Thị trường giá cao su thiên nhiên: Những nhận định đáng quan tâm

Cập nhật: 03-04-2010 | 00:00:00

Tại hội thảo khoa học chủ đề “Canh tác bền vững ngành cao su thiên nhiên” do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tại Công ty TNHH Một thành viên Cao su Dầu Tiếng vừa qua, nhiều thông tin hữu ích về canh tác cao su thiên nhiên (CSTN) được các chuyên gia trong và ngoài nước mang đến chia sẻ. Trong đó, có các vấn đề về canh tác cao su bền vững; kinh nghiệm tái lập rừng bằng cây cao su Mã Lai; các kết quả ứng dụng kỹ thuật mới trên vườn cây khai thác... Tuy nhiên, vấn đề mang tính thời sự thu hút sự quan tâm của đa số đại biểu là xu hướng giá CSTN và các yếu tố ảnh hưởng đến sự biến động của giá CSTN và những dự báo...

Yếu tố nào chi phối giá CSTN?

Theo ông Don Tham, Tổng Giám đốc Công ty GIM 777, từ năm 2000 đến nay, nhu cầu CSTN liên tục gia tăng với tốc độ tăng bình quân khoảng 2,10%/năm. Nhu cầu tăng chủ yếu do sự gia tăng dân số thế giới cũng như sự cải thiện chung về tiêu chuẩn sống, đặc biệt ở các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển. Mặc dù nhu cầu luôn tăng liên tục song giá CSTN lại trồi sụt, đặc biệt vào giữa năm 2001, giá CSTN giảm xuống mức thấp kỷ lục và mới đây trong thời gian từ tháng 9-2008 đến tháng 11-2009 giá cao su rơi thẳng đứng (chủ yếu do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu).

Sau thời gian dài nghiên cứu, ông Don Tham đã đưa ra những yếu tố cơ bản có thể ảnh hưởng đến sự trồi sụt của giá CSTN. Thuờng thì yếu tố sản xuất, tiêu thụ và dự trữ CSTN có ảnh hưởng đến sự tăng và giảm giá CSTN. Tuy nhiên theo ông Don Tham, trong quãng thời gian từ 2000-2009 dường như yếu tố này không phải chủ đạo. Yếu tố sản xuất, tiêu thụ, dự trữ cao su tổng hợp và yếu tố tỷ giá hối đoái (đồng USD) cũng không phải là yếu tố quyết định. Trong khi đó yếu tố dầu thô; khủng hoảng tài chính; đầu cơ và yếu tố tâm lý là những nguyên nhân thúc đẩy sự biến động giá cả của CSTN.

Theo các chuyên gia về thị trường cao su, trong 10 năm qua, giá CSTN biến thiên sít sao với giá dầu thô. Tiến sĩ Sivakumaran (Công ty GIM 777) lấy dẫn chứng, vào giữa tháng 11-2006, giá dầu thô tăng đến 64,93 USD/ thùng thì giá cao su SMR20 tăng lên 2,3118 USD/kg. Sau đó giá dầu thô vọt lên 126 USD/thùng thì giá cao su lên 3,18 USD/kg. Tuy nhiên đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm cho giá dầu thô và giá CSTN rớt xuống thảm hại. Trong quãng thời gian từ tháng 9-2008 đến tháng 1-2009 khi giá dầu thô tụt xuống chỉ còn 31,04 USD/thùng thì giá CSTN SMR20 chỉ còn 1,12 USD/kg. “Rõ ràng giá CSTN bị chi phối rất lớn bởi sự biến động của dầu thô...”, tiến sĩ Sivakumaran kết luận. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, yếu tố tâm lý có thể cũng góp phần đẩy mạnh sự biến động giá CSTN bởi thường người sản xuất có xu hướng dự trữ cao không cần thiết (yếu tố thuận) khi giá cả có xu hướng tăng một cách thuận lợi. Ngược lại, họ cũng có thể có xu hướng bán tháo khi giá CSTN có xu hướng giảm một cách không thuận lợi. Ngoài ra, giá CSTN có thể bị khuynh đảo bởi hoạt động đầu cơ.

Lời khuyên cho người sản xuất

Trên cơ sở phân tích kỹ các yếu tố có thể ảnh hưởng và ảnh hưởng nhiều đến giá CSTN, các chuyên gia nhận định giá CSTN sẽ ổn định với xu hướng tăng dần vì những lý do (ngoại trừ có các tình huống làm giảm giá vượt ngoài khả năng kiểm soát) như nhu cầu về xe hơi ngày càng tăng cho đến năm 2020, đặc biệt ở Trung Quốc và Ấn Độ; sự quan tâm đến môi trường ngày càng tăng lên góp phần thuận lợi cho việc sử dụng CSTN so với cao su tổng hợp và nhu cầu về sản phẩm phổ dụng từ CSTN tăng lên do sự gia tăng liên tục của dân số thế giới.

Ông Don Tham cũng đưa ra những lời khuyên đối với người sản xuất CSTN trong việc quyết định giữ lại hay bán hàng để khả năng sinh lợi trong hoạt động kinh doanh đạt mức tối đa. Theo ông Don Tham, người sản xuất CSTN sử dụng bất kỳ phương pháp dự báo giá sẵn có để xác định cho mình các giới hạn quyết định mà có thể tin là đúng đắn; hãy bán khi giá nằm trong khoảng giới hạn quyết định của người sản xuất và hãy tránh không quyết định bán hay giữ hàng lại chỉ vì dựa trên yếu tố “sợ” hay “thích”. Lời khuyên cuối cùng và cũng là quan trọng nhất đối với người sản xuất CSTN đó là hãy quản lý giá thành của mình một cách hữu hiệu bằng cách nâng cao năng suất trên mỗi ha và năng suất của thợ cạo mủ.

TR.DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên