Thị trường vốn còn nhiều nút thắt

Cập nhật: 06-04-2011 | 00:00:00

Đầu quý II-2011, thị trường vốn của Việt Nam dường như đang có quá nhiều nút thắt cần nhanh chóng tháo gỡ. Ghi nhận cho thấy đang có một tâm lý chung: chấp nhận “ăn đong” chính sách để có thể tồn tại qua cơn khủng hoảng.

“Ăn đong” chính sách

3 tháng đầu năm 2011, tăng trưởng tín dụng vẫn còn cao, lạm phát chưa có dấu hiệu giảm, việc mạnh tay với chính sách tiền tệ có thể là cách lựa chọn tốt nhất cho điều hành kinh tế nhằm đặt mục tiêu chống lạm phát. Yêu cầu “mạnh tay” đó chính là ý kiến nên sớm tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đại diện GP Bank cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang bỏ ngỏ việc sẽ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 1% nên các ngân hàng (NH) rất lo lắng. Do vậy, NH nào cũng trong tư thế phòng thủ, tìm mọi cách để thu hút lượng tiền gửi.

 

Doanh nghiệp tiếp tục khó khăn trong tìm đồng vốn với mức lãi suất “có thể thở được” để sản xuất - kinh doanh...

Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại khi tăng dự trữ bắt buộc, bởi những lý do về thanh khoản cũng như nỗi lo đẩy NH vào vòng xoáy tăng lãi suất (LS) cho vay và lạm phát. Xét về lý thuyết, khi tăng dự trữ bắt buộc thì một lượng tiền lớn sẽ đổ vào NH Nhà nước, các NH mất lượng vốn khả dụng, tăng chi phí vốn và việc thắt chặt tín dụng trở nên hiệu quả nhất. Còn khó khăn thanh khoản, đó chỉ là chuyện của một số NH yếu kém buộc phải chấp nhận như sự sàng lọc trong khó khăn. 

Từ đầu năm đến nay, NH Nhà nước siết chặt nguồn tiền thông qua công cụ LS, các NH “đại gia” tăng LS cho vay trên thị trường liên NH và các NH nhỏ buộc phải đua LS... cho thấy rất rõ về tình huống điển hình về những khó khăn thanh khoản của các NH đang hiện hữu.

Trong khi đó, nguồn huy động vào từ dân cư và doanh nghiệp ngày một khó hơn. Vì thế, tăng mạnh nhất sẽ là LS ngắn hạn và không kỳ hạn - biểu hiện của những khó khăn trước mắt mà NH chưa có cách nào để vượt qua. “Đành phải sử dụng cách làm nhiều năm nay là chấp nhận “ăn đong” với giá đắt để khỏa lấp nỗi lo thanh khoản qua ngày. Chính sự trông chờ vào vốn ngắn hạn còn luôn đặt các NH vào sự đe dọa bất ổn nguồn vốn. Đó như một vòng tròn rủi ro bế tắc đối với các NH...”, một chuyên gia NH cho hay.

Giảm LS đầu ra: chuyện không tưởng!

Hiện tại các NH bằng mọi cách tăng trần LS huy động. Người dân có tiền đi gửi tại các NH hiện nay nếu có số dư ít thì nhận được những khuyến mãi khá lớn, nếu có số dư lớn trên 500 triệu đồng thì hoàn toàn có thể thỏa thuận đẩy mức LS vượt rào.

Một chuyên gia từ Hiệp hội NH chia sẻ, việc NH Nhà nước điều chỉnh tăng một loạt mức LS gần đây đã có tác động gián tiếp đến LS chào vay của các NH thương mại lớn trên thị trường liên NH. Các NH lớn có nguồn tiền mặt đang tăng LS trên thị trường này để kiếm lãi, trong khi nhu cầu vốn đáp ứng thanh khoản trước mắt của các NH nhỏ rất lớn do vay LS liên NH qua đêm có lúc lên đến 16 -17%/năm, thậm chí 17 - 20%/năm. Do vậy, huy động LS không kỳ hạn của dân cư 9 - 14%/năm đối với các NH thương mại vẫn lợi hơn là vay liên NH LS cao.

Một tình huống khác đang diễn ra mà chưa thấy một động thái nào từ NH Nhà nước: Sở Giao dịch NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đưa ra sản phẩm gửi tiền tiết kiệm bằng VND bảo đảm bằng USD. Có hai chiều ý kiến xoay quanh sự kiện này: thứ nhất, giá trị của VND trong mắt NH và người gửi tiền hiện nay như thế nào để phải bảo đảm bằng USD? Thứ hai, cơ chế bảo đảm đó có tuân thủ đúng quy định về trần LS huy động VND tối đa 14%/năm hay không?

Sau Agribank, một số NH thương mại cổ phần cũng lập tức tung ra sản phẩm huy động loại này. Theo giới thiệu của một nhà băng, đây là sản phẩm “bảo vệ người gửi tiền trước mọi biến động tỷ giá”. Cụ thể, khách hàng gửi tiền bằng VND, theo một số kỳ hạn nhất định, phương thức bảo đảm giá trị cho người gửi tiền được xác định theo 2 trường hợp. Trường hợp 1, nếu tỷ giá USD/VND biến động giảm hoặc bằng vào ngày đáo hạn, khách hàng sẽ được hưởng toàn bộ tiền gốc ban đầu cộng với tiền lãi tính theo LS 14%/năm và thời gian thực gửi. Trường hợp 2, nếu tỷ giá USD/VND biến động tăng vào ngày đáo hạn, khách hàng sẽ được hưởng toàn bộ tiền gốc ban đầu cộng với tiền lãi tính theo LS 14% và thời gian thực gửi; cộng thêm phần bù đắp tỷ giá tính bằng số tiền gửi gốc ban đầu (nhưng được quy đổi ra USD theo tỷ giá bán bán mà NH niêm yết tại ngày gửi) nhân với mức chênh lệch giữa tỷ giá bán ra của ngày đáo hạn và tỷ giá bán ra của ngày gửi.

THẢO VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên