Thị trường vàng, ngoại tệ qua ý kiến của các chuyên gia

Cập nhật: 14-02-2011 | 00:00:00

Thị trường vàng, ngoại tệ qua ý kiến của các chuyên gia

Xoay quanh giá vàng và ngoại tệ trong thời gian tới, các chuyên gia Việt Nam có những nhận định gì? Vấn đề này được trao đổi với ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vàng Bạc Đá quý SJC; ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Kinh doanh Vàng Việt Nam.

Người ta không thể in... vàng!

“Tiền thì bất cứ chính phủ nào trên thế giới cũng có thể in được nhưng vàng thì không”. Ông Lê Hùng Dũng, mở đầu câu chuyện. Theo ông Dũng vì không thể in vàng nên lịch sử 40 năm gần đây của vàng đã cho thấy xu hướng diễn biến chính của giá vàng tương lai khi những điều kiện cho sự tăng giá này hầu như không thay đổi trong năm 2011. Các nhân tố dưới đây có thể sẽ tiếp tục tác động lớn đến xu hướng tăng giá vàng năm 2011.

 

Người mua vàng cần tỉnh táo trong các quyết định của mình

Trước tiên, theo thống kê thì có một mối liên hệ chặt chẽ giữa nợ công của Chính phủ Mỹ và giá vàng: Năm 2010, nợ công của Chính phủ Mỹ là 13.800 tỷ USD thì giá vàng trung bình là 1.350 USD/ounce, dự báo năm 2011 nợ công 15.300 tỷ USD/giá vàng sẽ là 1.500 USD/ounce, năm 2012 nợ công 16.500 tỷ USD/giá vàng sẽ là 1.663 USD/ounce. Chương trình nới lỏng tiền tệ đợt QE2 (Quantiative easing 2) 600 tỷ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực chất là in thêm tiền để cứu nền kinh tế Mỹ. Trước đó, năm 2008, Fed cũng đã có chương trình nới lỏng tiền tệ QE1 với mức dự kiến ban đầu 800 tỷ USD nhưng sau đó con số này đã lên đến 1.700 tỷ USD nhưng bị đánh giá là không có hiệu quả. Nay, với QE2, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định là quy mô của QE2 rồi sẽ không dừng lại ở con số 600 tỷ USD, giống như QE1. Như vậy, một lượng USD khổng lồ được in và bơm ra thị trường. Dòng tiền nóng này được đưa vào lưu thông đã và sẽ làm cho lạm phát tăng lên không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước có dòng tiền này đổ vào do có sự chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và các nước. Do vậy, vàng tăng giá là điều không tránh khỏi. Theo thống kê, năm 2010 khi USD mất giá 26% thì giá vàng tăng 37%, đây là năm thứ 10, giá vàng tăng liên tiếp.

Ông Lê Hùng Dũng cho rằng để đối phó với dòng USD  “nóng” đó của Mỹ, các nước mà đáng chú ý nhất là Trung Quốc, đã lập ra các quỹ kinh doanh vàng ETF’s (Exchange Trade Funds). Đến nay, các quỹ ETF đã mua khoảng 2.000 tấn vàng. Hiện lượng vàng họ nắm đang đứng hàng thứ sáu thế giới. Nếu các ETF giữ tốc độ mua như vậy, thì đến năm 2012 Trung Quốc sẽ vươn lên thứ 3 về lượng vàng nắm giữ chỉ sau Mỹ và Đức.

“Hiện nay, với dự trữ 2.600 tỷ USD thì vàng chỉ chiếm 1,7% trong tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện ở mức 1.054 tấn. Nay, nếu Trung Quốc tăng tỷ lệ dự trữ vàng từ 1,7% lên 2 - 3% và đồng thời lượng dự trữ ngoại hối của họ tăng lên đều đặn thì nhu cầu này sẽ đặt ra một sức ép hết sức lớn và đều đặn lên việc cung vàng và giá vàng”. Ông Lê Hùng Dũng, dự báo.

Mê cung giá vàng

“Sự biến động tăng giảm giá vàng với biên độ lớn trong 2 năm trở lại đây phản ánh bất ổn của tài chính tiền tệ thế giới. Giá vàng sẽ biến động thế nào, không ai biết trước được. Do vậy, theo tôi người tiêu dùng nếu muốn giữ vàng làm tài sản, tiết kiệm thì chọn thời điểm thích hợp, giá không sốt để mua vàng vào và không quan tâm biến động giá nữa. Việc tìm kiếm lợi nhuận từ mua bán vàng hãy dành cho những người kinh doanh vàng chuyên nghiệp!”. Ông Nguyễn Thành Long, tham vấn. So với giá chứng khoán, giá vàng thế giới năm 2010 vượt gấp đôi chỉ số Down Jones công nghiệp và tăng 10,27% và giảm 7,5% so với với chỉ số VN Index. Như vậy, nếu tính theo giá vàng Việt Nam thì tính từ đầu năm 2010, giá vàng tăng trên 30%.

