Bài 1: Chạnh lòng...
Bài 2: Hoang phí!
Chẳng thể nói, cụm du lịch núi Cậu - hồ Dầu Tiếng không được quan tâm đầu tư. Có điều đầu tư không đúng hướng, không tới nơi, tới chốn nên rất khó lôi kéo và giữ chân du khách... Bởi thế du khách không tận hưởng được sinh thái non nước hữu tình của núi Cậu - hồ Dầu Tiếng, trong khi Nhà nước cũng không thu được nhiều lợi nhuận từ nơi được xem là thiên đường du lịch của Bình Dương. Cụm du lịch sinh thái núi Cậu - hồ Dầu Tiếng không chỉ phát triển manh mún, tự phát mà còn bị xẻ thịt, phá hoại môi sinh bởi những doanh nghiệp khai thác khoáng sản, những hộ chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn. Đó là nỗi lo còn hơn cả hoang phí... Cảnh hoang tàn hiển hiện ngay tại cổng vào khu du lịch hồ Dầu Tiếng - núi Cậu
Con đường độc đạo dẫn lên núi Cậu và kết nối với lòng hồ Dầu Tiếng được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng, xây dựng khá khang trang, như dải lụa xinh đẹp vắt ngang sườn tây ngọn núi vắng lặng đến chạnh lòng. Dọc từ chân lên đến đỉnh núi, đơn vị chủ quản đã xây dựng một loạt 3 - 4 bãi đậu xe ô tô dành cho các đoàn khách du lịch đến du sơn, ngoạn thủy. Vậy mà trên cung đường xinh đẹp ấy, tuyệt chẳng thấy bóng người, xe cộ. Những bãi đậu xe ở dọc sườn núi lên đến đỉnh, rộng bằng nửa sân bóng đá trống trải, vắng lặng nằm phơi mình trong nắng hè với dáng vẻ chịu đựng. Đi lên 1 đoạn chừng 2km, chúng tôi lại bắt gặp một bãi đậu xe được thảm nhựa, rộng chừng 1.000m2 không chỉ quạnh vắng mà còn thê lương, trơ lại một đống tro tàn lửa trại được tốp du khách nào đó nhóm lên, bất chấp nỗ lực bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm.
Chầm chậm lái xe qua sườn núi, ghé mắt trông xuống hồ Dầu Tiếng lộ hình bán nguyệt đẹp lạ thường. Những tưởng chúng tôi sẽ gặp nhiều du khách đến thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi rừng trong buổi chiều nắng đẹp, nhưng đi hết con đường bạc tỷ, cho đến cuối sườn tây chúng tôi chỉ thấy căn nhà trưng bày hàng lưu niệm trước kia trống trơ, nhện giăng tơ, bụi bám đầy! Trước sân phòng trưng bày, ai đó đã tận dụng đất trồng mấy hàng cao su khiến khoảng sân thêm chật hẹp. Tiếp tục đi về phía hồ Dầu Tiếng, những khu dịch vụ câu cá giải trí trống trơ, không bóng người!
Ngược lên đỉnh núi, chúng tôi tự bảo nhau: “Chắc du khách, xe cộ chạy thẳng lên đỉnh và tập trung ở các bãi xe gần trước cổng chùa Thới Sơn hay các điểm tham quan di tích gần đó”. Nhưng rồi, sự thất vọng đã mang đến câu trả lời gần như lập tức. Cả 2 dãy hàng quán, bãi đậu xe trước chùa Thới Sơn dường như chỉ để phục vụ riêng cho chúng tôi và 1 đôi nam nữ vào vãn cảnh chùa.
Vòng qua cổng chùa Thái Sơn, trước đây mỗi lần đặt chân đến, có thể cảm nhận ngay cảnh náo nhiệt đến ngột ngạt của gần trăm gian hàng bày bán đủ loại thức ăn, đồ uống cho đến hàng lưu niệm không thiếu thứ gì. Còn bây giờ chỉ lác đác chưa đầy chục gian hàng bán thức uống giải khát, đặc sản của địa phương để “cầm cự cho qua ngày”. Tiếp chuyện với chúng tôi, chị Châu, chủ tiệm nước Minh Châu, cho biết trước đây mỗi ngày cũng bán được vài triệu đồng, còn bây giờ kiếm 100.000 đồng mua gạo mắm cũng khó. Ế ẩm vậy nhưng cũng phải bán chớ biết làm gì sống bây giờ! Mới đầu, chúng tôi thầm nghĩ hay là nước giải khát, thức ăn, dịch vụ nơi đây “chặt, chém” quá nên du khách không dám ghé vào. Nhưng khi chị Châu tính tiền, đáp án cho thấy chúng tôi đã nhầm. “Một ly cà phê hay chai nước suối ướp lạnh ở đây còn rẻ hơn ở quán cà phê ngoài thị trấn Dầu Tiếng đến 2.000 đồng, nhằm thu hút khách đến quán, nhưng điều này cũng là công cốc bởi có khách đến tham quan đâu mà giảm giá...”, chị Châu buồn rầu cho biết.
Để kiếm thêm thu nhập, hàng ngày chồng chị Châu phải lặn lội vào rừng hái nấm tràm về bán. Đó cũng là cách mưu sinh của một số chủ gian hàng cố bám trụ nơi đây. Hết mùa nấm tràm thì chuyển qua hái măng le đắp đổi qua ngày, chứ khó lòng chờ đợi vào chuyện mua bán, dịch vụ. Đơn giản, dù người dân có đầu tư đa dạng chủng loại hàng hóa, dịch vụ kèm theo giảm giá đến đâu đi nữa mà cụm du lịch sinh thái núi Cậu - hồ Dầu Tiếng vẫn không thu hút được du khách, chẳng chóng thì chày cũng đi vào ngõ cụt! Buổi chiều tàn trôi đi trong tiếng chuông chiều ngân vang da diết. Mối lo toan của những người làm công việc bán bưng càng thêm nặng lòng.
