Thị trường Tết: Ổn định, nhưng cần phòng ngừa!

Cập nhật: 13-01-2014 | 00:00:00

Lệ thường, giá cả hàng hóa cuối năm thường tăng vọt, nhưng năm nay, đến thời điểm này giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn chưa có sự biến động lớn. Đó là tín hiệu đáng mừng trong điều kiện kinh tế khó khăn.  

Nhiều mặt hàng chưa có sự biến động lớn, nhưng cần chủ động can thiệp khi có sự tăng giá đột biến để bình ổn thị trường. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opMart Bình Dương

Giá tăng nhẹ ở một số mặt hàng

Thời điểm này, giá các loại bánh, mứt dao động quanh mức từ 80.000 - 130.000 đồng/kg, tùy loại. Giá các loại mứt chỉ tăng nhẹ (khoảng 5%) so với năm trước, giá các loại bánh vẫn ổn định. Vào thời gian này, do sức mua chưa mạnh nên các tiểu thương có sự thận trọng trong việc nhập hàng. Chủ cửa hàng bánh kẹo Ngọc Nga (đường Đoàn Trần Nghiệp, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một) cho biết: “Năm nay, tôi nhập hàng hóa có sự hạn chế, số vốn dành để nhập hàng khoảng 100 triệu đồng gồm bánh, kẹo, mứt, các loại khô... Hàng hết đến đâu, nhập thêm đến đấy và chỉ vừa đủ bán đến giáp tết chứ không nhập hàng dư thừa như các năm trước.

Theo nhiều tiểu thương, lượng hàng thực phẩm khô nhập về vẫn ổn định so với trước. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng công nghệ thực phẩm có nhích lên nhưng chỉ khoảng 500 - 2.000 đồng/sản phẩm. Bà Đỗ Thị Minh, chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ Búng (TX.Thuận An) cho biết, giá một vài mặt hàng như bánh tráng, mì sợi khô, bún gạo khô tăng nhẹ trong khoảng một tuần trở lại. Cụ thể, bánh tráng bò bía hiệu Xuân Mai tăng lên 500 đồng/bịch; mì Saphaco tăng thêm 1.000 đồng/bịch. bột ngọt, dầu ăn (loại bán ký) tăng thêm 2.000 đồng/kg... Giá nhích lên do nhu cầu sử dụng những mặt hàng này tăng lên trong dịp Tết Nguyên đán… Cùng trong xu hướng giá tăng, tại các chợ trên địa bàn Thủ Dầu Một giá bán lẻ các loại gạo, lúa, nếp cũng tăng thêm 1.000 - 1.500 đồng/kg. Hiện giá gạo Nàng Hương Chợ Đào, thơm Đài Loan là 18.000 đồng/ kg, các loại gạo thơm Hoa Cau, Kim Sen giá từ 19.000 - 22.500 đồng/kg; nếp tóc, nếp Thái lên mức 23.000 - 24.000 đồng/kg… Khảo sát thị trường cho thấy, giá 3 mặt hàng tăng mạnh khiến nhiều người tiêu dùng “nhăn mặt” là giá mặt hàng đậu xanh hạt tăng mạnh từ 20.000 đồng/kg lên mức 38.000 đồng/kg. Ngoài ra, nấm đông đã tăng rất mạnh từ 280.000 đồng lên 320.000 đồng/ kg. Sở dĩ, giá mặt hàng này tăng cao là do nguồn hàng về chợ từ hơn tuần qua bị gián đoạn, hụt hàng. Và nay, càng gần tết giá càng tăng. Ngoài ra, hiện giá tôm khô các loại đã tăng khoảng 20.000 - 45.000 đồng/kg. Dự báo, giá tôm khô sẽ tiếp tục tăng khoảng 30.000 - 40.000 đồng/ kg từ nay đến 27 tết. Nguyên nhân do thời tiết lạnh, nên lượng tôm không nhiều, cầu tăng cung giảm, đẩy giá tăng. Theo nhận xét chung của chủ các đại lý tại chợ Thủ Dầu Một, nhìn chung năm nay giá cả thị trường không diễn biến giá tăng hỗn loạn, ồ ạt trên các mặt hàng như các năm trước mà giá chỉ tăng tập trung ở một số mặt hàng được tiêu thụ nhiều, còn lại hầu hết đều vẫn trong xu hướng ổn định. Nguyên nhân, do nền kinh tế đang ở trạng thái suy kiệt, tiêu dùng mua sắm cá nhân đang tiếp tục bị thu hẹp nên sức mua trên thị trường bị giới hạn.

Siêu thị cam kết hàng hóa đầy đủ, giá ổn định

Tại các siêu thị (ST) lớn trên địa bàn, ngoài bảo đảm nguồn hàng, các ST cũng sẽ tham gia bình ổn thị trường khi có biến động giá cả xảy ra. Đến thời điểm này, lượng hàng hóa nhập về ở các ST như Big C, Vinatex, Co.opMart, Citimart, Metro… tương đối đầy đủ. Vinatex Mart đã nhập về hàng chục ngàn mặt hàng, tổng trị giá khoảng 20 tỷ đồng. Còn Big C Bình Dương, Dĩ An cũng đã nhập trên 20.000 mặt hàng với trị giá khoảng 180 tỷ đồng… Công ty Cổ phần Thương mại du lịch Bình Dương cũng đầu tư 15 tỷ đồng cho các mặt hàng bia, nước giải khát… Riêng mặt hàng gạo, nếp, xăng dầu, thuốc trị bệnh… thì các điểm bán bình ổn đã khởi động. Nhìn chung nguồn hàng rất phong phú, đa dạng, các doanh nghiệp, ST đã sẵn sàng tham gia phục vụ thị trường tết. Vì vậy, tình trạng tăng giá đột biến trong dịp tết năm nay dự báo là sẽ không diễn ra.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, sở đã phối hợp cùng với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch dự trữ bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2014. Bên cạnh đó, sở cũng chỉ đạo các đội quản lý thị trường kiểm tra chặt chẽ việc bán hàng bình ổn đúng mục đích và bán theo giá đã đăng ký với cơ quan quản lý. Xử lý nghiêm hiện tượng lợi dụng sự biến động của thị trường để tăng giá bất hợp lý, hoặc đầu cơ găm hàng làm phương hại đến lợi ích người tiêu dùng. Một công tác khác đó là từ đây đến trước tết, các doanh nghiệp cũng sẽ tổ chức các phiên chợ vui, phiên chợ hàng Việt về nông thôn ở Dầu Tiếng, Tân Uyên… và các khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu mua sắm trước và trong dịp tết.

Thống kê cho thấy, sức mua năm sau thường cao hơn năm trước khoảng 20%, nhưng năm nay, một số đơn vị kinh doanh dự báo chỉ tăng khoảng 15% so với Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Tuy sức mua yếu nhưng không có nghĩa là Bình Dương nằm ngoài những cơn sốt giá có thể xảy ra với các loại hàng hóa. Vào sáng ngày 28 Tết Quý Tỵ 2013 đã diễn ra tình trạng sốt giá thịt heo (từ 96.000 đồng tăng lên 140.000 đồng/kg) tại các chợ Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An nhưng sức ảnh hưởng không lớn nhờ những biện pháp can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng. Đó có thể coi là bài học kinh nghiệm quý để bình ổn thị trường khi có sự biến động xảy ra.

TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên