Tuy được nhận định là khởi động chậm so với mọi năm, nhưng hiện các mặt hàng bánh, kẹo, mứt các loại phục vụ Tết Quý Tỵ năm 2013 đã vào mùa bán buôn sôi động.
Diễn biến thị trường cho thấy những sản phẩm sản xuất trong nước đang chiếm được cảm tình của người tiêu dùng với nguồn cung dồi dào, chủng loại phong phú, dù giá cả có tăng khoảng 10% so với năm trước.
Mứt Tết tăng giá 5-10%
Tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM như: An Đông, Bình Tây... những ngày này, không khí bán buôn, giao nhận hàng hóa diễn ra rất nhộn nhịp. Những khu vực kinh doanh bánh, kẹo, mứt Tết... đều trưng bày, giới thiệu đa dạng sản phẩm với nhiều chủng loại khác nhau, đặc biệt là nhiều sản phẩm mới được đưa ra thị trường dịp này.
Người dân mua sắm bánh, kẹo tại siêu thị Big C, TP.HCM. Theo tiểu thương, thị trường mứt tết năm nay có giá chỉ tăng nhẹ 5-10%, so với năm trước. Các cơ sở sản xuất tập trung khai thác các dòng sản phẩm truyền thống và tăng cường cải tiến mẫu mã, bao bì để hút khách hàng.
Tuy nhiên, một số sản phẩm hướng đến đối tượng phục vụ là khách hàng mua để biếu, tặng… có giá bán khá đa dạng, do được đầu tư khá kỹ về hương vị, hình dáng, chất lượng. Cụ thể, giá bán lẻ phổ biến của các loại mứt bí đũa 75.000 đồng/kg, bí tâm 83.500 đồng/kg, dừa 129.900 đồng/kg, gừng 119.000 đồng/kg, me 155.000 đồng/kg, mãng cầu 119.900 đồng/kg.
Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng ngày càng thận trọng trong việc tiêu dùng thực phẩm, nên các chủ hàng chủ yếu kinh doanh các dòng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác và đóng gói bao bì theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các loại mứt tết gồm mãng cầu, me, gừng, dừa… được đóng gói riêng biệt từng sản phẩm hoặc theo trọng lượng, với bao bì đảm bảo và mẫu mã bắt mắt; đồng thời giá bán cũng được niêm yết cụ thể.
Ngoài mứt tết các loại, nhà sản xuất còn đẩy mạnh sản lượng các loại mặt hàng khác để phục vụ nhu cầu thị trường, trong đó hạt dưa có giá 122.900 đồng/kg, hạt điều 314.900 đồng/kg, hạt bí 209.900 đồng/kg, hướng dương 79.900 đồng/kg, hạnh nhân 315.900 đồng/kg...
Một số loại kẹo đặc sản cũng được kinh doanh rộng rãi trên thị trường với giá tăng không đáng kể so với ngày thường: nha đam dẻo 99.900 đồng/kg, khoai lang 75.900 đồng/kg, môn dẻo 109.900 đồng/kg...
Bà Nguyễn Minh Hà, tiểu thương chợ Bình Tây, cho biết nét độc đáo của thị trường bánh kẹo, mứt Tết năm nay là có nhiều sản phẩm đặc sản từ các vùng miền quy tựu về thành phố. Các cơ sở sản xuất ở các tỉnh, thành đã về thành phố chào hàng từ rất sớm, giới thiệu những mặt hàng độc đáo, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên được thị trường đón nhận.
Hiện sản phẩm đặc sản, không chỉ tiêu thụ trong hệ thống bán lẻ, siêu thị tại TP.HCM mà còn được thương nhân phân phối đi nhiều tỉnh, thành khác ở miền Trung, miền Bắc.
Bánh, kẹo nội phong phú
Hiện nay, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã đi vào chiều sâu và nhận được sự hưởng ứng đông đảo của người tiêu dùng, nhờ đó trong mùa tết năm nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực bánh, kẹo đã mạnh dạn giới thiệu ra thị trường những sản phẩm đa dạng về mẫu mã, phong phú về loại, với giá cả phù hợp.
Công ty Kinh Đô tăng 20% sản lượng so với năm ngoái và đưa ra thị trường khoảng 3.800 tấn bánh, kẹo các loại để phục vụ Tết Quý Tỵ năm 2013. Những dòng sản phẩm của đơn vị này đang thu hút sự quan tâm của khách hàng gồm có Cookies thượng hạng, nhãn hàng mới Cosy... Nhiều dòng sản phẩm quen thuộc với người tiêu dùng cũng được thay đổi bao bì tết độc đáo như bánh AFC, khoai tây Slide, kẹo Choco...
Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bibica cho biết, công ty đã thực hiện dự trữ nguyên liệu đầy đủ và huy động 100% công suất để sản xuất bánh, kẹo tết. Nhờ vậy, từ đầu tháng 12, hàng tết của Bibica đã phân phối ra thị trường. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng bánh kẹo không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, Bibiaca tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, tiếp thị, dùng thử sản phẩm… tại nhiều địa bàn dân cư ở các tỉnh, thành, để người tiêu dùng được tiếp cận những hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp.
Theo các nhà bán lẻ, hiện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh, kẹo trong nước chiếm khoảng 70% thị phần, còn lại là bánh, kẹo nhập khẩu từ các nước khác. Tuy nhiên năm nay, lượng bánh kẹo ngoại có xu hướng giảm đáng kể.
Tại những tuyến đường thuộc khu vực trung tâm thành phố như Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ..., các sản phẩm bánh, kẹo Tết được bày bán chủ yếu là của các thương hiệu Việt.
Ông Phạm Văn Minh, chủ cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, cho biết, những sản phẩm kinh doanh của đơn vị này hầu hết là hàng sản xuất trong nước. Ngoài những nhãn hiệu bán chạy trên thị trường, cửa hàng cũng bày bán các sản phẩm của những cơ sở sản xuất nhỏ, nhưng phải là hàng chất lượng; đảm bảo bao bì, nhãn mác và mẫu mã đẹp.
Theo TTXVN