Tâm lý đầu cơ tích trữ vàng của người Việt Nam mình và nguyên nhân như tỷ lệ lạm phát cao, thị trường chứng khoán không hấp dẫn... thì người đầu cơ và người dân chuyển sang mua vàng. Nguyên nhân này hay nguyên nhân nào khác khiến giá vàng tăng cao như vậy? “Tôi đồng ý nguyên nhân cơ bản đó. Người Việt Nam khác người phương Tây. Người phương Tây không giữ vàng miếng trong khi người Việt Nam có tập quán giữ vàng, mỗi gia đình đều có dự trữ vàng để đối phó với khó khăn... Tôi cho rằng giá vàng ảnh hưởng nhiều về vấn đề tâm lý vì kinh tế chưa ổn định nên họ giữ vàng và tình hình lạm phát nên khiến người ta giữ vàng. Tôi cho điều này là hợp lý, ảnh hưởng sau này là thông tin cũng tác động đến tâm lý. Vì giá vàng thế giới tác động từng phút và dự đoán của báo chí giá vàng tăng nên cũng tạo tâm lý người dân đổ xô vào vàng. Trước đây, người kinh doanh vàng không nhiều như bây giờ. Thời gian sau có nhiều người kinh doanh vàng lớn họ thấy chơi trên sàn vàng có hiệu quả, có chênh lệch nên nhiều người đổ xô kinh doanh vàng và ngoài nhu cầu thực của người dân, cũng có nhu cầu ảo!”. Ông Nguyễn Thành Long, phân tích.

Theo ông Long, kinh doanh vàng là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, nên dành cho người kinh doanh chuyên nghiệp có thắng có thua. Giá vàng không đứng yên một chỗ trong một khoảng thời gian dài, giá vàng lên theo hình răng cưa, xuống ít, lên nhiều. Đó là cơ hội cho người kinh doanh có hiệu quả, đồng thời là bẫy cho người kinh doanh thiếu may mắn, không có vốn, nôn nóng.

“Ví dụ như ta có vốn nhiều ta cứ giữ một số lượng vàng đó, hôm nay nó xuống nhưng mai nó lên. Nếu mình không có vốn, phải đi vay ngân hàng, đến thời điểm nào đó mình hoảng sợ, rồi có khi thay vì cắt lỗ, nhưng có một số người không đủ can đảm cắt lỗ dẫn tới rủi ro cao. Một số người nếu thấy giữ vàng để giữ giá trị thì mình có thể tích lũy vàng như sự phòng thân của cuộc đời chứ không nên chạy theo kinh doanh, đồng thời giữ tâm lý vững vàng vì vàng lên xuống rất thất thường”. Ông Nguyễn Thành Long, nhắc nhở về sự tỉnh táo trong kinh doanh vàng.

Có gan làm giàu!

Góc nhìn khác, ông Huỳnh Trung Khánh đưa ra 3 lời khuyên nếu như người dân vẫn thích làm nhà đầu tư vàng.

Một, dành thời gian để theo dõi sát tình hình biến động của kinh tế thế giới thông qua các kênh truyền hình như là Bloomberg, CNBC... để có thể kịp thời nắm vững những thông số kinh tế có thể ít nhiều ảnh hưởng đến tỷ giá đô la Mỹ so với các ngoại tệ mạnh khác (Dollar Index), giá dầu thô, để từ đó có thể dự đoán được hướng đi của giá vàng trong ngắn hạn. Hai, cần phải học cách nghiên cứu cách phân tích các biểu đồ kỹ thuật ít nhất là căn bản như RSI, MACD... hoặc Ichimoku để từ đó xác định được mức hỗ trợ (support level) và mức cản kỹ thuật (resistant level), nhằm đưa ra những quyết định kịp thời trong quá trình giao dịch. Ba, tuân thủ một cách có kỷ luật những mức chốt lời và cắt lỗ do mình tự đặt ra. Ví dụ: cắt lỗ khi giá vàng biến động nghịch với trạng thái khoảng 5 USDr/oz hoặc chốt lời khi giá vàng biến động thuận chiều khoảng 15 USD/oz. Tuy nhiên, những mức cắt lỗ hay chốt lời tùy thuộc vào biên độ dao động trong ngày.

“Ngoài ra để hạn chế lỗ lớn trong khi giá vàng biến động mạnh chúng ta cần phải thật thận trọng trước khi vào trạng thái, cân nhắc để có thể dự đoán chính xác đâu là đỉnh đâu là đáy của chu kỳ biến động trước khi quyết định mua hoặc bán”. Ông Huỳnh Trung Khánh nhắc nhở bằng kinh nghiệm của người từng là Trưởng Đại diện Hội đồng Vàng Thế giới tại Việt Nam.

T.VY - N.PHÚC - M.CHÂU

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có quyết định điều chỉnh tỷ giá chính thức (tỷ giá bình quân liên ngân hàng) áp dụng từ ngày 11-2-2011.          

Điểm đáng chú ý của lần tăng tỷ giá này là:

- Về thời điểm, tuy không bất ngờ vì đã được dự báo trước cả tháng và cũng khá chậm trước sự chênh lệch cao kéo dài của 2 loại tỷ giá; nhưng có sự  lựa chọn khá tối ưu khi công bố vào đúng ngày cuối tuần làm việc, giúp giảm bớt những phản ứng bộc phát của thị trường;

- Về mức điều chỉnh, lớn và gây sốc nhất trong suốt hơn một năm qua, với giá USD trong giao dịch liên ngân hàng đã tăng 1.700 đồng, từ mức 18.932 VND  lên mức 20.693 VND/USD  -  tức tăng hơn 9,3% so với mức tăng 2,1% trong đợt điều chỉnh tỷ giá ngày 18-8-2010 và tăng 3,36% ngày 11-2-2010. Như vậy, trong vòng đúng 1 năm qua, NHNN đã chính thức 3 lần điều chỉnh tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng với mức tăng tổng cộng 14,46%

- Về biên độ, tiếp tục xu hướng thu hẹp biên độ giao dịch qua 3 lần điều chỉnh tỷ giá trong vòng 1 năm qua, theo đó, biên độ giao dịch đã liên tục thu hẹp dần từ  +- 5%, rồi giảm tiếp và giữ nguyên ở mức +- 3% và lần này xuống gần như mức tối thiểu, chỉ còn +- 1%.

T.S (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=339
Quay lên trên