Thị trường nguyên liệu dược ở Việt Nam: “Mảnh đất màu mỡ” cho các nhà sản xuất

Cập nhật: 31-08-2011 | 00:00:00

Với một thị trường có tới hơn 90% nguyên liệu dược phải nhập khẩu thì Việt Nam được các doanh nghiệp (DN) cung ứng nguồn nguyên liệu này xem đây là “mảnh đất màu mỡ”. Trong khi các DN ngành dược trong nước chưa chủ động được nguồn nguyên liệu này thì con số nhập khẩu hàng tháng vẫn tăng trưởng đều.

Nhập khẩu hàng trăm triệu USD mỗi năm

Đối chiếu theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1-2011, Việt Nam nhập khẩu 15,3 triệu USD nguyên phụ liệu dược thì trong tháng 2, con số này là 12,1 triệu USD; tháng 3 là 19,9 triệu USD; tháng 4 là 17,9 triệu USD; tháng 5 là 21,6 triệu USD; tháng 6 là 16,967 triệu USD và tháng 7 là 16,692 triệu USD. Mặc dù có tháng giảm nhưng tháng khác lại tăng và tính chung từ đầu năm đến hết tháng 7-2011, cả nước đã nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm với tổng kim ngạch 116,2 triệu USD. Dự kiến, kế hoạch cả năm 2011 sẽ phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu này với kim ngạch đạt khoảng 200 triệu USD mới đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến dược phẩm của các DN trong cả nước. Nếu tính đến hết tháng 5, Việt Nam đã nhập khẩu 82,6 triệu USD nguyên phụ liệu dược phẩm, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2010.

 Nguyên liệu thảo dược chưa chế biến được bày bán nhiều ở các khu du lịch

Về thị trường cung cấp nguồn nguyên liệu dược thì từ trước đến nay Trung Quốc vẫn là quốc gia đứng vị trí số 1. Cụ thể như trong tháng 4-2011, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này là 8,238 triệu USD/17,873 triệu USD được nhập, tháng 5 là 9,908 triệu USD/21,660 triệu USD, tháng 6 là 7,501 triệu USD/16,967 triệu USD và tháng 7 là 6,458 triệu USD/16,692 triệu USD. Như vậy, có thể thấy rằng con số nhập khẩu từ thị trường này chiếm một phần rất lớn trong tổng số phải nhập qua hàng tháng, có tháng chiếm gần 1/2 tổng số nhập khẩu của cả 11 thị trường hiện nay Việt Nam đang nhập. Tính đến hết tháng 7, Việt Nam đã nhập khẩu 6,4 triệu USD mặt hàng này từ Trung Quốc, chiếm 36,8% thị phần cả nước, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2010.

Đứng thứ 2, sau Trung Quốc là thị trường Ấn Độ với kim ngạch nhập khẩu trong tháng 7 là 5,6 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, Việt Nam đã nhập 31,1 triệu USD hàng nguyên phụ liệu dược phẩm từ thị trường Ấn Độ, tăng 15,3% so với 7 tháng năm 2010. Đứng vị trí tiếp theo là thị trường các nước như Tây Ban Nha, Ý, Thụy Sĩ, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Áo, Anh và Nhật Bản. 

Trong 11 thị trường hiện cung ứng nguồn nguyên liệu dược cho Việt Nam, có thị trường giảm nhưng cũng có thị trường tăng đáng kể. Chẳng hạn như Hàn Quốc hay Ý. Hàn Quốc mặc dù không phải là thị trường chính nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm của Việt Nam, nhưng trong nửa đầu năm 2011 mức nhập khẩu đã tăng trưởng vượt hơn các thị trường khác với mức tăng 27,46%. Còn thị trường Ý trong tháng 7 cũng tăng trưởng về kim ngạch cao hơn cả so với các thị trường khác với mức tăng 41,39%, dù kim ngạch chỉ đạt 932,7 ngàn USD trong tháng.

Đến năm 2015, sản xuất trong nước đáp ứng 20%

Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa dược đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt thì sản xuất trong nước bảo đảm đáp ứng 20% nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp bào chế thuốc vào năm 2015; 40% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025.

Về các giải pháp và cơ chế, chính sách cũng được Chính phủ đặt ra như, tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh quá trình xây dựng ngành công nghiệp hóa dược trên cơ sở hình thành và phát triển bền vững các doanh nghiệp hóa dược thuộc mọi thành phần kinh tế; có cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích các DN đầu tư phát triển ngành công nghiệp hóa dược; đẩy nhanh việc chuyển giao và đổi mới công nghệ, dây chuyền máy móc thiết bị; ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất các sản phẩm hóa dược có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và tạo lập thị trường thuận lợi cho các sản phẩm hóa dược. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các DN thuộc mọi thành phần kinh tế ở trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển ngành công nghiệp hóa dược. Cho vay vốn ưu đãi đối với các DN sản xuất nguyên liệu thuốc, đặc biệt là nguyên liệu thuốc thiết yếu phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tạo môi trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Giảm hoặc miễn thuế đối với những loại nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc thiết yếu phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia về thuốc và sản xuất hàng xuất khẩu...

K.TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=356
Quay lên trên