Thị trường khởi sắc giúp tái cơ cấu Vinashin, Vinalines tốt hơn

Cập nhật: 14-06-2013 | 00:00:00

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, chiều 14/6

Đại biểu Lê Như Tiến nhắc lại thông điệp từ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, của Chính phủ quyết tâm trong tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và muốn biết kết quả của việc tái cơ cấu, đặc biệt là hiệu quả tái cơ cấu Tập đoàn này “đã đạt được mức độ nào? Lộ trình có đảm bảo không?” trong khi khoản nợ hàng chục nghìn tỷ đồng từ Tập đoàn này đang là gánh nặng cho ngân sách quốc gia.

Trong phần trả lời chất vấn của mình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới một số ý kiến trước đây cho rằng vực dậy Vinashin là vấn đề khó khăn, nên để cho doanh nghiệp này phá sản thì có lợi hơn là tái cơ cấu. Nhưng nếu để doanh nghiệp phá sản thì Nhà nước phải trả nợ thay, vừa bị mất tiền, vừa mất uy tín, đặc biệt là 30.000 gia đình (người lao động thuộc Vinashin) không ổn định được cuộc sống.

 “Tính toán lại thì nếu tái cấu trúc Tập đoàn này sẽ góp phần tạo ra một thị trường đóng tàu mới, nền công nghiệp đóng tàu có kỹ thuật đổi mới với đội ngũ lao động lành nghề… Nước ta có thế mạnh nghề biển nên không thể không có đóng tàu. Chúng tôi có niềm tin thị trường khởi sắc thì sẽ làm tốt hơn công việc tái cơ cấu Vinashin”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, khủng hoảng tại Vinashin không chỉ do tác động của kinh tế thế giới mà còn do những sai phạm của các cá nhân đứng đầu Tập đoàn này và pháp luật đã, đang nghiêm khắc xử lý các đối tượng này.

Đi vào cụ thể thực trạng doanh nghiệp Vinashin, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết kinh tế suy thoái ở trên thế giới và khu vực đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Giá cổ phần của Vinashin trước đây lên tới 100.000 đồng/cổ phần nay chỉ còn 10.000 đồng/cổ phần, thậm chí còn thấp hơn.

Chủ trương của Trung ương là tái cơ cấu Vinashin theo Kết luận số 31 của Bộ Chính trị. Việc này được thực hiện trong giai đoạn khủng hoảng khó khăn, các doanh nghiệp đóng tàu lớn trên thế giới cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, kết quả tái cấu trúc Vinashin có sự ổn định hơn và tốt hơn, Phó Thủ tướng cho biết.

Cụ thể, Vinashin đã sắp xếp được 36 doanh nghiệp với 9.000 lao động. Trong 3 năm đã bàn giao 170 tàu lớn, trong đó xuất khẩu 160 tàu.

Về tái cơ cấu nợ của Vinashin, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện, theo đó có 19 ngân hàng trong nước giảm 70% nợ cho Vinashin, còn số nợ 600 triệu USD mà doanh nghiệp tự vay cũng đã giảm được 30%.

 “Việc thực hiện tái cơ cấu Vinashin sẽ được tiếp tục thực hiện trên cơ sở hoàn thiện thiết chế, tinh thần làm quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tái cơ cấu nợ là tiền đề quan trọng để tái cơ cấu Vinashin”, Phó Thủ tướng nói.

Việc tái cơ cấu Vinalines cũng đang thay đổi rất mạnh mẽ. Năm 2012, doanh thu của Vinalines là 2.120 tỷ đồng, nộp ngân sách 670 tỷ đồng. Năm 2013, đã thoái vốn đầu tư tại 16 doanh nghiệp, cổ phần hoá 4 doanh nghiệp, bán được một số tàu cũ, bố trí lại nhân sự của Tập đoàn và trình Chính phủ ban hành được điều lệ hoạt động của doanh nghiệp.

Sang năm 2014, Phó Thủ tướng cho biết Vinalines sẽ cổ phần hoá các cảng Hà Tĩnh, Cam Ranh, Sài Gòn. Các công ty thành viên của Vinalines sẽ thoái vốn tại 14 doanh nghiệp ngoài ngành.

 “Tái cấu trúc Vinalines có xu hướng tốt hơn, phục hồi nhanh hơn, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn lỗ, khó khăn... nhưng chúng tôi tin sẽ vượt qua được”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=252
Quay lên trên