“Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi nhanh sau suy thoái kinh tế toàn cầu, các đơn hàng xuất khẩu bắt đầu chuyển sang Việt Nam nhiều hơn, tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Thế nhưng, trong thời cơ thuận lợi này, DN xuất khẩu lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất vì thiếu điện...”, ông Lê Hồng Phoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên May mặc Bình Dương, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, than vãn. Không những thế, tình hình thiếu điện căng thẳng hiện nay còn đang khiến các DN xuất khẩu nói chung đối mặt với nguy cơ trễ các đơn hàng, ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu xuất khẩu và doanh số...
Sản xuất giày da và may mặc xuất khẩu đang gặp khó khănNguy cơ phá vỡ các đơn hàng
“Nếu tình hình thiếu điện tiếp tục kéo dài, nguy cơ phá vỡ các đơn hàng của chúng tôi rất cao...”, ông Lê Mạnh Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Thái Bình Shoe Group, cho biết. Tại các nhà máy của Thái Bình Shoe Group khi phóng viên tiếp xúc đều đang trong tình trạng chạy máy phát điện phục vụ sản xuất nhưng vẫn không đủ nguồn điện, một số xưởng của nhà máy đế giày vẫn phải nghỉ hoạt động. Ông Nguyễn Hữu Minh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Nhà máy Giày Pacific phân trần: “Chúng tôi đang sử dụng 3 máy điện nhưng nguồn điện vẫn không ổn định, rất khó bảo đảm tiến độ sản xuất. Chạy máy phát thì nguồn điện chủ yếu phục vụ cho máy móc còn hệ thống quạt mát rất hạn chế sử dụng, công nhân làm việc mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động... Không chạy máy phát, chắc chắn là các đơn hàng sẽ bị trễ...”.
Cũng theo ông Minh, khó khăn chưa dừng lại ở đây. Để bảo đảm tiến độ các đơn hàng, ngoài việc chạy máy phát, DN còn phải áp dụng hình thức tăng ca, nhưng khi tăng ca thì phải sử dụng thêm công suất điện, trong khi đó ngành điện lại yêu cầu DN tiết giảm nguồn điện từ 15 - 20%, là một thách đố. Ông Minh lý giải: “Chỉ riêng nhà máy Pacific này, một ngày sử dụng 8.400 kWh điện, ngành điện yêu cầu tiết giảm ít nhất là 15%, như vậy công suất được sử dụng khoảng 7.000 kWh/ngày. Nếu trong 5 ngày liên tiếp mà vượt 7.000 kWh/ngày, ngành điện sẽ có những chế tài và cắt điện nhiều hơn... Thế thì DN có muốn tăng ca cũng không làm được”. Mặt khác, khi DN tăng ca, nếu dùng máy phát, ngoài chi phí tăng thêm do sử dụng nhiên liệu, sẽ còn chịu thêm chi phí do trả thù lao tăng ca cho người lao động. Thế nhưng, ngay cả khi chấp nhận dùng máy phát điện để tăng ca, DN cũng khó mà thực hiện được. Ông Lê Mạnh Hoạch cho hay: “Có nhà máy thì chạy máy phát được nhưng có nhà máy như sản xuất đế giày, chúng tôi cũng không thể dùng máy phát... Trong khi đó, muốn sản xuất ra đôi giày, công đoạn đầu tiên là sản xuất đế giày...”.
Tình hình thiếu điện dẫn đến nguy cơ phá vỡ các đơn hàng của DN không chỉ diễn ra ở Thái Bình Shoe Group. Tại Công ty TNHH Một thành viên May mặc Bình Dương, khi phóng viên tìm đến, như là sự trùng hợp, cũng đang trong tình trạng chạy máy phát điện để sản xuất. Ông Lê Hồng Phoa, Tổng Giám đốc công ty cho hay, hôm đó là ngày công ty giao hàng, cả lãnh đạo và các phòng ban đều phải xuống xưởng hỗ trợ công nhân xuất hàng để bảo đảm tiến độ. Ông Phoa phân trần, nhiều DN không có máy phát điện, không biết họ sẽ xoay xở ra sao vì thông thường, đơn hàng đã ký từ 6 tháng trước, đến thời điểm giao hàng là phát xuất đúng hẹn, khách hàng không bao giờ đồng ý trễ các đơn hàng. Đối với Công ty TNHH Một thành viên May mặc BD, đến thời điểm này, tuy chưa có đơn hàng bị trễ do DN sử dụng tới 3 máy phát điện nhưng theo ông Phoa, nếu tình hình cắt điện tiếp tục diễn ra, chắc chắn sẽ bị trễ đơn hàng. “Khi mà 1 đơn hàng bị trễ, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng domino. Các DN dệt may nào cũng đều có công đoạn dịch vụ ngoài, mất điện cũng sẽ anh hưởng đến họ và đẩy nguy cơ trễ các đơn hàng lên cao...”, ông Phoa lo ngại. Còn đối với các DN nhỏ, không đầu tư được máy phát điện, chắc chắn có 2 con đường hoặc là đi thuê máy phát điện với chi phí đội lên, hoặc là chấp nhận bồi thường các đơn hàng và mất dần đi đối tác.
