Quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê nhà được hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS) năm 2014 đã có hiệu lực từ ngày 1-7 vừa qua. Quy định này được xem là hành lang pháp lý quan trọng bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà. Tuy vậy, vẫn còn không ít băn khoăn, bởi đến nay chưa có văn bản hướng dẫn khiến không ít doanh nghiệp (DN) còn băn khoăn, chưa mặn mà.
Quy định bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai cần sớm được thực hiện để tăng uy tín cho nhà đầu tư chân chính và bảo vệ người mua nhà. Trong ảnh: Một góc khu biệt thự The Oasis (TX.Thuận An) Ảnh: K.VINH
Doanh nghiệp chưa mặn mà
Sau hơn 10 ngày Luật Kinh doanh BĐS 2014 chính thức có hiệu lực, có rất ít chủ đầu tư dự án thực hiện quy định bảo lãnh mua nhà hình thành trong tương lai.
Đại diện một công ty BĐS đã ký kết với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Bình Dương về việc bảo lãnh cho khách hàng mua nhà hình thành trong tương lai cho biết, quy định này theo Luật Kinh doanh BĐS 2014 rất tốt, không những giúp cho chủ đầu tư an tâm thực hiện dự án mà còn mang lại niềm tin rất lớn cho người có nhu cầu mua nhà. Một chủ đầu tư khác là Tập đoàn Gouco Land thông qua Ngân hàng Thương mại Hong Leong cũng đã thực hiện cam kết bảo lãnh cho khách hàng mua nhà tại dự án The Canary (TX.Thuận An). Đây là dự án có số vốn lên đến 45 triệu đô la Mỹ, thực hiện gần 1.000 căn hộ đến với khách hàng trong tương lai gần. Chính việc thực hiện nghiêm túc quy định bảo lãnh mua nhà hình thành trong tương lai sẽ giúp công ty đẩy nhanh tiến độ dự án, tăng uy tín trong việc thực hiện cam kết giao nhà cho khách hàng.
Tuy nhiên, không phải DN BĐS nào cũng mặn mà với quy định bảo lãnh nhà hình thành trong tương lai. Tại buổi hội thảo về “Thực hiện quy định bảo lãnh ngân hàng - Bảo vệ quyền lợi người mua nhà hình thành trong tương lai” do Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, hầu hết DN tham gia đều kiến nghị nên lùi thời điểm áp dụng bảo lãnh dự án. Không ít DN coi việc bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà trong tương lai là làm khó cho họ.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành nêu băn khoăn: Liệu quy định bảo lãnh này có bắt buộc thực hiện với mọi DN BĐS hay không? Nếu không có ngân hàng bảo lãnh thì DN làm sao bán được hàng? Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành kiến nghị, thay vì bảo lãnh cho cả dự án trị giá hàng ngàn tỷ đồng, có thể nghiên cứu giải pháp bảo lãnh cho từng căn hộ.
Cần được sớm thực hiện
Điều 56 của Luật Kinh doanh BĐS 2014 quy định: Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai thì các chủ đầu tư dự án phải được ngân hàng thương mại đứng ra bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Nếu chủ dự án không thực hiện bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết thì bên mua, bên thuê mua có quyền được yêu cầu ngân hàng bảo lãnh đứng ra hoàn trả lại số tiền đã ứng trước cũng như các khoản tiền khác theo hợp đồng đã ký kết. |
Anh Phan Văn Tư ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ: “Tôi thấy quy định chủ đầu tư phải liên kết ngân hàng để bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Điều này sẽ giúp người mua nhà hạn chế được rủi ro, sàng lọc được chủ đầu tư yếu kém và yên tâm khi ký hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư BĐS”.
Trước đây, dù luật cũng có quy định không cho phép bán nhà trên giấy (thực chất là bán nhà hình thành trong tương lai) thì các chủ đầu tư lách luật bằng cách bán nhà theo hình thức “hợp tác kinh doanh”, “hợp đồng góp vốn đầu tư”… Để thu hút người mua, mức giá đưa ra đối với loại hình hợp đồng này khá thấp. Tuy nhiên, người mua đối diện với nhiều rủi ro mất tiền khi dự án không được triển khai. Thực trạng này xảy ra không ít.
Trên thực tế, hiện nay nhiều dự án đã xây xong móng, thậm chí là xong phần thô, người mua nhà vẫn chịu rủi ro về tiến độ, chất lượng công trình. Đây chính là những nguyên nhân làm bùng nổ tranh chấp, khiếu nại giữa khách hàng và các chủ đầu tư trong giai đoạn thị trường BĐS đóng băng và nhiều vụ việc kéo dài đến nay. Dù bước đầu thực hiện quy định về bảo lãnh còn khó khăn, tuy nhiên không thể phủ nhận đây là quy định nhằm bảo vệ người mua nhà - vốn thường ở thế yếu. Các chuyên gia BĐS cho rằng, đây là quy định tiến bộ, dù có ý kiến lo lắng, gây khó khăn cho các chủ đầu tư.
Có thể nói, quy định bảo lãnh người mua nhà hình thành trong tương lai trước hết là nhằm bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà. Có thể với quy định này sẽ khiến chi phí tăng thêm nhưng mang lại lợi ích cho người mua nhà và xã hội rất lớn. Chính vì thế, dù một số DN BĐS vẫn còn viện dẫn nhiều lý do để lùi ngày thực hiện bảo lãnh mua nhà hình thành trong tương lai, nhưng tính đúng đắn và sự bắt buộc thực hiện quy định là không thể bàn cãi để có một thị trường BĐS minh bạch, sôi động hơn.
KHÁNH VINH