thêm từ “tình huống truyện” khiến nhiều thí sinh bối rối. Đây là đề không đánh đố, nhưng chỉ dành cho thí sinh thông minh và bình tĩnh. Câu III.b (5 điểm) dành cho chương trình chuẩn, đây là câu đã ra năm 2005.
Thế nhưng, năm nay chỉ là một đoạn trong phần thơ Đất Nước, chỉ ở tầm thi kiểm tra học kỳ. Vì vậy, thí sinh sẽ dễ dàng có điểm ở câu này. Tính phân loại của đề thi năm nay không nằm ở mức độ khó và dễ mà là cần thí sinh học hết chương trình lớp 11 và 12 một cách chu đáo hay không. Tóm lại, đề thi không lạ, nhưng vẫn đảm bảo được sự phân hóa và đó chính là sự độc đáo của đề thi năm nay.
GV Lý Tú Anh, Phan Thị Thanh
(TT Luyện thi Đại học Vĩnh Viễn – TP.HCM)
Đề Toán: Vừa sức
Ở khối B, đề Toán năm nay dễ hơn so với năm 2010, kiến thức chủ yếu tập trung 80% trong chương trình lớp 12, phần còn lại thuộc về chương trình lớp 11 và lớp 10. Câu khó nhất là câu 5 tuy “dễ thở” hơn năm trước nhưng cũng chỉ dành cho những thí sinh giỏi mới làm được câu này. Đề thi Toán khá hay, phù hợp với kỳ thi tuyển sinh vì vừa kiểm tra được kiến thức, kỹ năng căn bản của chương trình phổ thông vừa có những bài toán dạng lạ để phân loại trình độ thí sinh, chẳn hạn như 2 câu hình học phẳng nằm trong chương trình, nhưng là dạng toán lạ chỉ dành cho học sinh khá giỏi.
Năm nay, Bộ GD-ĐT có sự điều chỉnh trong việc ra đề toán khối D phù hợp hơn so với các năm trước, tức là dễ hơn so với toán khối A và B. Năm nay, đề không có nhiều câu quá khó, phù hợp hơn với yêu cầu đánh giá trình độ của thí sinh khối D.
TS Nguyễn Phú Vinh
(Trưởng Khoa Khoa học cơ bản Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)
Đề Sử: Nói không với học vẹt
Đề Sử năm nay thuộc mức khó, nếu như đề các năm trước chỉ từ 1-2 câu yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức, suy luận để giải quyết yêu cầu, đề năm nay hầu hết cả 4 câu đều yêu cầu thí sinh phải biết vận dụng. Ngay câu đầu tiên, đề ra ở chương trình lớp 11 khiến đa phần thí sinh bất ngờ, lúng túng và dễ mất bình tĩnh làm bài. Ở câu này, nếu không hiểu rõ yêu cầu của đề thì dễ bị lạc đề vì chọn sai mốc thời gian. Các câu còn lại cũng yêu cầu thí sinh không chỉ học thuộc lòng mà còn phải biết vận dụng, suy luận để so sánh 2 vế.
Câu số 3 là câu hay nhưng lại mang tính đánh đố, thí sinh rất dễ mắc bẫy, nếu chọn sai sự kiện ở yêu cầu đầu tiên sẽ kéo theo trình bày sai về ý nghĩa của sự kiện đó. Đề thi Sử năm nay cho thấy sự thay đổi rõ nét trong cách ra đề thi tuyển sinh đại học là tránh việc học tủ, học vẹt, đòi hỏi thí sinh phải hiểu và vận dụng được kiến thức. Tuy nhiên, “sạn” duy nhất của đề năm nay nằm ở câu 4b khi người ra đề chọn một vấn đề không hay, không thuộc trọng tâm quan trọng của chương trình lịch sử.
GV Đoàn Văn Đạo (TT luyện thi ĐH Vĩnh Viễn)Theo SGGP