Thiên đường chưa được đánh thức!

Cập nhật: 23-08-2012 | 00:00:00

Bài 1: Chạnh lòng...

Hàng chục tỷ đồng đã được chi để nâng cấp, láng nhựa con đường từ thị trấn Dầu Tiếng lên đến tận sườn Tây núi Cậu. Thiên nhiên ưu đãi, cảnh quan hữu tình với non xanh nước biếc, lại được tôn tạo thêm bởi các di tích lịch sử, danh lam làm điểm nhấn... vậy mà cụm du lịch sinh thái Núi Cậu - hồ Dầu Tiếng, di tích lịch sử, danh thắng hàng đầu của tỉnh Bình Dương, từng được kỳ vọng là một trong những bệ phóng chính cho ngành du lịch của tỉnh nhà, vẫn cứ khắc khoải, đánh vật với sự tồn tại của chính mình!  Một góc cảnh quan hồ Than Thở đẹp đến nao lòng!

Chạnh lòng với hồ Than Thở!

Hồ Than Thở cùng với núi Cậu và lòng hồ Dầu Tiếng, một trong 3 cảnh quan du lịch tạo thành tam giác cảnh quan thiên nhiên hoang sơ đẹp lạ thường, là món quà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho người dân Bình Dương. Mặc dù không sánh được với hồ Than Thở của Đà Lạt mộng mơ, nhưng nó vẫn được mang cùng tên, bởi tiếng suối róc rách trên những mỏm đá, giữa khung trời thiên nhiên vắng lặng như ru lòng người, như ai than ai oán, nên du khách mới đặt cho nó cái tên trùng với hồ danh thắng của Đà Lạt.

Nằm bên sườn Đông Bắc núi Cậu, hồ Than Thở có tổng cộng 3 hồ chính là thượng, trung và hạ. Người dân địa phương hay gọi là hồ 1, 2 và 3. Trong đó hồ 1 lớn nhất, nằm gần lối đi vào cổng dẫn lên chùa Thới Sơn núi Cậu. Riêng hồ 3 nằm xa tít, gần lưng chừng đỉnh núi. Nói là hồ, chớ thật ra là những bể nước do các dòng thác chảy xiết, luồn lách qua khe đá tạo thành. Vào mùa mưa, nhất là bước qua tháng 8, 9 âm lịch, dòng nước xiết trong núi đổ ra trắng xóa, tạo ra những dòng thác tuôn dài tuyệt đẹp như những nàng tiên xõa tóc. Ở đó, du khách có dịp trầm mình trong những hồ nước mát lạnh người, lắng nghe chim rừng cất tiếng líu lo. Anh Bình, một thợ chuyên chụp ảnh dịch vụ phục vụ du khách 10 năm nay tại đây, cho biết: “Vào thời điểm tháng 9, mưa nhiều, nước khắp nơi đổ về len qua các khe đá, khe núi, tạo thành bức tranh khá đẹp nên hồ Than Thở thu hút khách đến tham quan rất đông và là điểm hẹn hò lý tưởng của những đôi trai gái đang yêu”.

"Chúng tôi cho lực lượng dân quân làm nhiệm vụ vừa giữ xe cho du khách, vừa thuyết phục du khách hạn chế xả rác làm ô nhiễm môi trường và bảo vệ, chống cháy rừng"

(Chủ tịch UBND xã Định Thành (Dầu Tiếng), Đặng Minh Phước)

Lần len theo những dòng thác, chúng tôi như bị hút vào những “bức tranh đá” do dòng nước bào mòn “vẽ” nên, khắc họa thành những bức tranh với hình thù kỳ lạ. Bước chân chúng tôi chìm trong tiếng xào xạc của rừng hoang, tiếng chim hốt hoảng vang trên triền núi, chìm trong vẻ đẹp của rừng xanh núi biếc. Tiếp chuyện với anh Nghĩa đang ngâm mình dưới dòng nước trong xanh của hồ 2, anh Nghĩa cho biết đến từ TP.HCM, cứ 2, 3 tuần là anh cùng bạn gái tìm đến hồ Than Thở, vừa để tắm mát vừa thả hồn nghe tiếng chim kêu. “Nơi đây cảnh thiên nhiên còn hoang sơ, tạo cho người ta cảm giác rất khác lạ. Vì vậy, tôi và bạn bè chọn nơi đây để cắm trại, xả stress sau những ngày làm việc đầy áp lực, nhất là phải ngày đêm đối diện với sự ồn ào, náo nhiệt của dòng người, xe cộ đông đúc, khói bụi ô nhiễm”, anh Nghĩa nói.

Không chỉ là nơi hẹn hò xả stress, nhiều đôi trai gái còn thuê xe, thợ chụp ảnh tranh thủ ghi lại những tập album kỷ niệm chuẩn bị cho ngày cưới. Lúc chúng tôi đến hồ 2, chú rể tên Nam và cô dâu tên Hiền đang xúng xính trong lễ phục tân hôn say sưa chụp bộ ảnh cưới. Đôi cô dâu chú rể này đã thuê hẳn một êkip vừa làm nhiệm vụ quay phim, vừa chụp ảnh, có cả bộ phận lo phục trang, trang điểm từ TP.HCM lên mang theo cả thức ăn, tranh thủ cả ngày hoàn thành cho xong bộ album ngày cưới. Anh Nam cho biết: “Giờ ngoại cảnh đẹp không thiếu, nhưng đa số do con người tạo ra, với lại dễ bị “đụng hàng”. Vợ chồng tôi thích cảnh đẹp hoang sơ nơi đây từ lâu nên quyết định chọn để lưu lại hình ảnh”.

Hồ đang bị “bức tử”!

Vậy mà vẻ đẹp ấy đang bị ô uế đi từng ngày. Trên những triền suối, những nhóm du khách thiếu ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường buộc túm những khóm trúc, lau xinh đẹp để làm lều... tâm sự, trông giống như những “tổ chim khổng lồ”. Những buổi píc-níc vui hết cỡ bên nhạc rừng, thiên nhiên hoang sơ, để khi rời đi không kịp dọn những túi nilông đựng trái cây, khăn giấy, vỏ hộp cơm và nhiều thứ khác không tiện kể ra nơi đây. Quan sát nhanh một nhóm bạn 3 nam 4 nữ tuổi chừng 17 - 18 ngồi tụ tập chuyện trò, ăn uống, chúng tôi không khỏi “xốn mắt” khi thấy họ vô tư vứt vỏ bao bì bằng nhựa lẫn thức ăn thừa ngay khe nước róc rách, xanh trong đang len lỏi dưới chân. Một số du khách khác sau khi dùng xong thức ăn đồ uống chịu khó nhón tay ném thẳng vào bụi cây rậm rạp bên sườn núi. Đồng nghiệp đi cùng thấy vậy chắc lưỡi: “Với cái kiểu vứt rác vô tội vạ như thế này thì chẳng bao lâu hồ Than Thở sẽ trở thành hồ rác mất thôi!”.  Rác thải đầy rẫy đang từng ngày “bức tử” thắng cảnh hồ Than Thở

Quan sát từ hồ 1 đến hồ 3, đâu đâu cũng thấy rác. Tại hồ 1 - hồ lớn nhất trong cụm hồ, rác đang dày lên từng ngày đến mức có nguy cơ lấp hồ, đến nỗi khách chỉ đến để nhìn, không ai dám tắm! Chị Nguyễn Thị Ninh, một người dân địa phương, cho biết: “Anh chỉ đi vòng bìa nên không thấy đó thôi, còn nếu đi sâu vào rừng tái sinh còn có cả kim tiêm do bọn hút chích để lại. Khách đến thăm hồ Than Thở một mình còn có nguy cơ bị bọn hút chích rình rập”. Chúng tôi quay lại, hỏi người chụp ảnh dịch vụ tại đây thì được biết, xã Định Thành cũng có cho người dọn dẹp, nhưng không đều. “Mấy ông đừng lo, mưa lớn, nước chảy dữ dội lắm, nước mưa dọn rác đi hết chớ còn gì!”, người này vô tư nói.

Ô nhiễm rác thải khiến du khách dần quay lưng với hồ Than Thở. Anh Bình, một thợ chụp ảnh cho biết: “Trước kia khách kéo đến hồ Than Thở đông lắm, còn nay thì thưa dần. Vào những ngày lễ như 30-4 hay 2-9 khách còn nhiều, chứ ngày thường thì mỗi ngày chỉ loe hoe vài nhóm bạn trẻ hoặc một hai đôi tình nhân đến thưởng ngoạn hay tâm sự. Ế quá, nên tôi cũng định chuyển nghề...”.

Một ngày lưu lại bên hồ Than Thở chúng tôi không thấy ai đến quản lý, thu dọn rác thải. Tại khu vực cổng chào vào khu du lịch, có một căn nhà nhỏ, một vài dân quân mặc áo xanh làm nhiệm vụ giữ xe cho khách tham quan. Còn lại các dịch vụ khác hầu như không có hoặc phó mặc cho trời đất và ý thức của con người!    

Núi Cậu - Lòng hồ Dầu Tiếng thuộc ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, cách trung tâm thị trấn Dầu Tiếng 7km, là di tích danh thắng hàng đầu của tỉnh Bình Dương, đã được công nhận di tích danh thắng cấp tỉnh ngày 17-8-2007. Đây cũng chính là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du ngoạn về nguồn, về với thiên nhiên. Quần thể núi Cậu với tổng diện tích hơn 1.600 ha, gồm 21 ngọn núi lớn nhỏ (7 ngọn lớn và 14 ngọn nhỏ). Núi cao nhất là núi Cửa Ông cao 295m, kế tiếp là núi Ông cao 285m, núi Tha La cao 198m và núi thấp nhất là núi Chúa, cao 63m. 4 ngọn núi này nằm kề nhau tạo thành một dãy núi nhấp nhô kéo dài nằm chếch về hướng Bắc - Đông Bắc và Nam - Tây Nam.

Kỳ tới: Hoang phí!

HÒA NHÂN - CHÍ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=872
Quay lên trên