Thiên tai có khả năng diễn biến rất phức tạp và dị thường

Cập nhật: 29-04-2022 | 08:18:07

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2022 vừa được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN.

 Ngành chức năng tỉnh phối hợp cùng các đơn vị, địa phương kiểm tra các hồ, đập nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ

 Chủ động ứng phó

Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2021, kết quả đạt được, những vấn đề tồn tại, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành. Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2021, cả nước đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 326 trận giông, lốc sét, 170 trận lũ quét, sạt lở đất, 139 trận động đất, 403 điểm sạt lở nguy hiểm… Thiên tai đã làm 108 người chết và mất tích (giảm 70% so với năm 2020), thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng (giảm 87% so với năm 2020).

Năm 2021, công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, kịp thời và hiệu quả cùng với sự chủ động của người dân, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều tổ chức quốc tế, đã giảm thiểu được thiệt hại, đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.

Năm 2022, chỉ tính từ đầu năm đến nay, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính đã lên tới 2.400 tỷ đồng, gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra trong cả năm 2021. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó 4 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi và thượng lưu sông suối nhỏ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, mưa đá… trên phạm vi toàn quốc.

Triển khai sớm các giải pháp

Tại Bình Dương, thiệt hại do thiên tai trên địa bàn chủ yếu do mưa lớn, lốc xoáy và triều cường. Trong đó, lốc xoáy gây hư hỏng về nhà cửa, công trình, gãy đổ cây trồng thường xảy ra nhiều vào thời kỳ chuyển mùa. Mưa lớn, triều cường gây ngập úng nhà cửa, lúa, hoa màu, đường giao thông xảy ra nhiều vào mùa mưa và các tháng cuối năm. Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 trận thiên tai, ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 54,6 tỷ đồng.

Trong những tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 trận mưa kèm giông, lốc, sét đánh làm 1 người chết, tốc mái 5 căn nhà, cây gãy đổ, ảnh hưởng cấp điện trên địa bàn TX.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một. Ước thiệt hại về tài sản khoảng 78,5 triệu đồng.

Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp khó lường và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên địa bàn tỉnh, Bình Dương xác định công tác PCTT là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương công tác chuẩn bị cho PCTT-TKCN từ sớm. Tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến, nhất là bão, mưa lũ, sạt lở đất bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng.

Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để chủ động ứng phó kịp thời, giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra, sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra công tác bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các hồ, đập, bảo đảm hoàn thành tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn. Việc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai có thể xảy ra trong mùa mưa bão cần có sự đồng thuận và vào cuộc một cách chủ động, tích cực của các cấp, ngành và ý thức PCTT của mỗi người dân.

Mặt khác, tổ chức kiểm tra và chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý công trình theo phân cấp thực hiện kiểm tra đối với các công trình thủy lợi, công trình PCTT, đặc biệt là hồ chứa, đê bao, tiêu thoát nước đầy đủ, đúng định kỳ trước, trong và sau mùa mưa lũ, sớm phát hiện hư hỏng, sửa chữa, gia cố kịp thời bảo đảm an toàn công trình và chống ngập úng do mưa, lũ, triều cường hiệu quả. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Tổ chức thực hiện trực ban, theo dõi tình hình khí tượng thủy văn, tình hình thiên tai, mưa, bão, lũ, triều cường, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, tham mưu báo cáo lãnh đạo xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống thiên tai xảy ra, giảm thiểu thiệt hại.

 Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng đã tích cực, chủ động trong công tác phòng chống, góp phần làm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cần đặc biệt ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, như: Hệ thống giám sát, quan trắc, dự báo thiên tai, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ li ệu, trang thiết bị phục vụ PCTT. Đồng thời bố trí ngân sách tập tr ung xử lý dứt điểm các công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai. Mặt khác, các bộ, ngành và UBND các cấp có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực, các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cùng cấp, đặc biệt là lực lượng xung kích ở cơ sở.

 THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên