Thiết chế văn hóa - thực trạng và giải pháp - Bài 2

Cập nhật: 05-08-2016 | 10:55:02

Bài 2: Để thiết chế văn hóa cơ sở phát huy hiệu quả

Xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao (TCVH-TT) ở cơ sở là việc làm ý nghĩa, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong thời gian qua, các TCVH-TT cơ sở trên địa bàn tỉnh đã dần hình thành, phục vụ tích cực các nhiệm vụ chính trị tại địa phương và đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, để các TCVH-TT cơ sở trở thành điểm đến sinh hoạt thu hút đông đảo người dân tham gia, việc quy hoạch xây dựng mới đối với những địa phương chưa có cũng như công tác tổ chức hoạt động cần được quan tâm nhiều hơn nữa…

 

Nhà văn hóa xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng được đầu tư xây dựng khá khang trang 

Luôn được quan tâm

Dù kinh phí, nguồn lực vẫn còn nhiều khó khăn, song công tác đầu tư, xây dựng và sử dụng các TCVH-TT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các huyện, thị, thành phố và các ngành chức năng liên quan quan tâm đẩy mạnh; đồng thời tranh thủ các nguồn lực nhằm xây dựng, phát triển và sử dụng có hiệu quả các TCVH -TT. Có thể nói, những kết quả đạt được trong việc đầu tư xây dựng các TCVH cơ sở trong thời gian qua rất đáng ghi nhận. Ở cấp huyện, đến nay có 9/9 huyện, thị, thành phố đã hình thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao (trực thuộc các Phòng Văn hóa và Thông tin). Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, thị, thành phố trực tiếp quản lý các loại hình hoạt động như: thư viện, đội tuyên truyền lưu động, các câu lạc bộ, lớp năng khiếu văn nghệ, thể thao, nhà truyền thống, khu vui chơi giải trí, nhà thi đấu, sân bóng đá, bóng chuyền… với các hoạt động thường xuyên, đa dạng và phong phú.

Ở cấp xã, đến nay có 35/91 xã hình thành Trung tâm VH-TT và Học tập cộng đồng (đạt tỷ lệ 38,46%); trong đócó28 trung tâm được đầu tư xây dựng mới, đạt chuẩn về diện tích và khang trang, phù hợp với quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL). Ngoài ra, các cấp, ngành liên quan cũng đã và đang đầu tư, nâng cấp nhiều công trình khác để phục vụ nhân dân tại các địa phương. Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, trong thời gian qua, hoạt động của các Trung tâm VH-TT cấp xã còn gặp những khó khăn nhất định về quy chế bộ máy tổ chức hoạt động, nhưng cũng triển khai được một số hoạt động cơ bản như: Tuyên truyền cổ động đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng các phong trào, các câu lạc bộ sở thích văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… theo tình hình điều kiện thực tế từng địa phương. Bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói: “Nhìn chung, các TCVH-TT cấp huyện, thị, thành phố do ngành quản lý trong thời gian qua đều phát huy hiệu quả tốt. Ngành thường xuyên chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên thông qua việc tập hợp vào các câu lạc bộ sở thích, năng khiếu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao”.

Giải pháp phát huy hiệu quả

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy có một số TCVH cơ sở vẫn chưa phát huy hết tác dụng. Nhìn nhận về điều này, bà Minh Nghĩa cho biết nguyên nhân là do điều kiện cơ sở vật chất của một số Trung tâm VH-TT cấp huyện hiện nay chưa được đầu tư xây dựng, còn sử dụng tạm các công trình cơ sở vật chất cũ được bàn giao lại (được cải tạo, sửa chữa), trang bị không đồng bộ nên chưa bảo đảm đủ điều kiện tổ chức các hoạt động tại chỗ với quy mô, nội dung phù hợp. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do biên chế của các trung tâm chưa ổn định, kinh phí để tổ chức các hoạt động của các trung tâm còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Có dịp ghé thăm xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng mới đây chúng tôi thấy nhà văn hóa xã được xây dựng khá khang trang, rộng rãi. Điểm nhấn của nhà văn hóa này chính là tấm bia kỷ niệm chiến dịch Lê Hồng Phong - Bến Cát phía trước khuôn viên. Hội trường nhà văn hóa được xây dựng khá rộng, với bàn ghế, sân khấu, âm thanh đầy đủ. Đây là nơi thường diễn ra các cuộc họp quan trọng của địa phương và là điểm đến sinh hoạt của người dân trong các dịp hội, lễ. Tuy nhiên, các phòng sinh hoạt, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở đây vẫn còn hạn chế. Đó cũng là thực trạng chung tại nhiều Trung tâm VH-TT cấp xã khác trên địa bàn tỉnh đang gặp phải. Về điều này, Sở VH-TT&DL cho biết, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các TCVH-TT cấp xã trong thời gian qua chưa đồng bộ, không đạt chuẩn, còn thiếu một số các hạng mục chức năng theo quy định; phương tiện, trang thiết bị chưa đồng bộ, chưa bảo đảm về mặt kỹ thuật. Một số nơi còn sử dụng cơ sở vật chất cũ của đơn vị khác bàn giao để sử dụng nên chưa được phù hợp về chức năng, ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động tại chỗ...

Nhằm phát huy hiệu quả các TCVH ở cơ sở, theo bà Nghĩa trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nội dung sau: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. “Phấn đấu đến năm 2020 có 100% các huyện, thị, thành phố đầu tư hoàn chỉnh các công trình TCVH-TT cơ bản; 70 - 80% xã, phường, thị trấn cơ bản có TCVH-TT”, bà Minh Nghĩa nói. Bên cạnh đó, ngành sẽ phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành một số quy định và hướng dẫn về xây dựng “Đề án liên kết” nhằm khuyến khích, thúc đẩy, mở rộng các hình thức xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, thể thao. Trong công tác quy hoạch, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch quỹ đất dành cho các TCVH-TT; ưu tiên chọn vị trí thuận lợi, gắn với quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Đối với các TCVH-TT cấp xã (tập trung những công trình cũ trước đây được chuyển đổi mục đích sử dụng và được bàn giao lại) cần được rà soát lại để có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hoặc tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện các hạng mục theo quy định để sớm ổn định và đi vào hoạt động lâu dài. Đối với những công trình chưa đạt chuẩn (diện tích nhỏ), nên có chủ trương thu hồi lại hoặc hoán đổi lấy kinh phí, chọn địa điểm khác để đầu tư mới. Trên cơ sở rút kinh nghiệm các TCVH-TT đã xây dựng trước đây, các công trình mới phải được đầu tư đồng bộ (xây dựng cơ sở vật chất gắn với trang thiết bị ban đầu), phù hợp với khả năng tài chính của từng địa phương. Các chủ đầu tư phải thường xuyên giám sát đơn vị thi công công trình, hạn chế thấp nhất thực trạng nhiều công trình mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, chưa bảo đảm chất lượng.

Đối với mỗi TCVH-TT, muốn hoạt động hiệu quả, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động phải đầy đủ, công tác quản lý và khai thác, sử dụng cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Để làm được điều đó, mỗi TCVH cần có tổ chức bộ máy phù hợp. Hiện tại, tại một số trung tâm VH-TT cấp xã cán bộ phụ trách đều kiêm nhiệm. Do đó, công tác tổ chức bộ máy trong thời gian tới cần lưu ý bố trí cán bộ chủ chốt là biên chế sự nghiệp làm việc tại trung tâm và được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách để họ yên tâm làm việc lâu dài. Ngoài ra, cũng cần quan tâm hơn về kinh phí, nội dung hoạt động tại các trung tâm. Bởi kinh phí phải đầy đủ, nội dung phải phong phú, đa dạng thì các TCVH-TT cơ sở mới thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng tham gia sinh hoạt. Đó mới chính là cái đích hướng đến của các TCVH-TT ở cơ sở.  

Bài cuối: Vai trò quan trọng của các thiết chế văn hóa

 

CẨM LÝ


 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1531
Quay lên trên