Mẹ là tiếng gọi thiêng liêng nhất trên thế gian. Vì thế, các tác phẩm văn học nghệ thuật về mẹ luôn chất chứa những tình cảm đẹp và dạt dào những cảm xúc thiêng liêng.
Hình ảnh người mẹ được dàn dựng đẹp rạng ngời trong từng tác phẩm văn học nghệ thuật ở Bình Dương. Trong ảnh: Tiết mục dự thi của huyện Phú Giáo tại Liên hoan Ban nhạc và nhóm ca tỉnh Bình Dương năm 2020
Suối nguồn sáng tác bất tận
Ngoài Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), những người mẹ ở Việt Nam còn có thêm một ngày để được tôn vinh, đó là Ngày của mẹ. Ngày của mẹ không có ngày cố định cụ thể. Tuy nhiên, nhiều nơi trên thế giới đều biết đến và quy ước lấy ngày chủ nhật thứ 2 của tháng 5 làm Ngày của mẹ. Những ngày này, có dịp nghe bài hát “Quê hương” của cố nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, cảm xúc yêu thương mẹ như trào dâng trong tôi. “…Quê hương là cầu tre nhỏ/ Mẹ về nón lá nghiêng che… Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi…”. Mỗi ca từ, mỗi câu trong bài hát như lời tâm sự của một người con với mẹ yêu dấu của mình, nhưng lại khiến trái tim người nghe bồi hồi xúc động.
Với người nhạc sĩ, mẹ luôn là suối nguồn đề tài sáng tác bất tận. Đôi khi chỉ là “Không ai yêu mẹ bằng con/ Không ai thương con bằng mẹ…” (Câu hát trong bài “Mẹ là quê hương” do Nguyễn Quốc Việt sáng tác) nhưng lại thấm đẫm triết lý, nhân văn. Đặc biệt hơn, mẹ còn được ví là mặt trời và cũng “Chỉ có một trên đời” (tên bài hát do nhạc sĩ Trương Quang Lục sáng tác). “Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi/ Và mẹ em chỉ có một trên đời”. Chia sẻ với chúng tôi đầy trìu mến, nhạc sĩ Trương Quang Lục nói: “Viết cho trẻ con tuy dễ nhưng cần phải gần gũi và có một chút triết lý, dễ nhớ. Mẹ và mặt trời đều đẹp, đều quý giá như nhau và không thể thiếu trên thế gian. Cứ thế, không chỉ trẻ con mà người lớn cũng yêu thích và hát bài này ngày càng nhiều”.
Những người mẹ “bất tử”
Cùng hòa mình vào những chương trình nghệ thuật của tỉnh, chúng tôi có dịp hiểu sâu thêm về những người mẹ bất tử ở Bình Dương. Những người mẹ được các văn nghệ sĩ nghệ thuật hóa đẹp rạng ngời với những tình cảm đầy tự hào. Trong chiến tranh, mẹ đào hầm nuôi bộ đội; mẹ tiễn chồng, con lên đường nhập ngũ vì hòa bình cho quê hương, đất nước; mẹ hy sinh thân mình để đánh đuổi giặc ngoại xâm…
Trong thời bình, mẹ góp công, góp sức dựng xây quê hương; mẹ trở thành “Ngọn đuốc sống” cho bao thế hệ trẻ noi theo; mẹ làm ấm lòng các con với những bữa cơm và những lời động viên đầy tâm huyết, phấn đấu học tập thành tài, giúp ích cho đời… Vì thế trong bài “Tình mẹ mênh mông” của nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến luôn da diết những nỗi nhớ của người mẹ có người thân hy sinh vì độc lập Tổ quốc. “Cứ mỗi chiều, mẹ ra sân vắng nhìn rặng tầm vông nghe con chim khách nó kêu/ Mẹ nhớ người con ra đi không trở lại/ Bao năm qua rồi, đời mẹ vẫn chắt chiu/ Bao năm qua rồi, tình mẹ vẫn mênh mông…”. Hình ảnh mẹ còn được khắc họa đậm sâu trong “Mẹ mãi là quê hương”, “Tiếng gọi từ trái tim” và nhiều bài hát về quê hương, đất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Thuận, “Người mẹ Bông Trang” của Nguyễn Hữu Toàn, “Tình mẹ” của nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Phú…
Yêu thương mẹ và luôn báo đáp công ơn mẹ, nhà thơ Lê Tiến Mợi đã viết nên bài thơ “Mùa xuân về với mẹ” nhân dịp mừng thọ 80 tuổi của mẹ. Với ông, mẹ tuy vất vả, tảo tần, nhưng “Tám mươi mẹ vẫn chưa già/ Niềm tin - yêu - vẫn nở hoa bốn mùa”.
Ngoài các tác phẩm thơ ca, hình ảnh mẹ còn được các nghệ sĩ nhiếp ảnh, họa sĩ thể hiện rất độc đáo bằng nhiều tác phẩm và đoạt nhiều giải thưởng cao, khẳng định ví trí của Bình Dương trên các sân chơi nghệ thuật của khu vực và quốc gia. Nhiều tác phẩm ngợi ca mẹ Việt Nam anh hùng, tình mẫu tử được trưng dụng tạo tác thành tượng đài tại các di tích lịch sử, văn hóa.
Có mẹ và còn mẹ là chúng ta đã có cả thế giới của hạnh phúc vì mẹ luôn là cuộc sống của những đứa con. Để báo đáp công ơn mẹ, chúng ta cần thường xuyên bày tỏ tình cảm của mình với mẹ nhiều hơn. Đó không phải là những món quà quá xa xỉ, không phải là của ngon vật lạ, mà là sự hiếu thảo, không khí yên vui, thuận hòa của các con cháu trong nhà…
THỤC VĂN