Thị trường tín dụng tăng trưởng lạc quan

Cập nhật: 28-02-2023 | 08:43:15

Thị trường tín dụng năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, thanh khoản của toàn hệ thống được bảo đảm, huy động vốn tăng, vốn đến đúng đối tượng khách hàng, doanh nghiệp (DN). Trong năm 2023, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn sẽ tiếp tục ưu tiên vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi cho nền kinh tế.

Hiệu quả nâng cao

Bình Dương hiện có 79 TCTD hoạt động với mạng lưới 185 phòng giao dịch ngân hàng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương, năm 2022, vốn huy động của các TCTD đạt 276.274 tỷ đồng (vốn huy động bằng VND chiếm 90,42%), tăng 1,27% so với cuối năm 2021.

Mặt bằng lãi suất huy động năm 2022 đã giảm nhẹ so với năm 2021 nhưng vốn huy động vẫn bảo đảm tăng trưởng. Điều này cho thấy mục tiêu giảm lãi suất đã đạt được kết quả tích cực và kênh tiết kiệm tiền gửi vẫn là lựa chọn ưu tiên của DN, tổ chức, người dân. Bên cạnh đó, việc huy động từ giấy tờ có giá trị của các TCTD tăng 3.566 tỷ đồng, tương đương tăng 1,29%, đã bổ sung vào tăng trưởng nguồn huy động phục vụ cho kinh tế.

Các tổ chức tín dụng đang tối ưu hóa việc sử dụng vốn để tăng nhanh vòng quay. Trong ảnh: Khách hàng gửi tiền nhàn rỗi tại BIDV - Phòng Giao dịch Hòa Phú

Tổng dư nợ cho vay đến cuối năm 2022 đạt 285.576 tỷ đồng, tăng 12,38%. Trong đó, cho vay ngắn hạn chiếm 53,67%; cho vay trung dài hạn chiếm 46,533%. Theo NHNN - Chi nhánh Bình Dương, dư nợ cho vay ngắn hạn vẫn chiếm tỷ lệ chủ đạo (89,16%), góp phần nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế địa phương. Cụ thể là dư nợ cho vay VND vẫn là chủ yếu.

Để tăng cường hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là khối DN, các TCTD trên địa bàn đều quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho DN, tập trung vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên, đạt 166.924 tỷ đồng, chiếm 58,49% trên tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng nông nghiệp, nông thôn 79.830 tỷ đồng, xuất khẩu 16.350 đồng, hỗ trợ DN vừa và nhỏ 64.441 tỷ đồng, công nghiệp hỗ trợ 5.625 tỷ đồng, cho vay DN ứng dụng công nghệ cao 678 tỷ đồng.

Khơi thông dòng tín dụng

Ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) - Chi nhánh Bình Dương, cho biết năm 2022, chi nhánh đã triển khai 10 chương trình tín dụng, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương. Đánh giá chất lượng tín dụng, ông cũng cho biết, từ giữa năm 2022 tình hình việc làm trên địa bàn giảm đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của DN, người dân, nhất là các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, đã tác động lớn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn, có thời điểm nợ quá hạn trên 2% tổng dư nợ. Tuy nhiên, hệ thống NHCSXH trên địa bàn đã thường xuyên phối hợp với tổ chức nhận ủy thác, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan thực hiện quyết liệt, đồng bộ những giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn.

Cũng theo ông Võ Văn Đức, khó khăn lớn nhất của chi nhánh do vướng mắc trong nghiệp vụ quản lý, ủy thác vốn nên hệ thống NHCSXH trên địa bàn không nhận được vốn ủy thác mới từ ngân sách địa phương. Từ đó, chi nhánh không đáp ứng yêu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thời gian tới, chi nhánh tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, nâng hạn mức cho vay vốn hộ cận nghèo, nỗ lực đưa vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng. Ngoài ra, sẽ tiếp tục xin tăng vốn từ Trung ương, tỉnh và cần sự ủng hộ của các cấp, ngành tỉnh để thúc đẩy tăng nguồn vốn ưu tiên cho các đối tượng chính sách.

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương, cho biết BIDV hiện có 4 phòng giao dịch trên địa bàn. Hiện chi nhánh đang tiếp tục mở rộng đối tượng cho vay, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất nhằm khơi thông dòng vốn đến khách hàng. “Chúng tôi tin rằng việc bổ sung vốn đúng thời điểm, kịp thời cho khách hàng sẽ là cơ hội tốt để khách hàng hoàn thành những dự định về kinh doanh ngay trong quý I và cả năm 2023”.

Lãnh đạo các ngân hàng khác như Agribank, Vietinbank, HDbank, Sacombank… cũng cho biết năm qua, dù phải giảm lợi nhuận, nhưng các chi nhánh sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tiếp sức và dành hàng trăm tỷ đồng cho cộng đồng DN, khách hàng vay vốn. Kế hoạch của các chi nhánh là tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức 10-15% nhằm khơi dòng tín dụng, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp nhất.

Năm 2023, NHNN - Chi nhánh Bình Dương điều hành theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, kiểm soát tăng trưởng phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế địa phương. Ngoài ra, chi nhánh phát động thi đua đến các TCTD trên địa bàn với mục tiêu thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương: “Trong năm, mức tín dụng tăng trưởng và hiệu quả dòng vốn đã được nâng cao, cơ cấu tín dụng hợp lý và an toàn hơn. Tín dụng đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tính kỷ luật thị trường tiếp tục được tăng cường, thanh khoản hệ thống ngân hàng bảo đảm và ổn định. Đặc biệt, dòng vốn đưa ra thị trường được bảo đảm và chất lượng tăng trưởng tín dụng được chi nhánh và các TCTD kiểm soát chặt chẽ.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=398
Quay lên trên