Bài 3: Người Việt dùng mỹ phẩm Việt
Nền kinh tế Việt Nam ngày một khởi sắc trong những thập niên vừa qua. Năm 2014 GDP bình quân đạt mức 2028 USD/người/ năm, đời sống người dân đang được cải thiện rõ rệt, cùng với đó nhu cầu làm đẹp cũng tăng theo. Đặc biệt nhu cầu làm đẹp nói riêng và chăm sóc sức khỏe nói chung ngày càng được nâng cao. Thị trường mỹ phẩm Việt Nam đầy tiềm năng với quy mô dân số 90 triệu người.
Người tiêu dùng Việt ngày càng tin tưởng chọn dùng mỹ phẩm Việt Nam. Trong ảnh: Chọn mua mỹ phẩm tại Siêu thị Co.op Mart Bình Dương
Cuộc cạnh tranh không cân sức
Hội Hóa mỹ phẩm TP.HCM cho biết, thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện nay có đến 90% rơi vào tay các thương hiệu, tập đoàn nước ngoài. Có thể nói, cuộc chiến ngành mỹ phẩm tại thị trường nội địa đang diễn ra không cân sức… Các doanh nghiệp (DN) trong nước tham gia ngành hóa mỹ phẩm nắm giữ chỉ có 10% thị phần.
Doanh thu ngành mỹ phẩm Việt Nam ước tính đạt hơn 15.000 tỷ đồng trong năm 2014. Thị trường mỹ phẩm ngày càng được rộng mở với nhiều hình thức và quy mô ngày càng tăng cao. Tuy nhiên để các DN nội đứng vững trước xu thế hội nhập toàn cầu, đưa ngành mỹ phẩm Việt Nam thành một ngành công nghiệp thật sự vững mạnh thì vẫn còn rất nhiều việc để làm.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Cục Quản lý dược Bộ Y tế nhận định, hiện ngành hóa mỹ phẩm tại VN đã được “cởi trói”, không chịu nhiều ràng buộc về các quy định pháp luật như trước nữa. Có thể nói với ngành mỹ phẩm hiện nay, bất cứ cá nhân nào, DN nào đều có thể dễ dàng tham gia vào thị trường tiềm năng này. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành mỹ phẩm đặt ra không chỉ gây khó khăn cho việc quản lý, mà còn là một thách thức thật sự cho từng DN trong nước. Nếu không có chiến thuật tốt, các DN mỹ phẩm VN sẽ thua thiệt ngay trên sân nhà.
Lợi thế của các DN Việt Nam hiện nay là có sẵn thị trường khách hàng tiềm năng với dân số hơn 90 triệu người, VN là nước nằm ở vùng nhiệt đới thích hợp phát triển trồng cây hương liệu phục vụ nhu cầu nguyên liệu sản xuất và các DN nội dễ dàng tiếp cận các chính sách, cơ chế của nhà nước hơn các DN nước ngoài… Tuy nhiên, lợi thế đó vẫn chưa thực sự là “át chủ bài” của các DN nội khi tham gia thị trường mỹ phẩm.
Ngoài dòng mỹ phẩm cao cấp từ châu Âu, Mỹ… mỹ phẩm bình dân chiếm số đông lượng khách hàng tiêu thụ, hiện đang là “sân chơi” của các DN Hàn Quốc, Nhật Bản… và sắp tới đây rất có thể là Thái Lan.
Điểm yếu của các DN mỹ phẩm hiện nay là vẫn còn chưa trú trọng đến việc thiết kế mẫu mã, bao bì… để nâng cao giá trị sản phẩm. Nhiều DN chưa chú trọng đến chiến lược quảng bá thương hiệu, hình ảnh; chưa tận dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất, cũng như phân phối sản phẩm.
Bên cạnh đó, ngành mỹ phẩm Việt Nam cũng đang bị chi phối từ các DN Trung Quốc. Tình trạng hàng nhái, hàng giả các thương hiệu trong nước và ngoài nước từ các DN Trung Quốc diễn ra ngày càng tinh vi hơn, phức tạp hơn… gây mất lòng tin người tiêu dùng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN.
Người tiêu dùng Việt quyết định
Trong bức tranh không mấy khả quan của DN nội địa với thị trường mỹ phẩm, vẫn nổi lên một số thương hiệu nội đủ sức làm hài lòng người tiêu dùng trong nước như: X-men, Dr Men, Mỹ Hảo, Thorakao, Miss Sài Gòn…
Chị Trần Thị Trâm Anh (TP. Thủ Dầu Một) chia sẻ: “Không chỉ riêng trong việc sử dụng mỹ phẩm, tôi và gia đình vẫn giữ thói quen dùng hàng Việt trong hàng chục năm qua. Mấy năm gần đây, điều kiện kinh tế cho phép tôi chú trọng hơn việc trang điểm sắc đẹp. Một điều chắc chắn là tôi luôn chọn mỹ phẩm do Việt Nam sản xuất để sử dụng”. Theo chị Trâm, mỹ phẩm nội ngày được tin dùng bởi giá thành rẻ hơn, mà chất lượng lại tương đương, thậm chí nhiều sản phẩm như nước hoa, dầu gội, kem dưỡng da chất lượng còn hơn hẳn thương hiệu nước ngoài.
Bà Thái Bích Châu, một doanh nhân tại Thuận An cho biết, công việc làm ăn buộc bà phải thường xuyên giao tiếp và trang điểm là rất cần thiết khi bà gặp đối tác. Mỹ phẩm bà lựa chọn vẫn là các thương Việt như Thorakao, Miss Sài Gòn, Sắc Ngọc Khang… theo bà chất lượng các sản phẩm này không hề thua kém sản phẩm ngoại hay hàng hiệu mà lại an tâm hơn khi sử dụng.
Một DN mỹ phẩm chia sẻ, rất nhiều người Việt vẫn mặn mà với hàng mỹ phẩm nội, bởi không ai hiểu người Việt bằng chính các DN Việt cả. Mỗi sản phẩm ra đời đó là kết tinh văn hóa, y học cổ truyền, những bí quyết được cha ông truyền lại từ nhiều thế hệ mà DN ngoại không thể có được.
Ông Vũ Cao Thăng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hoa Thiên Phú, đơn vị đặt nhà máy sản xuất tại Bình Dương cho biết, hiện tại công ty đã có trên 20 sản phẩm liên quan đến sức khỏe và làm đẹp phục vụ đa dạng đối tượng. Với lợi thế về hệ thống nhà máy quy mô, hiện đại đạt chuẩn quốc tế; nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, uy tín; đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm; ban lãnh đạo tâm huyết… Công ty Dược phẩm Hoa Thiên Phú luôn tự tin đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu ngoại nhập. Điều này không những thể hiện những nỗ lực không ngừng nghỉ của công ty nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mà còn đền đáp xứng đáng lòng tin tuyệt vời của người tiêu dùng Việt Nam biết chọn đặt niềm tin cho DN mỹ phẩm Việt Nam.
PHÙNG HIẾU