Thị trường bán lẻ Bình Dương - cuộc cạnh tranh sòng phẳng: Vốn ngoại đầu tư mạnh vào hạ tầng thương mại

Thứ năm, ngày 29/05/2014

Kỳ 1: Vốn ngoại đầu tư mạnh vào hạ tầng thương mại

Thị trường bán lẻ của Bình Dương phát triển nhanh chóng đã hấp dẫn nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại (ST, TTTM). Sự tham gia phong phú này đã tạo ra sân chơi cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng hàng hóa và cung cách phục vụ…

 

Khách hàng mua sắm tại Metro Cash & Carry Bình Dương Ảnh: T.HỒNG

Nhiều “ông lớn” có mặt

Với hơn 1,7 triệu dân, hơn 17.500 DN trong và ngoài nước, thị trường có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gần 90.000 tỷ đồng/ năm cùng mức tăng trưởng trên 24% hiện nay, Bình Dương đang là miền đất hứa cho DN trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào lĩnh vực ST, TTTM. Chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống ST, TTTM tại Bình Dương phát triển nhanh chóng về số lượng và quy mô.

Sớm nhất từ nguồn vốn FDI đầu tư vào ST, TTTM là Tập đoàn đa quốc gia Metro Cash&Carry. Tháng 11-2010 ST Metro Bình Dương đã chính thức khai trương với hạ tầng hiện đại trên diện tích hơn 2 ha. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, ST Metro đã góp phần đáp ứng tốt về nhu cầu hàng hóa cho các DN, hộ kinh doanh, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Sau Metro Cash&Carry, Tập đoàn Big C đã đưa vào hoạt động 2 ST tại TP.Thủ Dầu Một và TX.Dĩ An.

Tiếp tục đầu tư vào Bình Dương, Lotte Mart, một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc cũng đưa vào hoạt động TTTM tại TX.Thuận An vào cuối năm 2013. Theo quy hoạch, quy mô TTTM Lotte Mart được xây dựng trên khu đất rộng 21.300m2, với tổng diện tích sàn thương mại lên đến khoảng 30.000m2. Có tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD, Lotte Mart vừa là TTTM bán lẻ, vừa tích hợp các tiện ích cao cấp như rạp chiếu phim quốc tế, khu vui chơi giải trí, bowling, mua sắm, ST, dịch vụ ẩm thực... nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí của người dân Bình Dương và vùng lân cận.

Nổi bật trong đầu tư vào lĩnh vực ST, TTTM với số vốn lớn từ nguồn FDI là dự án TTTM Aeon Bình Dương do Tập đoàn Aeon nổi tiếng của Nhật Bản đầu tư 95 triệu USD. TTTM này kế cận KCN Việt Nam - Singapore 1 (TX.Thuận An) trên diện tích 6 ha; quy mô TTTM được xây dựng 3 tầng với tổng diện tích xây dựng lên đến 75.000m2, trong đó diện tích kinh doanh 45.000m2. Theo ông Yasuo Nishitohge, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam, đến nay dự án triển khai gặp nhiều thuận lợi và đúng kế hoạch đề ra, dự kiến đầu tháng 11-2014 TTTM sẽ đi vào hoạt động và sẽ tạo việc làm ổn định cho hơn 1.500 lao động.

Kích cầu phát triển

Theo cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kể từ ngày 1-1-2009, Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ phân phối bán lẻ cho các DN 100% vốn FDI. Kể từ đó đến nay, đầu tư của các nhà bán lẻ vào Bình Dương trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Sự tham gia của thành phần kinh tế này đã góp phần đáp ứng tốt về nhu cầu hàng hóa cho nhân dân và các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh; đồng thời tạo cú hích cho lĩnh vực tiêu dùng phát triển nhanh. Với tiềm năng hiện có, ngoài các nhà đầu tư trên, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của nhiều nước khác như Pháp, Singapore… cũng đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Bình Dương.

Sự tham gia của nguồn vốn FDI vào ST, TTTM còn góp phần đưa xu hướng tiêu dùng phát triển theo hướng văn minh hiện đại, bảo đảm cung cấp phần lớn nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu vào các dịp lễ, tết… Ngoài ra, còn góp phần đưa tổng mức bán lẻ của tỉnh tăng nhanh. Hơn nữa, sự tham gia của nguồn FDI vào ST, TTTM sẽ cùng các nhà đầu tư trong nước tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Để tồn tại, phát triển bền vững và thu hút khách hàng, việc tự hoàn thiện mình và nâng cao chất lượng phục vụ là việc các nhà đầu tư phải tập trung chú trọng và hưởng lợi nhiều nhất chính là người tiêu dùng Bình Dương.

Chỉ trong thời gian ngắn nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực ST, TTTM tăng nhanh. Các nhà đầu tư nhận định, ngoài các yếu tố như dân số, sức mua, tăng trưởng nhanh thì Bình Dương còn có nhiều yếu tố quan trọng khác. Cụ thể, Bình Dương nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm, nơi có nền công nghiệp và thương mại - dịch vụ phát triển mạnh. Mặt khác, tốc độ phát triển kinh tế của Bình Dương và khu vực trong những năm gần đây luôn đạt mức cao. Hơn nữa Bình Dương được đánh giá có tiềm năng bởi hệ thống cơ sở hạ tầng đang phát triển nhanh, kết nối giao thông thuận tiện đến các thành phố và tỉnh, thành lân cận như TP.Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai… Thông qua quốc lộ 13 hiện hữu, đường Mỹ Phước - Tân Vạn và các tuyến đường kết nối khác đang tạo lợi thế để lĩnh vực bán lẻ phát triển nhanh và bền vững là điều luôn hấp dẫn DN đầu tư.

Chính vì các yếu tố trên, khi đầu tư vào Bình Dương, Tập đoàn Lotte đã cho rằng, Bình Dương là địa phương có môi trường tốt để phát triển ST, TTTM. Đây là địa phương mà Tập đoàn Lotte đã ưu tiên chọn lựa đầu tư trong chiến lược phát triển mạng lưới lên 50 TTTM Lotte Mart tại Việt Nam. Cũng như Lotte, ông Yasuo Nishitohge, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết, đánh giá cao môi trường đầu tư lĩnh vực ST, TTTM của Bình Dương nên TTTM Aeon tại Bình Dương là một trong 2 TTTM đi vào hoạt động sớm nhất trong chiến lược phát triển 20 TTTM tại Việt Nam đến năm 2020 của tập đoàn.

Kỳ 2: Thương hiệu nội không chậm chân

 

 T.MINH