Thị trường đồ chơi trẻ em: Hàng ngoại vẫn lấn lướt!

Cập nhật: 25-05-2013 | 00:00:00

Như thường lệ, gần đến ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, thị trường đồ chơi trẻ em trở nên sôi động hơn với đủ mẫu mã và chủng loại. Tuy nhiên, hàng ngoại nhập, nhất là các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh thị trường, dù biết rằng chất lượng nhiều đồ chơi ngoại nhập không bảo đảm, thậm chí có nguy cơ gây bệnh!

Đồ chơi Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường

Những ngày này rảo qua một vòng những điểm bán đồ chơi cho trẻ có thể thấy ngay có đến 90% sản phẩm đồ chơi đều ghi xuất xứ từ Trung Quốc. Khi chúng tôi hỏi về đồ chơi “made in VietNam” thì chủ một cửa hàng đồ chơi tại chợ Thủ Dầu Một cho biết: “Hàng Việt Nam rất ít mẫu mã, giá lại đắt nên chúng tôi ít nhận về bán, chỉ khi có khách hàng hoặc chủ các cửa hàng khác đặt mua thì chúng tôi mới lấy. Hơn nữa so về chủng loại thì hàng Việt Nam rất đơn điệu chỉ dừng lại ở vài mẫu xe đẩy, xe hơi, hình thú, học chữ, học số… nên không hấp dẫn được người tiêu dùng”.

Nhiều trẻ em tự lựa chọn đồ chơi cho mình tại Siêu thị Big C

Phần lớn các sản phẩm đồ chơi được bày bán trên thị trường hiện nay đều ghi dòng chữ “Made in china”, mẫu mã đa dạng, giá lại rẻ, nên đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước khó lòng cạnh tranh và “sân chơi” này gần như đã dành cho hàng ngoại. Theo anh Nguyễn Tiến Đoàn, chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em ở chợ Đại Nam thì các loại đồchơi đang được trẻ em ưa thích nhất vẫn là mô hình tàu chạy đường ray, bộtròchơi câu cá, xe máy, ô tô, xe tăng… có giá từ50.000 - 120.000 đồng/sản phẩm. Cao cấp hơn là các loại xe leo tường, phi thuyền, xe đua sấm chớp và tốc độ, máy bay điều khiển... dành cho bé trai với giá bán từ 250.000 - 600.000 đồng/sản phẩm. Quà cho bé gái là các món đồ chơi quen thuộc như: búp bê, thú bông, các bộ đồ chơi làm vườn, bác sĩ, nấu ăn… với giá từ 40.000 đến hơn 200.000 đồng/ sản phẩm. Đặc biệt là các bộ đồ chơi xây dựng có hình khối, bộ đồ chơi xếp chữ với nhiều mẫu mã, kích thước, được nhiều trẻ em ưa chuộng.

Bên cạnh sự phong phú của đồ chơi ngoại, thì rất ít món đồ chơi “Made in VietNam” được bày bán, có chăng cũng chỉ là một số lượng nhỏ trong các nhà sách, siêu thị… Một nhân viên quản lý ở nhà sách Bình Dương cho biết: “Hầu hết đồ chơi sản xuất trong nước đều làm bằng phương pháp gia công truyền thống như bộ bàn cờ, bộ xếp hình bằng gỗ, các hình thú được nặn bằng đất sét nên giá cả đắt hơn 20 - 50% so với sản phẩm ngoại nhập cùng loại nên khách hàng rất ít mua, mẫu mã cũng không phong phú bằng nên tại nhà sách Bình Dương đồ chơi trong nước chỉ chiếm 2%”.

Chất lượng khó bảo đảm

Dù quy định về dán tem hợp chuẩn CR cho tất cả đồ chơi trẻ em có hiệu lực từ ngày 15-9-2010, nhưng gần 3 năm trôi qua, chấp hành quy định này chỉ có ở những cửa hàng lớn hoặc siêu thị, nhà sách. Ở nhiều cửa hàng khác, chỉ khi khách hàng hỏi đồ chơi có dấu hiệu kiểm định chất lượng thì người bán mới đi tìm, đưa ra một vài sản phẩm tượng trưng.

Thông thường vào những ngày cuối tháng 5 nhu cầu mua sắm đồ chơi cho trẻ em đã rục rịch tăng, vì đây là thời điểm các em vừa kết thúc năm học và nghỉ hè, phụ huynh thường mua đồ chơi để làm quà thưởng. Theo nhiều cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em, năm nay sức mua không bằng cùng kỳ năm ngoái, mặc dù giá tăng không đáng kể. Lý do quan trọng nhất là người tiêu dùng lo ngại chất lượng của các sản phẩm đồ chơi do Trung Quốc sản xuất. Đặc biệt, từ khi có thông tin các loại thú nhún có xuất xứ Trung Quốc, bằng chất liệu cao su, từng bị cơ quan quản lý trong và ngoài nước phát hiện chứa chất độc phthalate (chất có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, hành vi và hệ cơ của trẻ, đặc biệt đối với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo) thì người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn với các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện các loại thú nhún này vẫn còn bày bán rải rác tại một số cửa hàng.

Chị Nguyễn Thu Hằng (phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một) cho hay: “Thông tin về những đồ chơi không an toàn có xuất xứ Trung Quốc khiến tôi rất lúng túng trong việc chọn đồ chơi cho con, thay vào đó tôi mua truyện tranh hoặc các đồ dùng học tập khác cho bé”.

Mặc dù chất lượng đồ chơi hàng ngoại khó bảo đảm nhưng người tiêu dùng vẫn không có nhiều sự lựa chọn. Hầu hết các phụ huynh hiện nay khi mua đồ chơi cho trẻ em vẫn phải tự lựa chọn, chủ yếu bằng cảm quan, thấy sản phẩm chắc chắn, sạch sẽ, vừa mắt thì mua; một số khác thì chọn mua bằng cách đến các địa chỉ, cửa hàng, nhà sách có uy tín. Thậm chí, có nhiều phụ huynh do bận việc rồi để cho con mình tự do lựa chọn đồ chơi theo ý muốn mà chưa có sự hướng dẫn tận tình cho con. Cầm bộ đồ chơi siêu nhân với đủ loại màu sắc trên tay vừa mua ở một cửa hàng gần trường, em Nguyễn Trường Phi (học sinh lớp 5A, trường Tiểu học Tân Định, Bến Cát) cười nói: “Em muốn mua loại đồ chơi nào thì được tự do lựa chọn thoải mái. Mẹ cũng khuyên em không nên mua đồ chơi Trung Quốc nhưng em có biết gì đâu, thấy thích là mua thôi”.

Như vậy, trước thực trạng đồ chơi trẻ em có xuất xứ Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường, để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm đồ chơi cho trẻ an toàn, chất lượng, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền để các “thượng đế nhí”, đặc biệt là phụ huynh cũng nhận biết các sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng thì các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm định chất lượng các sản phẩm đồ chơi trong nước cũng như ngoại nhập để mỗi sản phẩm đồ chơi trẻ em khi được lưu thông trên thị trường đều đảm bảo an toàn, chất lượng.

 TÂM BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1174
Quay lên trên