Ghi nhận trong “tháng nước rút” đầu tiên của quý IV-2023 cho thấy tình hình sản xuất, xuất khẩu, thị trường bán lẻ tiêu dùng nội địa đều có nhiều dấu hiệu tích cực. Chính sách giảm thuế VAT 2% kéo dài đến hết tháng 6-2024 và nhiều giải pháp hỗ trợ của bộ, ngành, địa phương tiếp tục là chất “xúc tác” để doanh nghiệp (DN) tiết giảm chi phí sản xuất, người tiêu dùng được thụ hưởng sản phẩm có giá bình ổn vào dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán sắp đến.
Thị trường bán lẻ “ấm” trở lại
Khảo sát mới đây của Cục Thống kê tỉnh cho biết trong tháng 10-2023, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc theo hướng tăng dần. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động sản xuất sôi động, nhiều DN đã có đơn hàng và đang cần tuyển dụng thêm nhiều lao động, có việc làm giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, thúc đẩy sức mua trên thị trường tăng.
Ngành gỗ tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương. Trong ảnh: Sản xuất gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP.Tân Uyên. Ảnh: TIỂU MY
Nhìn chung, sức mua được phục hồi, nguồn cung các mặt hàng tương đối ổn định, giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm có xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước. Bên cạnh đó, giá mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng điều chỉnh giảm theo giá thế giới, riêng giá các mặt hàng khác không có biến động lớn.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước đạt 173.379 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Trong đó nhóm lương thực, thực phẩm đạt 48.738 tỷ đồng, đồ dùng gia đình đạt 13.224 tỷ đồng, phương tiện đi lại đạt 7.577 tỷ đồng; xăng dầu đạt 12.219 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 10 tháng năm 2023 đạt 23.611 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ 10 tháng năm 2023 đạt 54.263 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Hầu hết các ngành dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ, trong đó ghi nhận dịch vụ kinh doanh bất động sản có nhiều khởi sắc khi mức tăng 7,4% so với cùng kỳ. |
Cùng với đó, các ngành chức năng, địa phương, DN liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Công tác kiểm soát thị trường, bình ổn giá được chú trọng, bảo đảm không để xảy ra hiện tượng khan hiếm giả tạo hoặc tăng giá cục bộ ở một số mặt hàng đã góp phần ổn định mức tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ghi nhận trong tháng 10-2023 ước đạt gần 25.680 tỷ đồng. Các nhóm hàng có mức tăng khá so tháng trước, như: Lương thực, thực phẩm đạt gần 4.500 tỷ đồng, gỗ và vật liệu xây dựng đạt 7.222 tỷ đồng, phương tiện đi lại đạt 874 tỷ đồng, nhóm xăng dầu đạt 1.312 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 251.254 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Đây là những dấu hiệu tích cực mà các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đã đem lại lợi ích thiết thực cho DN và người tiêu dùng cũng như của cả nền kinh tế.
Xuất khẩu tăng cao
Ngay từ khi bước vào quý IV-2023, để đạt được kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhiều DN đã tăng tốc để hoàn thành các đơn hàng của đối tác đã giúp trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10-2023 ước đạt 2.780,7 triệu đô la Mỹ, tăng 19,5% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Giảm thuế VAT 2% và nhiều giải pháp tích cực khác góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và bình ổn thị trường tiêu dùng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại AEON thành phố mới Bình Dương
Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ... sụt giảm, đã tác động phần nào tới tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả tỉnh trong 10 tháng vừa qua. Tuy nhiên, ghi nhận 10 tháng năm 2023, ước xuất siêu của tỉnh vẫn gần 7,17 tỷ đô la Mỹ. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất với tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng ước đạt hơn 11,8 tỷ đô la Mỹ, EU đạt hơn 3,3 tỷ đô la Mỹ, Nhật Bản ước đạt hơn 1,9 tỷ đô la Mỹ… Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của DN trên địa địa bàn trong 10 tháng tập trung vào sản phẩm gỗ, ước đạt hơn 4,4 tỷ đô la Mỹ, hàng dệt may hơn 2,3 tỷ đô la Mỹ, giày da đạt gần 1,3 tỷ đô la Mỹ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ.
Hàng nhập khẩu từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và máy móc thiết bị. Trong đó, các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu đều giảm ở mức hai con số. Chẳng hạn như kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,2 tỷ đô la Mỹ, chiếm 12,1% tổng số, giảm 24% so với cùng kỳ; vải các loại đạt hơn 1,1 tỷ đô la Mỹ, giảm 19,7%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 526 triệu đô la Mỹ, giảm 27,3%...
Theo Sở Công thương, hiện đang vào giai đoạn nước rút để các DN hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu của cả năm 2023. Việc tiếp tục thông qua chính sách giảm thuế VAT 2% kéo dài đến tháng 6-2024 sẽ là một trong những điều kiện thuận lợi để các DN có thể giảm được chi phí sản xuất, chủ động ký kết được những đơn hàng trong năm 2024 với giá cạnh tranh. Đồng thời, người tiêu dùng cũng sẽ được thụ hưởng sản phẩm giá bình ổn, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 sắp tới.
MINH DUY