Thị trường bất động sản miền đông: Bình Dương đang sáng giá

Cập nhật: 26-05-2010 | 00:00:00

Chỉ trong vòng 1 năm nay, các công ty bất động sản (BĐS) đã công bố hàng loạt dự án có quy mô lớn tại các khu vực xung quanh TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm quan trọng là hầu hết chủ các dự án này đều là giới đầu tư ở TP.HCM. Sở dĩ tình trạng trên xảy ra là do giá đất tại TP.HCM hiện quá đắt, vượt xa khả năng của hầu hết những người có nhu cầu thật. Hơn nữa, nhu cầu ở và đầu tư các dự án cao cấp tại TP.HCM đã bão hòa và đang đình lại.

Bung hàng đón hạ tầng

Cùng với lợi thế về giá cả, hàng loạt dự án hạ tầng kết nối đang và sẽ triển khai xây dựng như dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dự án mở rộng quốc lộ 51, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu... Đặc biệt, phương án mở rộng TP. Biên Hòa trong đó một số xã thuộc huyện Long Thành sẽ được sáp nhập vào TP. Biên Hòa, khu hành chính tỉnh chuyển sang địa điểm mới trong tương lai... giúp khu vực này trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh Đồng Nai.

Đầu năm 2010, các doanh nghiệp BĐS Đồng Nai đã tổ chức giới thiệu với nhà đầu tư TP.HCM về 10 dự án BĐS trên địa bàn đang và sẽ được đưa ra bán trong năm nay. Trước đó, nhiều dự án khu đô thị và khu dân cư quy mô khá lớn đã đồng loạt triển khai, dự báo cung cấp cho thị trường lượng sản phẩm cực lớn. Chỉ riêng tại 2 xã Tam Phước và Long Hưng, huyện Long Thành đến nay đã có 4 dự án khu đô thị với quy mô hơn 1.000 ha đang được triển khai, gồm dự án Khu đô thị Aquacity (liên doanh với nước ngoài) với gần 305 ha, Khu đô thị Phước Hưng 286 ha, Khu đô thị Waterfront (liên doanh) 366 ha, Khu dân cư Long Hưng 227 ha... Bên cạnh đó, Khu đô thị sinh thái Giang Điền quy mô gần 530 ha tại huyện Trảng Bom, chưa kể hàng trăm dự án lớn nhỏ khác đã và đang được triển khai, chào bán sản phẩm...

Tuy nhiên nhiều chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần thận trọng khi chạy theo “sóng” địa ốc vào thời điểm này. Đúng là với vài trăm triệu đồng, nhà đầu tư không thể tham gia thị trường địa ốc TP.HCM, do đó việc đầu tư vào các dự án đất nền còn rẻ tại Đồng Nai hay Bình Dương là chọn lựa thích hợp. Tuy nhiên, thị trường BĐS khó có cơ hội lướt sóng ngắn hạn nên nếu có mua thì ngay từ đầu phải xác định đầu tư trung và dài hạn. Hơn nữa, nhà đầu tư cần thận trọng tìm hiểu cơ sở pháp lý cũng như các ưu điểm về vị trí, khả năng kết nối hạ tầng, tránh chạy theo phong trào để rồi thất vọng với các dự án mà chủ đầu tư hay công ty môi giới “vẽ rắn thêm chân”, quảng cáo hấp dẫn hơn thực tế. Một chuyên gia cũng khuyến cáo nguy cơ hình thành các khu dân cư, khu đô thị bỏ hoang trong tương lai, nếu chủ đầu tư không tính toán đến nhu cầu an cư của người dân địa phương mà chỉ quan tâm đến việc bán sản phẩm cho nhà đầu tư để kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Cơn sốt đất gần 10 năm trước tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) là một bài học kinh nghiệm, những dự án khu dân cư vẫn đang bỏ hoang do thiếu lực lượng khách hàng là cư dân địa phương. Đến nay Đồng Nai được xem là địa phương có hạ tầng giao thông không bằng một số địa phương như Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu, chưa kể công tác quy hoạch vẫn chưa được đồng bộ... là những hạn chế không thể sớm khắc phục để tạo lợi thế nổi trội cho thị trường này.

Hấp lực thành phố mới Bình Dương

Kế hoạch di dời trung tâm hành chính tỉnh vào thành phố mới Bình Dương được thông báo là bắt đầu từ năm 2012. Như vậy thời gian từ đây đến đó đủ để kích thêm sức hút đầu tư vốn đổ vào thành phố mới Bình Dương. Hiện tại giá rao bán các dự án đất nền tại những khu vực giáp ranh thành phố mới Bình Dương là khá cao, tăng gần 100% so một năm trước đó.

Tuy nhiên với việc giá rao bán khá cao ở khu tái định cư của dự án thành phố mới Bình Dương đang làm ngần ngại nhà đầu tư, vì khu đô thị cận kề là Mỹ Phước (huyện Bến Cát) vẫn còn quá nhiều căn hộ đang rao bán lại mà vẫn chưa có người hỏi mua. Vấn đề ở đây còn là chuyện mặc dù phần đầu tư hạ tầng được nhìn nhận vào loại khang trang bậc nhất đối với khu dân cư mới xây dựng tại miền Nam; như có bệnh viện hiện đại, trung tâm thương mại đồ sộ, bến xe liên tỉnh, chợ và các khu công nghiệp tấp nập, lại nằm gần kề với thành phố mới Bình Dương, song các khu dân cư mới xây dựng ở thị trấn Mỹ Phước nếu so giá gốc của một năm trước đây thôi, giá sang nhượng hiện thấp hơn đáng kể vẫn chưa lôi kéo được khách.

Lý giải vấn đề trên, thì ngoài lý do là Mỹ Phước cách Sài Gòn đến 40 cây số, có nhiều ý kiến cho rằng ban đầu người mua đều là nhà đầu cơ đến từ TP.HCM, họ đổ tiền mua ngay nền và nhà nơi đây vì được cấp liền sổ đỏ. Sau đó chuyện rao bán lại gặp khó khăn vì nhu cầu chọn Mỹ Phước làm chốn an cư chưa thật sự là nhu cầu của số đông. Mặt khác, chính lợi thế giáp ranh TX.TDM lại là một nhược điểm khi xét về chuyện thủ tục hành chính. Bởi người dân từ các Khu đô thị Mỹ Phước tìm đến cơ quan chính quyền cấp huyện để thực hiện các thủ tục hành chính lại tốn quãng đường khá xa.

Các chuyên viên môi giới BĐS cho rằng, chuyện lên xuống của giá cả ở Mỹ Phước đều tùy thuộc vào tiến độ triển khai ở dự án thành phố mới Bình Dương. Do vậy rủi ro lớn nhất đối với nhà đầu tư BĐS, là nếu chủ các dự án nằm trong thành phố mới Bình Dương chậm triển khai xây dựng mang tính đồng bộ với Trung tâm hành chính tỉnh, khả năng kết nối các đô thị vệ tinh xoay quanh thành phố mới cũng sẽ lỏng lẻo hơn và nguy cơ thị trường nhà đất nơi đây nguội lạnh là chuyện rất có thể. Và dĩ nhiên nếu các nhà đầu tư này tích cực triển khai dự án, thì cùng với kết nối hạ tầng trục giao thông Mỹ Phước - Đồng Nai -TP.HCM (theo hướng cầu Đồng Nai về quận 9, cửa ngõ Sài Gòn), cho thấy việc chọn Bình Dương là điểm đến để bỏ vốn đầu tư vào BĐS là một quyết định khôn ngoan.

NGUYỄN PHÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=403
Quay lên trên