Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện như một “trận cuồng phong” làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống nhân dân. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, Bình Dương không dừng bước, quyết tâm vượt khó kiểm soát tình hình và chung sống an toàn với dịch bệnh Covid-19.
Đổi mới tư duy
Từ khi bắt đầu xuất hiện những ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại một số nước trên thế giới, người dân Bình Dương cảm thấy lo lắng nhưng tất cả đều đồng lòng quyết tâm “chống dịch như chống giặc”. Giai đoạn đầu, cả hệ thống chính trị Bình Dương đã thực hiện thành công mục tiêu “không Covid-19”. Thành công này đã được Chính phủ, Bộ Y tế đánh giá cao. Từ tháng 4-2021, khi dịch bệnh bùng phát ở các khu công nghiệp xen lẫn với các khu nhà trọ với diễn biến phức tạp, Bình Dương đã trải qua những thời khắc hết sức khó khăn.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người được Bộ Y tế cử vào hỗ trợ Bình Dương chống dịch nhớ lại: “Cuối tháng 7-2021 tôi đến Bình Dương hỗ trợ vận hành đơn vị hồi sức tích cực (ICU). Đến Bình Dương, điều luôn làm tôi trăn trở là dịch bệnh không khác gì cơn bão quét tràn qua những miền trù phú để lại cảnh xác xơ, lạnh lẽo. Nhà xưởng, trường học trở thành khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Những khuôn mặt của người dân toát lên sự căng thẳng, mệt mỏi. Trong khi đó, hạ tầng y tế của tỉnh không đáp ứng được diễn biến dịch bệnh: Thiếu nhân lực, máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị. Đối với việc xét nghiệm, chủ yếu dùng phương pháp xét nghiệm RT-PCR trả kết quả rất chậm, làm ảnh hưởng đến việc kiểm soát tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh”.
Tiêm vắc xin mũi 3 ngừa Covid-19 lưu động cho người lao động tại TX.Bến Cát
Cũng theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, giai đoạn cao điểm dịch bệnh, người dân Bình Dương gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế, dẫn đến quá tải và tử vong. Ngay từ đầu, Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị của Bình Dương đã vào cuộc rất quyết liệt, đồng bộ nhưng dịch bệnh đã ăn sâu vào các khu nhà trọ, khu dân cư mà đặc biệt là các khu công nghiệp gây khó khăn cho công tác phòng chống, dập dịch. Hệ thống y tế quá tải tại các cơ sở điều trị ở cả 3 tầng làm cho tỷ lệ tử vong tăng.
Trước thực tế số ca nhiễm cứ leo lên từng ngày, số ca tử vong chưa có dấu hiệu dừng lại, cả hệ thống chính trị tỉnh xác định cần phải nỗ lực gấp bội. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trải lòng: “Thực tế đó đặt yêu cầu cho Bình Dương cần có tư duy mới để sống chung với dịch bệnh. Các biện pháp can thiệp bằng phong tỏa, giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Tỉnh chuyển hướng chống dịch, chấp nhận F0 trong cộng đồng, theo đuổi đến cùng mục tiêu giảm thiểu tử vong, kiềm chế số ca mắc để phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở thực hiện nguyên tắc 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân, kết hợp với 3 trụ cột chống dịch là cách ly, xét nghiệm, điều trị, Bình Dương đã từng bước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế”.
Sống chung an toàn
Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, Bình Dương đã bám sát tình hình thực tế, bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu mà Chính phủ, Bộ Y tế giao để linh hoạt chỉ đạo, điều hành. Nhiều ổ dịch bệnh lớn đã được ngăn chặn, kiềm chế, qua đó đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống người dân dần trở lại bình thường. Các phân xưởng, nhà máy, ánh đèn điện luôn sáng rực soi rõ cho hàng ngàn công nhân làm việc. Số liệu thống kê cho thấy các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt kết quả tốt, được các tổ chức đánh giá tích cực. Phó Giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết: “Hiện việc xóa sổ vi rút SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 là điều khó có thể làm được. Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là bước chuyển mình để mỗi chúng ta thích ứng tốt hơn với bất kỳ khó khăn, thách thức nào trong tương lai”.
Bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, tỉnh tiếp tục triển khai 6 chiến lược y tế. Từ tỉnh có tốc độ tiêm phủ vắc xin ngừa Covid-19 thấp so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, Bình Dương đã vươn lên nằm trong tốp một số tỉnh đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin trên 97% dân số. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tỉnh tiêm vắc xin cho tất cả người dân trên địa bàn, đặc biệt là người có nguy cơ cao hoặc nguời dân từ các tỉnh, thành đến Bình Dương sinh sống, làm việc. Trong chiến lược quản lý và chăm sóc F0 tại nhà, Bình Dương đã thực hiện tốt các giải pháp chăm sóc, hỗ trợ F0 điều trị và chủ động cập nhật danh sách F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trên từng địa bàn. Tỉnh luôn điều phối, hài hòa giữa cách ly điều trị tại nhà và cách ly điều trị tập trung với phương châm mỗi F0 điều trị tại nhà - một hồ sơ bệnh án điện tử để không bị động, lúng túng khi sống chung an toàn với dịch bệnh Covid-19”.
HOÀNG LINH