Tàu vũ trụ Thần Châu - 9 đã được phóng lên chiều 16 -6, mọi chú ý giờ đây đang nhắm vào Thiên Cung-1, nơi sẽ tiếp nhận 3 nhà phi hành Trung Quốc.
Sự kiện một đội phi hành gia 3 người, trong đó có một bà mẹ có một con, sống và làm việc trên trạm không gian Thiên Cung-1 kể từ ngày 18-6 trong vòng 10 ngày là một bước tiến quan trọng của chương trình không gian Trung Quốc mà người Mỹ không thể không quan tâm. Hãng tin Mỹ AP nhận định đây là một chuyến du hành vũ trụ có tham vọng lớn nhất của Trung Quốc.
Ngân sách dồi dào
Trung Quốc đưa nhà phi hành đầu tiên vào vũ trụ năm 2003. Hai năm sau đến lượt 2 nhà phi hành khác. Năm 2008 được đánh dấu bằng một cuộc đi bộ ngoài không gian của một trong 3 nhà phi hành. Nghĩa là chương trình không gian của Trung Quốc đã thực hiện được hầu hết các bước của chương trình không gian Mỹ và Nga trong vòng một thời gian khá ngắn để trở thành cường quốc vũ trụ thứ 3 thế giới nhờ một lợi thế mà cơ quan không gian Mỹ và Nga không thể có được: Ngân sách hết sức dồi dào. Ba nhà phi hành trên Thần Châu-9. Bìa phải là bà Lưu Dương. Ảnh: SINA
Cuộc ráp nối tự động tàu Thần Châu-9 với trạm không gian Thiên Cung-1 đã hoàn thành mà không có sự cố nào trong vòng 8 phút, kết thúc lúc 14 giờ (giờ Bắc Kinh, tức 12 giờ Hà Nội) ở độ cao 340 km. Toàn bộ diễn biến mang tính lịch sử này đã được nữ phi hành gia Lưu Dương lưu lại trong máy quay phim cầm tay.
Đây là lần thứ hai Thiên Cung-1 ráp nối tự động với tàu vũ trụ Thần Châu. Lần trước là cuộc ráp nối thành công với tàu chở hàng Thần Châu-8 ngày 2-11-2011, không chỉ một lần mà 2 lần. Sau khi giải quyết được bài toán ráp nối tự động, Trung Quốc tự tin đưa người lên trạm không gian.
Thành quả của 20 năm
Sự ra đời của chương trình Thiên Cung chế tạo các trạm không gian bắt nguồn từ lá phiếu phủ quyết của Mỹ không cho Trung Quốc tham gia chương trình Trạm Không gian Quốc tế (ISS) của 16 nước cách đây hơn 20 năm. Lý do: Chương trình du hành vũ trụ Trung Quốc do quân đội điều hành và thực hiện trong điều kiện bí mật. Ngay cả giám đốc cơ quan không gian Trung Quốc cũng không biết hết chương trình du hành vũ trụ của nước mình.
Bị cho ra rìa, từ năm 1986, Trung Quốc quyết tâm chế tạo trạm không gian độc lập và trở thành nước thứ ba trên thế giới có trạm không gian riêng, sau Mỹ và Liên Xô (sau này là Nga).
Thiên Cung-1 là một phòng thí nghiệm không gian vũ trụ “mini” chỉ lớn bằng một chiếc xe buýt và nặng 8,5 tấn so với gã khổng lồ ISS nặng 400 tấn. Nó được phóng lên quỹ đạo trái đất ngày 29-9-2011 bằng tên lửa Trường Chinh-2F, trễ một năm so với dự kiến do phóng thất bại hồi tháng 8-2010.
Ráp nối tự động Thần Châu-9 và Thiên Cung-1. Ảnh: THXSự kiện phóng trạm không gian Thiên Cung-1 được truyền hình trực tiếp có một chi tiết lạ mà mãi đến sau này cũng không rõ tại sao. Đó là trong khi hình ảnh tên lửa Trường Chinh-2F mang Thiên Cung-1 bay lên trời, đài truyền hình nhà nước CCTV lại phát nhạc nền là America the Beautiful, bài quốc ca không chính thức của Mỹ. Thật trái ngược với lần phóng tên lửa vũ trụ đưa vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc lên quỹ đạo trái đất năm 1970. Lúc đó, nhạc nền là ca khúc cách mạng nổi tiếng Đông Phương Hồng.
Tờ The Guardian, xuất bản tại London, đặt câu hỏi với người phụ trách tuyên truyền của đài CCTV họ Trần: Phải chăng nó thể hiện tinh thần hợp tác xuyên Thái Bình Dương? Hay là Trung Quốc muốn thuộc địa hóa văn hóa Mỹ và không gian vũ trụ? Hay chỉ là một sự nhầm lẫn đáng tiếc? Ông Trần lúng túng: “Tôi không thể trả lời câu hỏi của anh”.
Sẽ có Thiên Cung-2 và 3
Tuổi thọ của Thiên Cung-1 dự trù chỉ có 2 năm sau khi hoàn tất nhiệm vụ thử nghiệm việc ráp nối tự động và bằng thủ công với tàu Thần Châu-8, Thần Châu-9 (đang thực hiện) và có thể vào cuối năm nay với Thần Châu-10. Đồng thời nó cũng phải chứng minh rằng các nhà phi hành có thể sống và làm việc trong một thời gian nhất định.
Sau đó, Thiên Cung-1 sẽ được thay thế bằng Thiên Cung-2 và Thiên Cung-3 lớn hơn và hoàn chỉnh hơn, nặng khoảng 60 tấn vào năm 2020, thường trú dài lâu trên quỹ đạo trái đất như ISS.
Thiên Cung-1 có 2 ngăn. Ngăn nhỏ chứa bộ nguồn năng lượng mặt trời và hệ thống đẩy. Ngăn thứ 2 rộng hơn là phòng sinh hoạt và thử nghiệm khoa học của các nhà phi hành. Phòng chứa được 2 người, có máy tập thể dục và giường ngủ. Vách phòng sơn 2 màu, một màu tượng trưng cho đất và một màu tượng trưng cho trời. Cách sơn màu này giúp nhà phi hành định hướng trong tình trạng không có trọng lực. Phòng cũng gắn camera quan sát giúp trạm mặt đất thấy rõ các nhà phi hành đang làm gì.
Tuy nhiên, Thiên Cung-1 không có phòng vệ sinh và bếp. Hai bộ phận này đặt trên các tàu Thần Châu. Trong trường hợp ráp nối với Thần Châu-9, trong khi 2 nhà phi hành làm việc và ngủ trong Thiên Cung-1 thì nhà phi hành thứ 3 phải ở lại trên tàu Thần Châu bởi 2 lẽ: Thứ nhất, không có chỗ cho người thứ 3 trên Thiên Cung-1. Thứ hai, trong trường xảy ra bất trắc, sẵn sàng giải cứu 2 nhà phi hành mắc kẹt trong Thiên Cung-1.
Thần Châu-9 sẽ quay trở về mặt đất, đáp bằng dù vào cuối tháng này.
Theo NLDO