Chấp nhận lỗ để bảo đảm đơn hàng
Trước tình hình thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất, nhiều DN xuất khẩu đã phải mua máy phát hoặc thuê máy phát điện để tự cung cấp nguồn điện cho các nhà máy vận hành, bảo đảm kịp tiến độ các đơn hàng cho các đối tác. Điều này cũng có nghĩa là DN cắn răng chấp nhận lỗ để duy trì các hợp đồng với các đối tác vì chi phí đầu tư mua hoặc thuê máy phát điện cộng với chi phí mua nguyên liệu đã tăng lên gấp 4 lần so với việc sản xuất thông qua điện lưới bình thường. Tại Thái Bình Shoe Group, ông Đặng Ngọc Duy, Trưởng phòng Kế hoạch nhà máy đế giày cho biết, với lượng tiêu thụ điện trung bình 30.000 kWh/ ngày, chi phí sản xuất qua điện lưới chỉ ở khoảng 28 triệu đồng/ngày nhưng khi nhà máy sử dụng máy phát điện, chỉ tính riêng chi phí mua dầu, trung bình 1 ngày chi phí lên 39 - 40 triệu đồng.
Trước tình hình thiếu điện ảnh hưởng đến xuất khẩu, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Điện lực Bình Dương thực hiện ưu tiên cấp điện cho các DN xuất khẩu lớn. Sở Công Thương đã lên danh sách 862 khách hàng nằm trong diện ưu tiên. Điện lực Bình Dương cho biết sẽ xem xét danh sách, qua đó gạn lọc các đối tượng để ưu tiên cung cấp...
Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho biết, một DN dệt may thành viên của hiệp hội có trụ sở tại KCN Sóng Thần phản ánh, trước tình trạng bị cắt điện, để bảo đảm các đơn hàng ký trước đó, DN này đã chấp nhận đi thuê 2 chiếc máy phát, 1 ngày mất 18 triệu đồng tiền thuê máy và 25 triệu đồng nhiên liệu. Như vậy, với tần suất cắt điện như hiện nay, DN này một tháng sẽ phải mất chi phí khoảng 280 triệu đồng, trong khi đó, nếu dùng điện lưới sản xuất, trung bình 1 tháng DN chỉ phải chi phí khoảng trên 10 triệu đồng. Theo ông Phoa, các DN thành viên đều có những bức xúc và phàn nàn về việc phải chấp nhận tăng chi phí cho sản xuất vì phải chạy máy phát điện, đây là tình hình chung của hầu hết các DN, nhất là đối với các DN xuất khẩu.Khó đạt mục tiêu xuất khẩu
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Lê Mạnh Hoạch, cho rằng, tình hình thiếu điện hiện nay sẽ làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch xuất khẩu của DN. “Mục tiêu trong năm 2010, chúng tôi đưa ra là xuất khẩu từ 12,5 - 13 triệu đôi giày. Tuy nhiên, tình hình này mục tiêu trên sẽ khó mà đạt được nếu tình trạng thiếu điện tiếp tục diễn ra...”, ông Hoạch nói.
Tình hình này cũng diễn ra tại nhiều DN xuất khẩu chủ lực khác, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may. Theo ông Lê Hồng Phoa, trong năm 2010, Công ty TNHH Một thành viên May mặc Bình Dương đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt 40 triệu USD, đến gần hết tháng 5, mới chỉ đạt trên 10 triệu USD. Trước tình hình sản xuất bị đình trệ do thiếu điện, theo ông Phoa, sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu này. “Rõ ràng, nếu không đạt được mục tiêu xuất khẩu, doanh thu của DN sẽ bị giảm, đời sống người lao động cũng sẽ giảm theo...”, ông Phoa phân trần. Trên tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, ông Lê Hồng Phoa, cũng cho rằng với 55 DN thành viên, năm 2010, hiệp hội đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2009, tổng giá trị kim ngạch rơi vào khoảng 800 triệu USD. Tuy vậy, với những khó khăn từ nguồn điện sản xuất, mục tiêu này khó mà đạt được.
THÀNH SƠN
- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương: LÊ HỒNG PHOA
“Đối với hầu hết các DN, ngay cả khi mất điện, phải chạy máy phát thì khó khăn vẫn chồng chất khó khăn. DN mà chạy máy phát, nguồn điện không ổn định, chất lượng sản phẩm cũng bị ảnh hưởng. Rồi do áp lực các đơn hàng, DN phải thúc công nhân làm nhanh, dẫn đến làm ẩu và bị lỗi, không xuất được. Còn DN hoạt động trong ngành nhuộm, điện không ổn định, khi bị cắt đột xuất hỏng cả mẻ hàng; chạy máy phát do điện không ổn định, nhiều công đoạn đều không đạt chuẩn... Chúng tôi cũng đã có kiến nghị, gửi văn bản lên UBND tỉnh, Điện lực Bình Dương, Sở Công Thương... nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện...”.
- Trưởng phòng Hành chính nhân sự Nhà máy giày Pacific Nguyễn Hữu Minh:
“Nói 3 tuần cúp điện 2 lần là không đúng. Chúng tôi có tuần còn bị cúp 2 lần! Còn bảo ưu tiên điện cho xuất khẩu, chúng tôi chưa nhận được gì cả. Đã cúp điện 2 ngày/tuần, ngành điện còn yêu cầu tiết giảm 15 - 20% lượng điện là không ổn... Mất điện, công nhân nghỉ việc, giảm thu nhập, rõ ràng là ảnh hưởng đến đời sống người lao động”.
ĐÀM THANH (thực hiện)