6 tháng đầu năm 2015 ngành gỗ trong nước xuất khẩu đạt 3,13 tỷ đô la Mỹ. Trong bối cảnh ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, tỷ giá đồng ngoại tệ và sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các nước thì đạt được kết quả nói trên là sự nỗ lực rất lớn của các bộ ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) gỗ. Các DN gỗ tại Bình Dương đóng góp rất quan trọng vào kết quả đó.
Một DN sản xuất ván lót sàn xuất khẩu tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: P.HIẾU
Thị trường lớn
Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết xuất khẩu 6 tháng đầu năm của ngành gỗ Việt Nam đạt 3,13 tỷ đô la Mỹ có sự đóng góp rất lớn từ các DN tại tỉnh Bình Dương. Chưa có con số thống kê chính thức nhưng các DN tại Bình Dương được dự đoán là đóng góp từ 55- 60%.
Ngoài thị trường Mỹ đang tăng dần các đơn đặt hàng, thị trường EU cũng cho thấy nhiều tiềm năng to lớn. Con số thống kê cho thấy 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ của các DN tại Bình Dương sang Mỹ đạt 211 triệu đô la Mỹ, tăng 39% so với tháng 5-2014. Thị trường Mỹ chủ yếu nhập gỗ nguyên liệu, sơ chế, ván dăm và nhiều nhất là ván lót sàn, trang trí nội thất. Đặc biệt việc Trung Quốc đang bị Mỹ áp dụng luật chống bán phá giá cũng đã đưa những đơn hàng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chạy dần sang thị trường Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho DN tiếp cận sâu rộng thị trường Mỹ. Ông Lưu Ngọc Kim, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, đánh giá thị trường Mỹ rất tiềm năng vì nhu cầu sử dụng nguyên liệu gỗ, sản phẩm gỗ tại đây luôn tăng cao mỗi năm.
Đối với thị trường khó tính như EU, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết vấn đề cần quan tâm khi thâm nhập thị trường này là việc “chống sử dụng gỗ bất hợp pháp”. Dự kiến cuối năm 2015, Hiệp định đối tác tự nguyện về “Tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT)” giữa EU và Chính phủ Việt Nam sẽ được ký kết. Nếu chúng ta không chuẩn bị sớm sẽ trở thành rào cản cho các DN khi thâm nhập thị trường EU.
Gỡ khó cho DN
Theo các DN gỗ trên địa bàn tỉnh, việc tỷ giá đô la Mỹ và euro tăng cao so với VNĐ cũng gây ra nhiều khó khăn cho ngành xuất khẩu của các DN. Vì giá nhập khẩu nguyên liệu sẽ tăng cao, trong khi đặc thù ngành gỗ nguyên liệu chiếm đến 70% chi phí sản xuất. Đồng đô la Mỹ, euro tăng cũng gây ra sự tổn thất cho các DN, bởi sẽ làm giá xuất khẩu tăng theo. Trong tình hình sản phẩm từ gỗ từ các nước tham gia xuất khẩu đều đạt chất lượng ngang nhau thì yếu tố giá thành sẽ quyết định các DN nước ngoài “trao” đơn hàng cho đối tác nào.
Liên quan đến thắc mắc của các DN về tỷ giá và lãi suất, ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, cho biết việc “neo” đồng tiền theo đô la Mỹ trong khi đô la Mỹ lên giá sẽ khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam thiếu tính cạnh tranh vì giá xuất khẩu sẽ cao hơn so với các đồng tiền khác. Nhưng đối với nhập khẩu, điều chỉnh tỷ giá sẽ gây bất lợi, nợ công sẽ tăng lên. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải điều chỉnh chính sách tỷ giá dựa trên quan điểm quy mô hài hòa lợi ích của tất cả các ngành chứ không chỉ dựa vào xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, đã đến lúc nên chuyển một phần cây cao su công nghiệp sang phục vụ nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các DN sản xuất. Đây là việc làm rất cần thiết, vì diện tích cây cao su tại Bình Dương lớn, trong khi tình hình giá mủ cao su rớt giá liên tục. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng cây cao su không những đem lại lợi ích cho người dân tham gia trồng cao su, mà còn giải được bài toán nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các DN giảm giá thành sản xuất, đủ sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ 6 tháng đầu năm 2015 đạt 3,13 tỷ đô la Mỹ, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014. Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng gỗ của Việt Nam, chiếm 66% tổng giá trị xuất khẩu. Thị trường EU đã bắt đầu có những “đơn đặt hàng” đều đặn cho các DN gỗ Việt Nam, nhiều khả năng trong vài năm tới EU sẽ trở thành thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ lớn thứ hai sau Mỹ.
PHÙNG HIẾU