Vòng qua phía bắc quần thể núi Cậu, lặn lội thêm chục cây số, chúng tôi vô cùng phấn khởi, bởi nỗ lực của địa phương và ngành kiểm lâm đã mang lại kết quả ấn tượng cho khu vực này. Rừng đang tái sinh, nhiều cây to, đường kính dễ mấy gang tay; dây leo chằng chịt đang đua nhau đơm hoa kết trái. Những trái cám chín rụng thơm lừng, những bụi sim tím, chùm giấy, da tây đang bắt đầu đơm hoa, bướm ong thỏa sức nô đùa. Đang ngây ngất với hương sắc của rừng, chúng tôi bất chợt gặp cậu bé một mình lang thang trên con đường mòn xuyên ra khu rừng. Bắt chuyện chúng tôi được biết cậu bé tên Lót, nhà em ngay dưới chân núi Cậu, nơi giao nhau của 3 xã Định Thành, Định An, Minh Hòa. “Chú đi hết con đường này là ra hồ Dầu Tiếng, ở đó nước trong tắm đã lắm!”. Thằng bé tuổi chừng 12 mà thuộc nằm lòng từng bụi cây ngọn cỏ, thậm chí cả loại thú rừng nào đang quay trở lại với núi Cậu. “Chiều chiều chú ra bìa rừng là thấy khỉ, thỏ, nhím, có khi cả heo rừng nữa. Còn rắn con nào cũng to đùng. Hôm kia có một con to đen xì nằm vắt ngang đường, mấy đứa bạn con sợ phát khiếp...”, chú bé rành rọt kể.
Dọc theo chân núi phía bắc quần thể núi Cậu hiện diện vài căn nhà nhỏ, trong đó có căn nhà của mẹ con cậu bé Lót, cùng một số chốt kiểm lâm, gần như quanh năm ít có dấu chân du khách nên cảnh vật còn rất hoang sơ, đẹp đến mê hồn. Miên man theo triền núi, một bên rừng, một bên hồ nước tạo nên cảnh đẹp như chốn tiên bồng. Nước hồ Dầu Tiếng mùa này xanh trong đến nỗi nhìn thấy cả đàn cá đang tung tăng bơi lội. Tôi chợt nhớ, trước đây có một nhà đầu tư muốn mua cát về đổ xuống lòng hồ làm bãi tắm cho du khách. Nếu ý tưởng này thành hiện thực thì tuyệt vời biết mấy! Hoạt động khai thác khoáng sản đang “băm nát” cảnh quan núi Cậu
Nhưng chưa có ý tưởng nào thành hiện thực, ngược lại hiện tại có nhiều điểm khai thác cát lớn nhỏ đang hàng ngày thi nhau “moi ruột” lòng hồ. Các điểm khai thác cát không chỉ rút ruột lòng hồ Dầu Tiếng, gây sạt lở, thay đổi dòng chảy, chất lượng nguồn nước do xáo trộn các lớp trầm tích mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của hệ thống đường đê bao bảo vệ lòng hồ. Chưa hết, thời gian gần đây, mặc dù dư luận và công luận đã nhiều lần lên tiếng nhưng tình trạng chăn thả gia cầm, nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước lòng hồ chỉ lắng đọng được ít lâu rồi đâu lại hoàn đấy. Cùng với hoạt động chăn nuôi bất hợp pháp, hồ Dầu Tiếng cũng đang bị “bức tử” bởi các cơ sở chế biến mủ cao su, các trại chăn nuôi heo với quy mô lớn!
Không biết đã có bao nhiêu kế hoạch đầu tư cho núi Cậu - hồ Dầu Tiếng được đưa ra, nhưng đến nay vẫn chưa cái nào thành hiện thực. Bởi thế chùa Thái Sơn dù có nguy nga tráng lệ, nhiều truyền thuyết lịch sử oai hùng, huyền bí vẫn chưa đủ sức hấp dẫn du khách thập phương. Thậm chí do những hành động thiếu ý thức của con người, cảnh quan và môi trường nơi đây đang hàng ngày bị xâm hại; dịch vụ phục vụ du khách thì kể như bằng không, hỏi sao cụm du lịch sinh thái núi Cậu - hồ Dầu Tiếng “níu” được chân du khách! Bao giờ thiên đường du lịch sinh thái núi Cậu - hồ Dầu Tiếng mới được đánh thức, tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, đóng góp hiệu quả cho ngân sách Nhà nước... vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp!
Đem chuyện đầu tư khu du lịch hồ Dầu Tiếng ra bàn, Phó Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Dầu Tiếng Nguyễn Thị Dự, cho biết lãnh đạo huyện Dầu Tiếng và tỉnh Bình Dương đã đưa vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết của tỉnh Đảng bộ về phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao gắn với cụm du lịch sinh thái núi Cậu - hồ Dầu Tiếng, đô thị sinh thái Định Thành. Hiện tỉnh đang quản lý và kêu gọi các nhà đầu tư và nghe đâu có một nhà đầu tư nào đó đang khảo sát chuẩn bị thành lập khu nghỉ dưỡng sinh thái tại đây.
CHÍ THANH - HÒA NHÂN