Thị trường dược vẫn một mình một chợ

Cập nhật: 19-04-2011 | 00:00:00

Cùng một loại thuốc, nhưng mỗi đại lí bán một giá, nếu là những loại thuốc độc quyền, giá bán lại càng bị đẩy lên vô tội vạ. Đó là thực trạng thị trường dược hiện nay.

 

Bát nháo giá thuốc

 

Trong suốt thời gian vừa qua, giá thuốc chữa bệnh nhảy múa loạn xạ, không những tăng giá vô tội vạ, các đại lí bán lẻ mỗi nơi một giá. Người tiêu dùng thì mù tịt thông tin về chủng loại, giá cả cũng như chất lượng, vì vậy, hiệu thuốc hét bao nhiêu, họ đành phải “ngậm bồ hòn” móc túi ra mua. Còn cơ quan chức năng thì loay hoay mãi không thể giải quyết tận gốc vấn đề này.

 

Chỉ cần làm một ví dụ đơn giản là mua một vài loại thuốc theo giá bán buôn ở Ngọc Khánh, rồi đi hỏi những loại thuốc này ở các đại lí bán lẻ, người mua sẽ thấy được sự chênh lệch về giá, ít thì hơn 10%, nhiều thì tới gần 50% (Amoxilin loại 500mg của Đồng Khánh, giá bán buôn là 5.300 đồng/vỉ, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng từ 8.000 đến 9.000 đồng/vỉ).

 

 Cùng một loại thuốc, nhưng mỗi đại lí bán một giá (Ảnh minh họa) 

Theo khảo giá của chúng tôi tại một số cửa hàng thuốc trên địa bàn quận Long Biên, hầu như các cửa hàng này đều niêm yết giá bán lẻ, nhưng mỗi nơi lại niêm yết một giá khác nhau, không theo một quy định chung nào. Chỉ một loại thuốc Cefixin loại 100mg tại Nhà thuốc Thiện Phú I ở số 4, tổ 16 phường Ngọc Thuỵ, giá bán là 16.000 đồng/vỉ, tại Hiệu thuốc Ngọc Thuỵ ở số 6, tổ 16 sát đó lại bán với giá 18.000 đồng, ở Nhà thuốc Thanh Hải ở số nhà 30 cùng con đường, cách đó vài trăm mét bán với giá 20.000 đồng/vỉ.

 

Cũng cùng một loại thuốc Aciforic dành cho phụ nữ mang thai của Cty sản xuất dược TP. HCM, giá bán lẻ tại 3 cửa hàng thuốc nằm sát nhau trên đường Đê La Thành (đối diện với đường rẽ vào Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội) lại có 3 giá bán khác nhau, giá tại cửa hàng thứ nhất là 150.000 đồng/hộp, nhà thuốc thứ 2 lại bán với giá 160.000 đồng/hộp, nhưng nhà thứ 3 lại bán với giá 180.000 đồng/hộp.

 

Ai mặc cả với bệnh tật?

 

Trước tình trạng lộn xộn của giá thuốc, chị Nguyễn Thị Thoan, ở Lý Thường Kiệt bức xúc cho biết, chị đi mua viên ngậm ho Gepacin, ở Phố Huế thì bán giá 10.000 đồng/vỉ, ở Bạch Mai lại bán 8.500 đồng/vỉ, nhưng về gần Thanh Xuân, giá bán loại thuốc này chỉ còn có 6.500 đồng/vỉ. “Giá thuốc loạn xạ khiến người dân cũng thấy hoang mang. Nếu không đi đến mấy cửa hàng thì nhà thuốc nói giá nào, mình cũng mua giá ấy, chả biết thế nào là đắt, thế nào là rẻ. Ai đi mặc cả với bệnh tật bao giờ?” chị Thoan nói.

 

Vì không có tâm lý mặc cả với bệnh tật, nhiều người dù biết là mua thuốc ở cổng bệnh viện, hay mua thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ là bị đắt, nhưng bởi tâm lý lo rằng đây là loại thuốc độc quyền, nơi khác sẽ không có,  bởi vậy, họ đã bấm bụng mua, dù cho giá bị đắt. Theo anh Nguyễn Đình Thi ở Ngọc Thụy, Long Biên, vừa qua, con trai anh bị đau mắt, bác sỹ có kê đơn một loại thuốc kháng sinh dạng dung dịch lỏng, anh đã mua loại thuốc này của Nhà thuốc bệnh viện Nhi với giá 215.000 đồng. Do bất cẩn đánh vỡ, anh mang đơn thuốc ra hiệu thuốc gần nhà mua lọ khác, nhưng tại đây, giá chỉ còn 178.000 đồng/lọ. anh Thi bất bình: "Đến cơ quan chức năng còn không quản lý nổi giá thuốc, thì người dân thường khi bị mua đắt cũng chỉ biết ngậm ngùi mà thôi".

 

Theo quy định, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc không được bán thuốc cao hơn giá kê khai, bởi vậy, việc kê khai giá thuốc “đón đầu” tăng giá bằng các chi phí được các Cty dược tận dụng triệt để. Cũng chính bởi việc báo cáo giá trần cao hơn nhiều lần so với các chi phí cộng lại, nên việc tăng giá thuốc mà không vi phạm luật bởi chưa vượt quá giá trần vẫn luôn diễn ra trên thị trường dược hiện nay. Thực tế cho thấy, qua những lần kiểm tra giá thuốc, bên thanh tra cũng chỉ kiểm tra giá thuốc bán có cao hơn giá kê khai không. Nếu không vượt giá trần, nhà thuốc bán bao nhiêu không ai quản.

 

Bên cạnh việc giá thuốc hết sức bát nháo trên thị trường hiện nay, một số loại thuốc cấm như: Xenluxen, nếu có tiền và quen biết, khách hàng vẫn dễ dàng mua được loại thuốc này mà không cần phải đơn của bác sỹ.

 

Được biết, cơ quan chức năng cũng đã có công văn về tác hại của những loại thuốc cấm và khuyến cáo không sử dụng hoặc sử dụng hạn chế, sử dụng theo chỉ định của bác sỹ. Tuy nhiên, những khuyến cáo này mới chỉ đến được với những cửa hàng thuốc, dược sỹ mà vẫn chưa đến được với người dân. Còn người bán thuốc, dù biết rõ những tác hại, nhưng vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người đã quên mất lương tâm, vẫn “nhắm mắt” bán nếu người mua có nhu cầu.

 

Thị trường dược lộn xộn vẫn diễn ra hằng ngày, câu hỏi đặt ra là cơ quan chức năng không biết hay không quản lí nổi thị trường dược hiện nay?

 

Theo VTC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=450
Quay lên trên